Chuyển đổi xanh ở doanh nghiệp - cần thay đổi từ tư duy

Chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một hành trình dài với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, hành trình này cần sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp.

Đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn. (Nguồn: Ecopark)

Đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn. (Nguồn: Ecopark)

Trên thế giới, hành trình chuyển dịch Net Zero (phát thải ròng bằng 0) đã và đang là xu thế tất yếu không thể đảo ngược nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Hành trình này sẽ định hình lại nền kinh tế, mở ra thị trường mới đối với một số ngành nghề.

Mở cơ hội phát triển mới

Tại Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam - Singapore (VSBF) 2024 diễn ra mới đây, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc VSBF, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn và đào tạo Sao Việt (VIETSTAR) cho rằng, trước bối cảnh chuyển dịch xanh diễn ra như “vũ bão” trên khắp thế giới, doanh nghiệp tiên phong sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, thúc đẩy quá trình kinh doanh bền vững. Quá trình chuyển đổi xanh cũng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng, đối tác.

Đồng quan điểm, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) nêu rõ, doanh nghiệp là một phần không thể thiếu của giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và các nỗ lực chuyển dịch Net Zero toàn cầu.

Về lý do doanh nghiệp cần xông pha, Phó Chủ tịch CMSC nhận thấy, các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất, giao thông vận tải, nông nghiệp là những tác nhân chính gây ra phát thải khí nhà kính và tác động đến môi trường. Nếu không có sự tham gia và cam kết tích cực của những doanh nghiệp này, Việt sẽ rất khó đạt được mục tiêu về bền vững và khí hậu toàn cầu.

Song song với đó, các doanh nghiệp có nguồn lực, chuyên môn và năng lực đổi mới để phát triển các công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh mới có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, ít carbon. Cộng đồng doanh nghiệp cũng là đối tượng có thể tiếp cận các nguồn tài chính và vốn đầu tư lớn để chuyển sang các dự án giảm thiểu, thích ứng với khí hậu và bảo vệ môi trường. Thông qua hoạt động chuỗi cung ứng, mối quan hệ khách hàng có ảnh hưởng lớn đến các tác động môi trường; thông qua việc áp dụng các biện pháp bền vững, doanh nghiệp có thể thúc đẩy thay đổi trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình và hệ sinh thái.

“Không chỉ thế, doanh nghiệp cũng có vai trò mang tính xây dựng trong việc định hình các chính sách về khí hậu và môi trường thông qua sự tham gia đóng góp tích cực với các nhà hoạch định chính sách. Kiến thức chuyên môn và quan điểm trong ngành của họ có thể giúp đưa ra các quy định hiệu quả, thực tế và thân thiện với môi trường”, ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Theo ông, các doanh nghiệp lớn có thể đặt ra các mục tiêu bền vững, triển khai các phương pháp hay nhất và giới thiệu mô hình thành công nhằm truyền cảm hứng và thúc đẩy các công ty khác làm theo. Do đó, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp là rất quan trọng để đạt được các cam kết Net Zero của Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp… chưa có sự chuẩn bị

Tại tọa đàm “Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững” diễn ra cách đây không lâu, ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh về câu chuyện doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi xanh. Theo ông, “các doanh nghiệp khi muốn tiến vào thị trường thế giới cần chuyển động theo xu hướng chung của toàn cầu”.

Ông Minh thông tin, tháng 12/2023, Ban IV đã có cuộc khảo sát khoảng 2730 doanh nghiệp địa phương. Kết quả cho thấy, 64% doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững và tăng trưởng xanh nhưng chưa chuẩn bị gì. “Điều đó cho thấy, bên cạnh vấn đề hoàn thiện thể chế chính sách thì ở cấp độ vi mô, những chuyển động của doanh nghiệp cần mạnh mẽ hơn. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm!” đại diện Ban IV nói.

Về những thách thức trong hành trình chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Hải Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE) phản ánh, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bị tụt lại phía sau trong hành trình chuyển đổi xanh.

Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Hải Hùng nêu bật ba vấn đề. Thứ nhất, về tài chính. Việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh thường đòi hỏi nguồn lực lớn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Áp lực tài chính đe dọa sự bền vững của doanh nghiệp trong dài hạn và làm giảm khả năng tiếp cận vốn đầu tư.

Thứ hai, về nhận thức và hiểu biết. Đối với nhiều doanh nghiệp, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số vẫn còn là một khái niệm mới lạ và không đủ thông tin để hiểu rõ. Sự thiếu hiểu biết và nhận thức về lợi ích dài hạn của chuyển đổi xanh và chuyển đổi số gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Thứ ba, về hỗ trợ và hướng dẫn. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp khuyến khích chuyển đổi xanh, nhưng việc triển khai và thực thi vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra một không gian để cải thiện và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Xây dựng lộ trình tích hợp

Để vượt thách thức nói trên và hiện thực hóa mục tiêu Net Zero của đất nước, ông Bùi Thanh Minh nhận thấy, doanh nghiệp cần sớm đề ra lộ trình chuyển đổi xanh tích hợp, lồng ghép vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhận diện và nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện hữu.

Nhưng điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp phải có một tư duy thay đổi. Đơn cử như mô hình tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng các yếu tố tài nguyên đã đến lúc chuyển sang mô hình sáng tạo, dựa trên ngành kinh tế xanh hơn và có tác động lan tỏa.

Trong khi đó, ông Phạm Hoài Trung, Trưởng ban vận động Net to Zero 2050 ứng phó biến đổi khí hậu đề xuất lộ trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững trong vòng ba năm để các doanh nghiệp tham khảo.

Năm thứ nhất, doanh nghiệp cần nắm được những khái niệm cơ bản về phát triển bền vững, từ đó đánh giá tổng quát đơn vị đã và chưa làm được gì. Sau khi hiểu mình, doanh nghiệp cần làm nhật ký phát triển bền vững để ghi chép lại quá trình hoạt động.

Năm thứ hai, doanh nghiệp cần chọn ra những tiêu chuẩn “đinh” theo đuổi, ví như doanh nghiệp ngành thực phẩm nên làm theo tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thực hành kiểm kê khí nhà kính và lập báo cáo phát triển bền vững.

Năm thứ ba, doanh nghiệp cần đặt ra chiến lược phát triển bền vững xa hơn ở trung và dài hạn. Ngoài ra, cần lập dự án giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu chân carbon cho sản phẩm, quá trình sản xuất.

Việt Nam - cũng như các quốc gia đang phát triển khác - không thể phủ nhận vai trò của điện than, nhưng đã đến lúc cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn. Trong hành trình chuyển dịch Net-zero, chuyển đổi xanh, Chính phủ đã sẵn sàng, giờ là lúc doanh nghiệp cần “rốt ráo” hơn trong hành trình này để phát triển nhanh và bền vững.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-doi-xanh-o-doanh-nghiep-can-thay-doi-tu-tu-duy-273094.html