Chuyển đổi xe điện, cần gì để đột phá?

Để đạt được mục tiêu chuyển đổi sang sử dụng xe điện, theo ý kiến nhiều chuyên gia, vẫn cần thêm những cơ chế và động lực mới, thật sự đột phá.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển xe điện, tuy nhiên theo các chuyên gia, so với nhiều nước trong khu vực vẫn chưa thấm vào đâu. Để việc chuyển đổi xe điện đạt được mục tiêu, chúng ta vẫn cần thêm những cơ chế và động lực mới thật sự đột phá.

Chính sách vượt trội của Indonesia, Thái Lan

So với các nước trong khu vực, Indonesia và Thái Lan đang có khung chính sách vượt trội cho xe điện. Thái Lan đang theo đuổi chính sách mang tên "30@30", mục tiêu đạt tỷ trọng xe điện chiếm 30% tổng số xe sản xuất trong nước đến năm 2030. Các hãng xe điện được phép nhập khẩu xe vào Thái Lan để bán với tỷ lệ 2:1, tức là cứ bán mỗi xe nhập khẩu phải sản xuất tại chỗ hai xe.

Tại Việt Nam, xe điện sản xuất trong nước đang được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15% xuống còn 3% (áp dụng đến 28/2/2027).

Các gói chính sách ưu đãi xe điện cho người mua theo giai đoạn (hiện tại là gói EV 3.5, hiệu lực từ 2024-2027), trợ cấp từ 50.000 - 100.000 baht (1.375 - 2.750 USD) cho ô tô điện có giá bán lẻ dưới 2 triệu baht (55.000 USD) và sử dụng pin có công suất tối thiểu 50 kWh, trợ cấp từ 5.000 - 10.000 baht cho xe máy điện có giá không quá 150.000 baht sử dụng pin có công suất tối thiểu 3kWh.

Trong hai năm đầu tiên triển khai gói ưu đãi EV3.5, xe điện nhập khẩu nguyên chiếc sẽ được áp dụng mức trần thuế nhập khẩu 40%. Thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 8% xuống 2% đối với xe điện nhập khẩu có giá dưới 2 triệu baht.

Indonesia cũng áp dụng ưu đãi trong năm tài khóa. Năm nay chính phủ Indonesia trợ cấp tối đa cho 50.000 ô tô điện, với mức hỗ trợ 80 triệu rupi (5.200 USD) dành cho mỗi ô tô thuần điện và 40 triệu rupi (2.600 USD) dành cho mỗi ô tô hybrid (lai xăng điện) được bán.

Từ ngày 20/2, Indonesia loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 11%) đối với xe điện trong năm tài chính 2024 và thuế nhập khẩu cho đến cuối năm 2025. Bởi vậy, ô tô điện bán tại Indonesia được hỗ trợ, ưu đãi gồm 5.200 USD (cho người mua) và 2.200 USD (miễn thuế tiêu thụ đặc biệt), cộng với miễn thuế nhập khẩu.

Thời gian ưu đãi đang ngắn lại

Tại Việt Nam, xe điện sản xuất trong nước được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15% xuống còn 3% (áp dụng đến 28/2/2027).

Chi phí trang thiết bị cho một trạm sạc công suất cao có thể lên đến từ 5-7 tỷ đồng. Tại Việt Nam do thị trường xe điện còn quá nhỏ (không tính VinFast có hạ tầng riêng) nên khó tính toán được phương án thu hồi vốn mà mở rộng mạng lưới. Ngoài ra, giá bán điện cho trạm sạc cũng cần có quyết sách đột phá, tạo động lực mới cho xe điện phát triển.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thiết bị và giải pháp trạm sạc 1 (EV1)

Đối với lệ phí trước bạ, Nghị định 10/2022 quy định, ô tô điện chạy pin trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022 được miễn nộp lệ phí lần đầu. Trong vòng 2 năm tiếp theo, mức thu bằng 50% đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

So với xe xăng/dầu, mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (-12%), mức giảm lệ phí trước bạ (-10%) giúp chi phí để lăn bánh xe điện giảm 22% so với xe xăng cùng số chỗ ngồi. Tuy nhiên, các mốc ưu đãi đang ngắn lại, thời gian không còn nhiều.

Đơn cử, đến ngày 1/3/2025 lệ phí trước bạ xe điện sẽ không còn ở mức 0% mà tăng lên, bằng 50% mức thu với xe xăng. Thời gian đến ngày 1/3/2025 chỉ còn chưa đầy 1 năm. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, mức 3% của xe điện chỉ còn hiệu lực chưa đầy 3 năm.

Về thuế suất linh kiện lắp ráp xe điện, nhiều bộ linh kiện của xe điện trong nước chưa sản xuất được, đều được ưu đãi hoặc miễn thuế như: "Engine ECU và các bộ điều khiển khác được sử dụng cho xe có động cơ", "Loa chưa lắp ráp vào trong vỏ loa", "Cảm biến va chạm xe có động cơ"...

Những nút thắt cần tháo gỡ

Đáng nói, chúng ta cũng từng có đề xuất hỗ trợ cho người mua xe điện số tiền khoảng 1.000 USD/chiếc, nhưng chưa có sự đồng thuận với nhiều lý do khác nhau.

Việt Nam chưa thể trợ cấp trực tiếp cho người mua ô tô điện như các nước vì muốn trợ cấp cho một mặt hàng cụ thể cần soi chiếu vào nhiều luật (Trong ảnh: Xe sạc điện tại trạm sạc của EV One, nhà phát triển trạm sạc độc lập tại Việt Nam).

Theo PGS. TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội), một số nước châu Âu trợ cấp món tiền cụ thể cho người mua xe điện là bởi họ có khoản ngân sách đã định lượng, được luật hóa để thay đổi hành vi tiêu dùng ô tô.

Ngân sách này nằm trong một chiến lược tổng thể chống biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường. Nguồn thu thuế từ các tổ chức doanh nghiệp phát thải CO2, được chính phủ lượng hóa thành tiền, điều tiết số tiền này thành khoản trợ cấp cho người tiêu dùng lựa chọn phương tiện xanh.

Một chuyên viên Bộ Tài chính cho hay, Việt Nam chưa thể trợ cấp trực tiếp cho người mua ô tô điện như các nước. Bởi muốn trợ cấp cho một mặt hàng cụ thể cần soi chiếu vào nhiều luật.

Chẳng hạn luật về giá, xem mặt hàng đó có thuộc diện nhà nước cần trợ cấp, bình ổn giá hay không. Mặt khác, việc trợ giá cũng tính đến chuyện hàng hóa đó là nhập khẩu hay sản xuất nội địa, vì nếu trợ giá phải trợ giá cả hàng nhập khẩu, nếu không sẽ thành phân biệt đối xử.

Để có thêm động lực thúc đẩy phát triển xe điện, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần hỗ trợ mạnh mẽ cho hạ tầng trạm sạc.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, kinh nghiệm đúc rút từ các nước đã và đang phát triển xe điện cho thấy, trạm sạc là mấu chốt của thành công cho quá trình chuyển đổi xanh. Các nghiên cứu chỉ ra, nếu đầu tư 1 đồng cho trạm sạc, hiệu quả mang lại đạt từ 1,4 - 1,45 đồng so với đầu tư cho phương tiện.

"Cái thiếu ở Việt Nam hiện nay là hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh trạm sạc, thiếu quy chuẩn quy phạm và chính sách giá điện, gây rủi ro cho nhà đầu tư trạm sạc. Vì phát triển trạm sạc ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi, nên cần Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Hạ tầng điện và giá điện cho trạm sạc xe buýt cũng là bài toán, cần lời giải từ cơ quan có thẩm quyền", bà Hiền phân tích.

Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh phương tiện đường bộ

- Giai đoạn 2022 - 2030

Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

- Giai đoạn 2031 - 2050

Đến năm 2040: Từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Trích Quyết định 876/QĐ-TTg 2022 về chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/chuyen-doi-xe-dien-can-gi-de-dot-pha-192240405110237528.htm