Chuyên gia: Cần đảm bảo công bằng trong chính sách hoàn thuế GTGT

Nhiều chuyên gia đánh giá, mặt hàng phân bón nên nằm trong nhóm chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) để doanh nghiệp, nông dân cùng có lợi. Tuy nhiên, các chính sách hoàn thuế cũng cần nghiên cứu, sửa đổi để đảm bảo công bằng.

Đưa phân bón về mức thuế suất GTGT 5% là phù hợp

Hiện có 2 luồng quan điểm về thuế giá trị gia tăng áp dụng với phân bón. Một là đồng thuận với phương án chuyển về quy định ban đầu tại Luật thuế GTGT năm 2008 là áp dụng thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón. Hai là giữ nguyên quy định hiện hành, phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết: “Về nguyên tắc, thuế GTGT là loại thuế gián thu, đánh trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ, với phương pháp hành thu là khấu trừ liên hoàn, khi tính thuế GTGT phải nộp ở khâu sau (thuế đầu ra) thì sẽ cho trừ đi số thuế GTGT đã thực nộp, thực trả tại khâu mua vào trước đó (thuế đầu vào).

Đối với mặt hàng phân bón (kể cả phân bón nhập khẩu và sản xuất trong nước), vì là sản phẩm đầu ra của ngành công nghiệp hóa chất nhưng lại là đầu vào quan trọng của ngành nông nghiệp nên được xếp vào danh mục chịu thuế suất thấp 5%. Đặc thù của Việt Nam trong thời gian ban hành Luật thuế GTGT năm 2008 là nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng khá cao (năm 2007 chiếm 17,83% GDP) và sản phẩm hàng hóa bán ra khâu đầu tiên là nông sản, thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế thông thường do người sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt trực tiếp bán ra chủ yếu là nông dân, Luật quy định thuộc diện không chịu thuế GTGT”.

 Không thuộc diện chịu thuế GTGT khiến phân bón trong nước khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ảnh: Đạm Cà Mau.

Không thuộc diện chịu thuế GTGT khiến phân bón trong nước khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ảnh: Đạm Cà Mau.

Tại lần trình đề xuất sửa đổi thuế GTGT vào năm 2014, với mục tiêu định hướng đề ra là nhằm giúp đỡ cho sản xuất nông nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, dự thảo đã có đề xuất chuyển phân bón từ nhóm chịu thuế suất 5% sang nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT nhưng vẫn đề xuất cho áp dụng khấu trừ thuế GTGT đầu vào, để giảm giá phân bón, thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo theo hướng đề xuất này đã không được thông qua đối với nội dung cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì không bảo đảm đúng nguyên tắc của thuế GTGT là chỉ được khấu trừ đầu vào khi đầu ra là sản phẩm thuộc diện chịu thuế.

Theo ông Phụng, quá trình thực hiện Luật số 71/2014/QH13 (từ năm 2015 đến nay), thực tiễn vận động của nền kinh tế đã có tác động bất lợi đối với cả ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn tới không đạt được kỳ vọng như mục tiêu định hướng do nhiều nguyên nhân.

“Thứ nhất, Ngân sách nhà nước đã mất đi số thu thuế GTGT khâu nhập khẩu (ước tính mỗi năm mất thu khoảng trên 1.000 tỷ đồng) do phân bón nhập khẩu áp dụng thống nhất như hàng sản xuất trong nước theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thứ hai, giá bán phân bón trong nước bị tăng lên (hiệu ứng tác động đẩy giá) do toàn bộ số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ buộc doanh nghiệp phải hạch toán vào giá thành và đẩy giá bán tăng lên (theo báo cáo của Hiệp hội Phân bón, sau khi Luật 71/2014 có hiệu lực, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%).

Thứ ba, gắn liền với việc mất thu Ngân sách nhà nước khâu nhập khẩu, còn tạo ra nhiều khó khăn, bất lợi cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, bởi phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT mà còn được nước xuất khẩu hoàn lại thuế (ví dụ Trung Quốc 17%, Nga 22%)”, ông Phụng đánh giá.

Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước đang khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Số liệu báo cáo của Hiệp hội Phân bón cho thấy, giai đoạn 2015 -2020 cả 10 doanh nghiệp sản xuất phân bón đều có giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng âm, riêng 4 doanh nghiệp thuộc Đề án 168 lỗ trầm trọng (tăng lỗ bình quân 37,7%/năm).

Đánh giá về dự thảo sửa đổi luật thuế GTGT với ngành phân bón, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nhận định: “Tôi cho rằng không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón. Theo tôi, khi bàn về tác động của thuế GTGT 5%, nên có cái nhìn khách quan, khoa học, không nên bảo thủ hay dùng những lời lẽ nặng nề như ‘không cần biết, cứ áp thuế GTGT 5% thì giá phân bón sẽ tăng, sẽ giết người nông dân’. Tôi cho rằng phải căn cứ trên cơ sở khoa học tính toán cụ thể, không nên vì suy nghĩ chủ quan, cảm tính để quyết định”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam phân tích: “Ví dụ hạch toán, giá bán sản phẩm phân bón của doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu chưa bao gồm GTGT là 100 đồng, giá trị đầu vào là 80 đồng, dự kiến lợi nhuận ban đầu là 20 đồng.

Nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8 đồng tiền thuế GTGT không được khấu trừ, dẫn đến giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8 đồng để bù đắp chi phí thuế. Do vậy, thực tế giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng là 108 đồng, khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi trả giá cao hơn.

Với mức giá 108 đồng, doanh nghiệp sản xuất trong nước mới bảo đảm lợi nhuận mục tiêu để duy trì sản xuất, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần mức giá 100 đồng. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nhập khẩu tính giá theo cơ chế thị trường, họ cũng có thể tăng giá bán lên 108 đồng, khi đó người tiêu dùng có thể phải trả thêm 8 đồng tiền thuế đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu do chính sách thuế.

Ngoài ra, do lợi thế có được từ chính sách thuế nên nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phân bón có điều kiện cạnh tranh về giá, chưa nói đến chất lượng và hậu mãi, từ đó gây khó khăn cho sản xuất trong nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, dẫn đến độc quyền trong dài hạn khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước kiệt quệ, thua lỗ, thậm chí phá sản”.

Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đề xuất mức áp thuế GTGT 5% để hài hòa lợi ích và mục tiêu giữa các bên. Ngược lại, nếu không áp thuế GTGT, hiện toàn bộ thuế đang được tính vào chi phí sản xuất và phản ánh qua giá thành. Khi giá sản phẩm nội địa cao thì không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu về đổi mới công nghệ, hậu mãi. Người nông dân không hề được lợi gì, vẫn phải mua phân bón nhập khẩu và nội địa giá cao, gây thiệt thòi lớn. Nhà nước không thu được thuế từ sản xuất phân bón trong nước, không thu được thuế từ nước ngoài và “thiệt đơn, thiệt kép”.

“Doanh nghiệp nào cũng đều mong có lợi nhuận cao, tuy nhiên vai trò điều tiết Nhà nước ở Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ cần tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát, không để giá phân bón tăng sau khi áp thuế GTGT, đảm bảo mục tiêu chính sách đặt ra như kỳ vọng.

Áp thuế GTGT 5%, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có điều kiện đầu tư công nghiệp mới, sản xuất sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nông nghiệp và bình ổn giá bán, lúc này người được lợi lâu dài chính là người nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Khoản ngân sách Nhà nước thu được sẽ là nguồn đầu tư lại cho nông nghiệp thông qua giống cây mới, đào tạo người nông dân về sản xuất nông nghiệp bền vững.

Công nghệ phân bón Việt Nam còn chưa bắt kịp trình độ thế giới, nên rất mong Quốc hội đưa ra quyết định thuế GTGT phân bón chính xác, để từ đó cải thiện chất lượng phân bón, nâng cao giá trị nông sản Việt, để giúp nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế”, vị chuyên gia nói.

Cần đảm bảo công bằng trong chính sách hoàn thuế GTGT

Song hành với đề xuất đưa ngành phân bón vào diện chịu thuế, các phân tích của chuyên gia cũng cho rằng, chính sách hoàn thuế GTGT cũng cần đảm bảo công bằng.

Theo ông Nguyễn Văn Được, khoản 3 điều 15 trong dự thảo Luật quy định: “... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%, trừ hoạt động thanh lý tài sản nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng liên tục hoặc 4 quý liên tiếp thì được hoàn thuế GTGT”. Luật hiện hành không có điều này”.

Vị chuyên gia về thuế phân tích, nếu doanh nghiệp chỉ có 1 loại thuế suất thuế GTGT là 5% thì mới được hoàn thuế, còn những doanh nghiệp có từ 2 loại thuế suất thuế GTGT trở lên thì không được hoàn thuế là không công bằng đối với các doanh nghiệp có từ 2 loại thuế suất thuế GTGT trở lên.

“Trong thực tế, doanh nghiệp được tự do kinh doanh nên đa phần doanh nghiệp có đa ngành nghề, rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một lĩnh vực chịu thuế GTGT 5%. Do đó, sửa luật thuế GTGT cần đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%.

Thuật ngữ “chỉ” sẽ làm giới hạn đối tượng được hoàn thuế và không đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%”, ông Được cho hay.

Đơn cử doanh nghiệp A là nhà sản xuất phân bón và kinh doanh hóa chất, nếu hàng hóa phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% và hóa chất chịu thuế suất 10% thì doanh nghiệp A sẽ không được hoàn thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp B chỉ sản xuất phân bón, không kinh doanh ngành nghề khác thì lại được hoàn thuế. Như vậy, sẽ không công bằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Từ phân tích trên, chuyên gia đề nghị Quốc hội bỏ từ “chỉ” để cho phép hoàn thuế đối với đối tượng sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5% cho đúng bản chất nhưng phải “bù trừ với các hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế khác”, đồng thời phải thực hiện “phân bổ” số thuế GTGT theo tỷ lệ chịu thuế 5% so với tổng hàng hóa dịch vụ của người nộp thuế.

“Nếu bỏ từ “chỉ” thì tất cả các doanh nghiệp có một hay nhiều loại thuế suất thuế GTGT trở lên đều được đối xử bình đẳng. Điều này giúp cho doanh nghiệp có điều kiện và động lực để liên tục đầu tư phát triển, đổi mới, đa dạng sản phẩm; dành thêm nguồn lực đem lại lợi ích cho nền kinh tế”, ông Được nói.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-gia-can-dam-bao-cong-bang-trong-chinh-sach-hoan-thue-gtgt.html