Chuyên gia cảnh báo những lệch lạc trong dạy học Ngữ văn
Các chuyên gia khẳng định, hướng đi của việc dạy học văn theo chương trình mới là đúng, tuy nhiên, có những điểm 'lệch' cần điều chỉnh.
Năm 2025 là năm đầu tiên đề thi tốt nghiệp THPT không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK). Đề thi được đánh giá là hay, tránh cho học sinh lối mòn học tủ, học vẹt. Tuy nhiên, việc dạy học văn theo chương trình mới, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn GDPT 2018 vẫn tồn tại những “lệch lạc”, cần trao đổi và điều chỉnh.

Tiết dạy học văn với sự đổi mới, sáng tạo khiến học trò thích thú tại Trường THPT Đại Mỗ, Hà Nội. Ảnh: minh họa.
Đây là những băn khoăn mà ông, sau cuộc trò chuyện với Nhà lý luận, phê bình văn học, GS Trần Đình Sử, ông rất đồng tình và cho rằng, các thầy cô giáo có thể tham khảo để điều chỉnh.
Quan niệm dạy học phát triển năng lực Ngữ văn chưa đúng
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, hiện nay nhiều giáo viên quan niệm, năng lực trong môn Ngữ văn là biết làm, biết vận dụng thực hành…là chính nên bỏ qua việc trang bị nhắc nhở học sinh trau dồi kiến thức. Đúng là năng lực đòi hỏi người ta biết làm, biết vận dụng, nhưng với môn Ngữ văn nói riêng cũng như các môn học nói chung, nếu không có kiến thức thì không thể làm có hiệu quả, không làm tốt được.
Học sinh có năng lực Ngữ văn vừa phải có kiến thức, bao gồm kiến thức về tác giả, tác phẩm, về lí luận văn học và lịch sử văn học…vừa phải biết vận dụng những kiến thức ấy vào việc hiểu, cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học và biết viết văn bản, biết làm ra bài văn của chính mình.
“Học sinh không đọc tác phẩm, không thuộc, không nhớ nhiều thơ văn trong đầu thì lấy gì mà vận dụng thực hành? Lấy gì mà viết, mà liên hệ, so sánh, nhận xét, đánh giá các giá trị văn học của một tác phẩm?”, ông Thống đặt câu hỏi.
Ông Thống cho rằng, việc chống học tủ, học vẹt là chống cách học máy móc, học thuộc để khi đi thi chép lại văn mẫu. Tuy nhiên, muốn học tốt, học giỏi văn thực sự không thể không đọc, không nhớ những câu thơ, bài thơ, những áng văn hay, hai việc này là khác nhau.
Không chỉ một vài bài, dăm ba câu mà là thuộc rất nhiều, nhớ càng nhiều càng tốt. Đó không chỉ là biểu hiện của tình yêu, sự say mê văn chương mà còn là biểu hiện của người có năng lực Ngữ văn.
Không nên bắt học sinh học thuộc thơ văn, nhưng giáo viên cần dạy sao cho học sinh yêu thích và muốn thuộc nhiều văn thơ. Đọc và thuộc thơ văn chính là chuẩn bị chất liệu để xây dựng, tạo ra sản phẩm; chuẩn bị bột, để “gột nên hồ”. Đương nhiên có vật liệu rồi phải biết cách (cách đọc, cách viết) cùng với sự rung động của tâm hồn mỗi người thì mới tạo ra sản phẩm tốt.
Bỏ qua các tác phẩm trong SGK, coi nhẹ dạy nói và nghe
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, một số giáo viên quan niệm do kiểm tra, đánh giá không lấy lại các văn bản- tác phẩm đã học nên thường coi nhẹ việc yêu cầu học sinh học nghiêm túc các văn bản trong SGK, thậm chí không dạy một số tác phẩm. Đây là một sai lầm. Vì trước hết các văn bản trong SGK là những văn bản tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc và thế giới, rất hay và đúng thể loại, lại đã được các tác giả sách tuyển chọn.
Nếu không lấy các văn bản trong SGK thì làm thế nào để dạy cho học sinh cách đọc hiểu? Hơn nữa các đề kiểm tra thường xuyên, thậm chí kiểm tra định kì vẫn có thể ra lại các tác phẩm đã học; điểm đánh giá quá trình vẫn có giá trị trong việc xét lên lớp và tốt nghiệp. Lấy tác phẩm ngoài sách vừa khó chọn được văn bản phù hợp, khó bảo đảm các tiêu chí, vừa khó xây dựng được một hệ thống câu hỏi đọc hiểu như SGK.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn GDPT 2018.
Việc dựa vào các văn bản tự tìm để mong trúng đề thi sau này thì là một ảo tưởng, làm sao dạy hết tất cả các văn bản có thể ra đề được?
Do không thi nói và nghe ở các bài kiểm tra định kì và thi tốt nghiệp nên nhiều giáo viên bỏ dạy giờ nói và nghe. Kĩ năng nói và nghe có liên quan nhiều đến đọc và viết. Trước hết vì nội dung nói nghe gắn với đọc và viết, nên góp phần củng cố cho đọc và viết. Hơn nữa, kĩ năng nói nghe, tranh luận, trao đổi, phản bác một cách tự tin… rất cần với mọi người trong cuộc sống hiện đại, mà đây lại là một kĩ năng rất yếu của học sinh Việt Nam. Vì thế cần phải dạy nói và nghe giúp học sinh phát triển tốt kĩ năng này.
Thiên lệch trong việc dạy đọc hiểu hình thức thể loại
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay, dạy đọc hiểu văn bản, viết bài phân tích và cảm thụ tác phẩm văn học đương nhiên cần chú ý đặc điểm thể loại. Nhưng nếu chỉ tập trung vào các yếu tố hình thức thuần túy của thể loại thì không ổn.
Bản thân chương trình cũng nêu lên các yêu cầu cần đạt về nội dung, hình thức và liên hệ, so sánh, kết nối. Có nghĩa là dạy đọc hiểu cần thông qua hình thức thể loại, nhưng cái đích cuối cùng phải giúp học sinh hiểu ra nội dung sâu sắc, tư tưởng cao đẹp, nhân văn được hàm chứa trong mỗi văn bản.
Dạy đọc hiểu không chỉ giúp học sinh nhận ra các yếu tố hình thức độc đáo mà còn hiểu được tác dụng của hình thức ấy trong việc biểu đạt nội dung tư tưởng của tác phẩm. Cuối cùng học sinh biết rung động và hiểu ra, vỡ ra được thông điệp và bài học nhân sinh, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm, để biết ứng xử cho đẹp trong cuộc sống chứ không chỉ nhận biết ra được mấy yếu tố của hình thức thể loại.
“Khoán trắng” cho học sinh tự đọc và tự tiếp nhận
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, một số giáo viên lấy lí do dạy đọc hiểu là học sinh phải làm, phải thực hành, phải tự khám phá để “khoán trắng” cho học sinh tự đọc và tự tìm hiểu trong giờ dạy đọc hiểu văn bản. Đó cũng là biểu hiện không đúng.
Trong dạy đọc hiểu, vai trò của giáo viên vẫn hết sức quan trọng. Trước hết ở việc tìm hiểu thật kĩ văn bản sẽ hướng dẫn học sinh đọc. Giáo viên không hiểu văn bản thì làm sao hướng dẫn học sinh cách đọc hiểu văn bản ấy?
Sau khi hiểu văn bản, giáo viên cần có phương pháp sư phạm phù hợp để tổ chức giờ học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh. Giờ đọc hiểu là sự cộng tác làm việc giữa thầy và trò, thầy đưa ra các chỉ dẫn sư phạm, các nhiệm vụ và trò thực hiện. Trong khi thực hiện bằng hiểu biết và sự từng trải của mình, thầy, cô cần nêu lên những gợi mở, tham gia bình luận, giảng giải đúng lúc, đúng chỗ để giúp học sinh vỡ ra, nâng cao hơn kết quả cảm thụ và hình thành cách thức đọc hiểu, phân tích, nhận xét và đánh giá văn bản một cách khoa học.
Cũng có nghĩa là trong giờ đọc hiểu giáo viên cần kết hợp với kĩ thuật “giảng văn” một cách hài hòa, hợp lí để giờ học vừa có chất văn, vừa đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh qua thực hành. Trong giờ đọc hiểu giáo viên phải là cầu nối, là sợi dây liên kết các khám phá cụ thể, chi tiết của HS thành một khối, bảo đảm sự tiếp nhận tác phẩm như một chỉnh thể sinh động; không phải là sự “mổ xẻ” hình thức thể loại một cách cơ học, vụn vặt và rời rạc…
Dựa hết vào công cụ AI (ChatGPT)
Biết dựa vào công cụ AI là tốt và cần thiết. Tuy nhiên, theo PGS Thống, việc ỷ lại, dựa hết vào công cụ ấy để tra cứu tư liệu, ra đề, giải đề, làm bài tập… thì lại không ổn. Sự trợ giúp của AI chỉ là hỗ trợ, rất nhiều tiện ích trong dạy học Ngữ văn; nhưng những kết quả AI nêu ra cần được chọn lọc qua một khối óc có hiểu biết chuyên môn và biết cách sàng lọc thông tin thì mới hữu ích và chuẩn xác. Với ngữ văn, thông tin không chỉ đúng mà còn phải trúng, phải phù hợp, phải hay…những yêu cầu mà AI khó thay thế con người.
Vận dụng cấu trúc đề thi, kiểm tra một cách cứng nhắc
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, việc Bộ GD&ĐT nêu lên quy định về phạm vi, cấu trúc, ma trận đề thi tốt nghiệp THPT từ 2023 để các nhà trường và GV dạy học, ôn luyện cho HS đúng hướng, cũng như có một ma trận đề ổn định, lâu dài là rất cần thiết. Bản thân quy định ấy cũng hết sức mềm, đòi hỏi giáo viên vận dụng một cách linh hoạt cho phù hợp với đối tượng, điều kiện, tình chất mỗi kì kiểm tra đánh giá.
Tuy nhiên trong thực tế dạy học và kiểm tra đánh giá tại các địa phương lại có hạn chế rất lớn. Đó là việc vận dụng cứng nhắc mô hình cấu trúc ấy. Biểu hiện rõ rất là sử dụng cấu trúc đề thi tốt nghiệp cho tất cả các dạng bài kiểm tra đánh giá từ kiểm tra thường xuyên cho đến kiểm tra định kì từ lớp 6 đến lớp 12, thi vào lớp 10 cho dù mục tiêu, yêu cầu và thời gian làm bài rất khác nhau. Tiếp đến là vận dụng y nguyên các câu hỏi trong đề minh họa của Bộ dẫn đến các câu hỏi nhàm chán, đơn điệu và cuối cùng một số câu hỏi đọc hiểu chưa hướng vào các trọng tâm của yêu cầu đọc hiểu văn bản.