Chuyên gia chỉ điểm 6 nhóm thực phẩm ngừa lão hóa
Chuyên gia về dinh dưỡng, tác giả sách Cynthia Thurlow khuyến khích nên có nhiều rau, ngũ cốc, chất béo trong thực đơn hàng ngày, bởi chúng chứa nhiều thành phần chống viêm, làm chậm tốc độ lão hóa cho cơ thể.
1. Trái cây, rau củ
Nhóm thực phẩm này thường chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp chống lại tác hại của các gốc tự do gây ra cho cơ thể. Theo quan điểm của Cynthia, ăn càng nhiều trái cây, rau củ có màu sắc sặc sỡ càng tốt, đặc biệt là các loại rau lá xanh đậm như rau cải xoăn, rau chân vịt... chứa hàm lượng lý tưởng chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể. Bên cạnh đó, các loại rau họ cải đều có khả năng chống viêm, oxy hóa mạnh. Các loại quả mọng chứa nhiều vitamin C cũng là chất giúp tăng cường đề kháng, đóng vai trò quan trọng trong việc ngừa lão hóa da, hỗ trợ tăng sinh collagen.
2. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt được coi là chất chống viêm vì chúng làm giảm nồng độ protein phản ứng C trong máu (CRP), nhất là những loại ngũ cốc không chứa gluten như gạo lứt, quinoa, kiều mạch, yến mạch... Tuy nhiên, Cynthia cũng khuyên nên tiêu thụ với lượng vừa phải.
3. Dầu thực vật
Các loại hạt và dầu có trong các loại hạt thường rất tốt cho sức khỏe nhờ chứa nhiều omega 3, mangan, đồng magie... giúp sửa chữa những tổn thương do quá trình viêm nhiễm gây ra. Có nghiên cứu còn chỉ ra việc sử dụng thường xuyên dầu olive giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh tim mạch.
Nghiên cứu tại Đại học Harvard cho thấy phụ nữ Hy Lạp ăn ít nhất một thìa dầu ô liu mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 25 % so với những phụ nữ không dùng dầu ô liu thường xuyên. Giới học thuật cho rằng khả năng chữa bệnh của dầu ô liu đến từ axit béo không bão hòa đơn, có thể giúp giảm viêm và nên chọn các loại dầu hữu cơ, ép lạnh để bảo toàn giá trị dinh dưỡng. Dầu dừa cũng được đánh giá cao về hàm lượng chất béo tốt, lại có khả năng thúc đẩy việc đốt cháy chất béo dư thừa, hỗ trợ quá trình trao đổi chất. Axit luric có nhiều trong dầu dừa được coi là thành phần chống viêm quý giá.
4. Cá béo
Cá hồi, cá mòi, cá ngừ... thuộc nhóm oily fish đều rất giàu omega 3. Đây là loại chất béo tốt giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, chống viêm. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra tiêu thụ khoảng 340 gr hải sản hàng tuần có thể làm giảm tới 55% tình trạng đau, mỏi khớp do viêm.
5. Nấm
Các loại nấm phổ biến ở khí hậu châu Á như nấm đông cô được đánh giá rất cao về khả năng chống viêm nhiễm. Một nghiên cứu thực hiện năm 2018 đã kết luận rằng nấm là một trong những siêu thực phẩm, có tác dụng điều trị và tăng cường sức khỏe tốt, nhất là các bệnh liên quan đến viêm nhiễm.
6. Gia vị thảo mộc
Các loại gia vị thảo mộc như gừng, quế, tỏi... được chuyên gia đánh giá cao về khả năng chống viêm, hỗ trợ chữa lành các tổn thương tế bào, thậm chí sánh ngang các loại thuốc đặc trị viêm nhiễm. Vì vậy, Cynthia khuyên nên thêm các loại gia vị thảo mộc tự nhiên vào thức ăn hàng ngày, thay vì sử dụng các loại gia vị đóng gói, khó kiểm soát thành phần cũng như thường chứa chất bảo quản kém lý tưởng cho sức khỏe.