Chuyên gia chỉ ra 5 phương pháp giúp con hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính trong dịp hè cực kì hiệu quả, mọi cha mẹ nên biết để áp dụng

Mỗi khi mùa hè tới, việc con cái sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử khiến các bậc cha mẹ không khỏi đau đầu. Vậy phương pháp nào giúp các con hạn chế sử dụng các thiết bị điện là vấn đề được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Có những loại màn hình điện tử nào?

Thông thường, khi nhắc đến việc con sử dụng màn hình điện tử, cha mẹ thường nghĩ tới điện thoại, máy tính. Tuy nhiên, các loại màn hình điện tử hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của con còn có thể phong phú hơn nhiều.

Trao đổi với PV Gia đình và Xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Liên (giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) cho biết, các loại màn hình điện tử mà các con thường sử dụng không chỉ bao gồm điện thoại, máy tính, tivi, mà còn là các loại đồ chơi bảng vẽ điện tử, máy chơi game cầm tay, tới những món đồ phục vụ hỗ trợ học tập như máy đọc sách, máy giáo dục bằng các thẻ từ thông minh…

5 phương pháp giúp các con tránh xa màn hình điện tử

Có thể thấy rằng, việc thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử có màn hình đã gắn liền với nếp sống, nếp sinh hoạt hàng ngày, không chỉ của các con mà còn là của cha mẹ. Tuy nhiên, việc cho con tiếp xúc với màn hình điện tử quá nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ.

Tiến sĩ Hạnh Liên nhấn mạnh, quá trình giáo dục trẻ em đòi hỏi thời gian xuyên suốt và tính thống nhất trong hành động của cha mẹ.

Dưới đây là một số gợi ý về các phương thức giúp giảm thiểu được thời gian sử dụng màn hình điện tử cho con cái do Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Liên chia sẻ.

Chủ động làm gương cho trẻ

Trẻ có xu hướng học tập, bắt chước theo hành vi của cha mẹ. Theo TS. Hạnh Liên, không khó để quan sát thấy, rất nhiều trường hợp các gia đình đưa con đi chơi, thay vì trực tiếp tương tác với thành viên trong gia đình, thì mỗi người lại cầm một chiếc điện thoại để giải trí. Vậy thì, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là cố gắng làm gương cho con, chủ động dành thời gian tương tác trực tiếp với con, tổ chức lại cuộc sống của mình một cách hợp lý thay vì liên tục sử dụng màn hình điện tử.

Chuyên gia tâm lý chỉ ra 5 phương pháp để các bậc phụ huynh giúp con cái tránh xa các thiết bị điện tử. Ảnh minh họa

Chuyên gia tâm lý chỉ ra 5 phương pháp để các bậc phụ huynh giúp con cái tránh xa các thiết bị điện tử. Ảnh minh họa

Đặt ra lịch nhất định cho cả gia đình

Một gợi ý khác mà TS. Hạnh Liên đưa ra cho cha mẹ là có thể sắp xếp để đặt ra một lịch không sử dụng màn hình điện tử nhất định cho cả gia đình. Nghĩa là cha mẹ sẽ trao đổi cùng các con, để chọn ra một khoảng thời gian cố định trong tuần (ví dụ là sáng chủ nhật) để hoàn toàn không sử dụng các loại màn hình điện tử.

Thay vào đó, cha mẹ có thể nghĩ ra những hoạt động tương tác với trẻ trong khoảng thời gian đó, hoặc đi chơi, đi dạo công viên, hay có thể là vào bếp sáng tạo một món ăn mới.

Thiết lập quy định thời gian sử dụng màn hìnhđiện tử

Việc trao đổi và đưa ra quy định với con như thế nào sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ nhận biết vấn đề của các bé. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải luôn luôn nghiêm túc thực hiện theo quy định này. Nếu cha mẹ nhân nhượng mỗi lần trẻ muốn xin "chơi thêm một lúc nữa", điều này sẽ khiến trẻ nhận thấy rằng mình có thể "vượt khung", và điều này sẽ khiến các con không còn tuân theo quy định về thời gian sử dụng mà cha mẹ đặt ra nữa.

Để có thể giải quyết vấn đề trẻ muốn vượt quá thời gian, theo TS. Hạnh Liên, các phụ huynh có thể áp dụng kỷ luật mềm dẻo, bằng cách cho con được lựa chọn trong khuôn khổ. Ví dụ như, nếu con được sử dụng màn hình trong 30 phút, cha mẹ có thể để con tự lựa chọn thời gian bắt đầu và kết thúc là từ số mấy đến số mấy trên kim đồng hồ. Hay cha mẹ có thể cho con lựa chọn sử dụng 25 phút, 30 phút hay 35 phút. Những điều này sẽ khiến con có cảm giác "được lựa chọn" và hiểu rằng đây là quyết định mình đã đưa ra, chính vì vậy cần phải thực hiện.

Tăng cường cho con tham gia các hoạt động

Khi cha mẹ tăng thời gian cho những hoạt động không dùng đến màn hình điện tử, trẻ sẽ dần có thói quen giảm bớt thời gian sử dụng các thiết bị này. Những hoạt động này có thể là các hoạt động thể chất, hoặc các hoạt động liên quan đến nghệ thuật, ví dụ như đi làm gốm, tô tượng, học đàn…

TS. Hạnh Liên cũng lưu ý, trong lúc trẻ tham gia các hoạt động trên, các bậc phụ huynh hãy cùng làm với trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ có thể lựa chọn những hoạt động mình và con đều thích thú để cùng tham gia. Điều này không những giúp con giảm thời gian dùng màn hình điện tử, mà còn khiến tình cảm giữa con và bạn trở nên gắn kết.

Tận dụng màn hình điện tử như một công cụ giáo dục cho trẻ

Cuối cùng, TS. Hạnh Liên cũng chia sẻ, thật khó cho nhiều bậc phụ huynh khi phải "cách ly" trẻ hoàn toàn với màn hình điện tử, bởi tầm ảnh hưởng mạnh mẽ mà các thiết bị điện tử nói chung đã tác động tới đời sống hàng ngày của chúng ta. Vậy thì thay vì chỉ đơn thuần sử dụng màn hình điện tử như một công cụ giải trí, các bậc cha mẹ có thể tận dụng nó như một công cụ để chỉ dạy, trò chuyện nhằm giáo dục trẻ.

TS. Hạnh Liên cho rằng, thay vì để con xem Youtube, phim hoạt hình một cách không tương tác, cha mẹ có thể ngồi cùng và trò chuyện, giáo dục, trao đổi tương tác với con. Những trao đổi này có thể về nội dung, về tình huống, về thái độ của nhân vật, hay thậm chí là về màu sắc có trong bộ phim đó. Từ những yếu tố này, cha mẹ có thể định hướng thành những thông điệp, bài học giáo dục phù hợp, hữu ích với trẻ.

Lâm Trần

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-ra-5-phuong-phap-giup-con-han-che-su-dung-dien-thoai-may-tinh-trong-dip-he-cuc-ki-hieu-qua-moi-cha-me-nen-biet-de-ap-dung-172240625105926317.htm