Chuyên gia chỉ ra những điều kiện cần và đủ để phát triển nhân lực NCKH

Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học nghệ và đổi mới sáng tạo của nước ta đã có những bước tiến nhất định, song vẫn còn khá khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030: Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia, đây chính là động lực lớn để các trường đại học, viện nghiên cứu đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, góp phần nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khoa học và công nghệ đã có bước tiến nhưng vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Hiện nay, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang có những bước tiến nhất định, song vẫn còn khá khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.

Về số lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển (R&D), theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2022, Việt Nam có khoảng 156.588 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, tính theo cán bộ nghiên cứu quy đổi tương đương toàn thời gian (FTE), con số này chỉ đạt 75.665 người, tương đương 7,68 người/1 vạn dân, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore (69,2), Malaysia (23,6) và Thái Lan (12,1).

Về chất lượng và trình độ chuyên môn, tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ chiếm 16%, thạc sĩ chiếm 42%, đại học chiếm 37% và cao đẳng chiếm 5%. Nhân lực khoa học và công nghệ chủ yếu tập trung tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong khi nhiều địa phương khác thiếu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ nhà khoa học”.

 Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: NVCC

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng - Giảng viên cao cấp bộ môn Khoa học tự nhiên, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhân chủng và phát triển trí tuệ, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 30.000 tiến sĩ, theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực trực tiếp nghiên cứu khoa học và công nghệ là rất thấp.

Về chất lượng, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, song vẫn chưa đồng đều. Đặc biệt, ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hay các nghiên cứu về con người, dù số lượng tăng lên, nhưng chất lượng đội ngũ khoa học công nghệ còn thiếu các chuyên gia đầu ngành và chưa có nhiều các tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp”.

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng nhận định, thanh niên Việt Nam là lực lượng nòng cốt để phát triển khoa học và công nghệ trong tương lai. Đây là lợi thế cơ bản và quan trọng khi đất nước có lực lượng nhân lực trẻ dồi dào, năng động và có tinh thần ham học hỏi. Do đó, mục tiêu đến năm 2030 có từ 40 – 50 tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam được xếp hạng khu vực và thế giới là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, chúng ta cần có chiến lược phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ hiệu quả, tránh tình trạng thừa – thiếu cục bộ về nhân lực chất lượng cao giữa các ngành. Quan trọng hơn, mỗi tổ chức khoa học và công nghệ phải có những nhà khoa học uy tín dẫn dắt, từ đó hình thành các trường phái nghiên cứu có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

 Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng - Giảng viên cao cấp bộ môn Khoa học tự nhiên, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhân chủng và phát triển trí tuệ, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng - Giảng viên cao cấp bộ môn Khoa học tự nhiên, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhân chủng và phát triển trí tuệ, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thích - Phó Trưởng khoa điều hành Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây không chỉ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đánh giá một cách khách quan, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện nay đã có những bước tiến tích cực về số lượng, song vẫn đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng và cơ cấu.

Trước hết, chất lượng đào tạo chưa cao. Hệ thống đào tạo và bồi dưỡng nhân lực nghiên cứu còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo và năng lực nghiên cứu độc lập. Hệ quả là đội ngũ nhân sự sau đào tạo chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, việc thu hút và giữ chân nhân tài vẫn là bài toán nan giải. Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến trong ngành khoa học còn nhiều bất cập, khiến nhiều nhà nghiên cứu giỏi lựa chọn làm việc cho khu vực tư nhân hoặc tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.

Mặt khác, các trường đại học, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp chưa phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, dẫn đến nhân lực nghiên cứu không phù hợp nhu cầu thực tiễn của thị trường, thiếu kỹ năng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu sáng tạo.

Đầu tư tài chính cho nghiên cứu và phát triển còn khiêm tốn. Kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP còn thấp, dẫn tới thiếu nguồn lực cho các đề tài nghiên cứu lớn, phòng thí nghiệm hiện đại và các hoạt động nghiên cứu dài hạn.

Thêm vào đó, môi trường nghiên cứu hiện chưa thực sự thuận lợi. Thủ tục hành chính còn phức tạp, cơ chế cấp kinh phí chậm, thiếu động lực khuyến khích đổi mới sáng tạo, khiến nhiều nhà khoa học thiếu động lực cống hiến.

Ngoài ra, cơ cấu nguồn nhân lực vẫn chưa hợp lý khi đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn, trong khi nhiều địa phương khác, nhất là vùng sâu, vùng xa lại thiếu hụt, ảnh hưởng đến phát triển khoa học - công nghệ một cách đồng đều trên cả nước.

Trước thực tế đó, Việt Nam cần một chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo toàn diện và mạnh mẽ hơn, từ đổi mới chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, đến tăng cường đào tạo chuyên sâu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Khi đó, nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mới thực sự trở thành động lực cốt lõi cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thích, việc đạt mục tiêu có từ 40–50 tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam được xếp hạng khu vực và thế giới vào năm 2030, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền khoa học công nghệ quốc gia, thúc đẩy kinh tế tri thức.

Thứ nhất, đây là bước đi quan trọng trong việc nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới. Uy tín khoa học được khẳng định không chỉ góp phần cải thiện hình ảnh quốc gia mà còn tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, các tổ chức khoa học và công nghệ đạt thứ hạng cao sẽ là tiền đề thu hút nguồn lực quốc tế. Việc được công nhận ở tầm khu vực và toàn cầu sẽ mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn đầu tư nước ngoài, quỹ tài trợ nghiên cứu, học bổng quốc tế, cũng như thúc đẩy hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Thứ ba, đây cũng là nền tảng để phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao. Khi các tổ chức khoa học công nghệ mang tầm quốc tế sẽ trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng các nhà nghiên cứu, chuyên gia có trình độ quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững của đất nước

Thứ tư, uy tín quốc tế sẽ giúp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Với sự hỗ trợ từ doanh nghiệp và thị trường, kết quả nghiên cứu sẽ dễ dàng được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế dựa trên tri thức.

Thứ năm, các tổ chức khoa học và công nghệ mang tầm khu vực và quốc tế sẽ lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Những tổ chức này sẽ đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt sự phát triển đồng bộ của hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thích - Phó Trưởng khoa điều hành Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thích - Phó Trưởng khoa điều hành Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Giải pháp nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực tham gia vào nghiên cứu khoa học

Theo Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để nâng cao vị thế của các tổ chức khoa học và công nghệ nước ta trên bản đồ khu vực và thế giới, các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu cần giữ vai trò trung tâm, then chốt. Đây là nơi sản sinh tri thức mới, đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao và thực hiện những công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng. Đồng thời, các đơn vị này cũng là “đầu tàu” trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Để góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng nghiên cứu thông qua việc đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành và tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuyển đổi số.

Thứ hai, cải thiện chất lượng đào tạo bằng cách đổi mới chương trình giảng dạy theo hướng quốc tế hóa, lấy người học làm trung tâm, đồng thời mở rộng đào tạo các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn như công nghệ sinh học, vật liệu mới, robot, tự động hóa, AI…

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết nghiên cứu với các trường đại học và viện nghiên cứu uy tín trên thế giới.

Thứ tư, tăng cường mối liên kết “trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp” để sớm đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành có 3 cơ sở đào tạo, gồm: Học viện Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Viện Toán học. Trong thời gian tới, viện tiếp tục chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo đại học và sau đại học đạt trình độ quốc tế, định hướng theo các hướng nghiên cứu mũi nhọn như công nghệ bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng hydro... Đồng thời, các chương trình cũng ưu tiên phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc, hỗ trợ đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng cho hay, để nâng cao chất lượng và vị thế nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước, các trường đại học và viện nghiên cứu cần tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Đầu tiên, xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, đồng thời cần có tiềm lực kinh tế đủ lớn để chấp nhận rủi ro, kể cả những thất bại trong quá trình triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, tuyển chọn đội ngũ nhà khoa học chất lượng cao cho từng lĩnh vực nghiên cứu. Đây là khâu then chốt, bởi trong khoa học, để đạt được những thành tựu lớn không thể thực hiện một cách nghiệp dư hay theo phong trào.

Ngoài ra, cần phát triển các tạp chí, nhà xuất bản khoa học có uy tín trong nước nhằm công bố các kết quả nghiên cứu, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào các tạp chí quốc tế như hiện nay.

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng bày tỏ: “Là người nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học thần kinh và Nhân chủng sinh học – những lĩnh vực có liên quan chặt chẽ đến AI, chúng tôi đang triển khai kế hoạch phát triển một nhóm nghiên cứu mạnh về thiết kế và ứng dụng AI trong giáo dục. Thông qua hoạt động của nhóm, mục tiêu là đào tạo các chuyên gia AI phục vụ công tác giảng dạy và đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có kế hoạch hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khoa học thần kinh và nhân chủng sinh học. Mục tiêu là tìm kiếm các giải pháp nâng cao các chỉ số trí tuệ như IQ, EQ, AQ, PQ,... cũng như cải thiện các chỉ số sinh học của người Việt Nam, đặc biệt là chiều cao và thể lực”.

 Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: website Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: website Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thích cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp thiết:

Cần nâng cao chất lượng nghiên cứu, khuyến khích công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín thuộc Web of Science, Scopus…; phát triển sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao.

Bên cạnh đó, quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu, mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia mạng lưới nghiên cứu toàn cầu, thu hút chuyên gia, giảng viên và nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, đổi mới mô hình quản trị, thực hiện tự chủ đại học thực chất, xây dựng cơ chế khuyến khích sáng tạo, gắn kết nghiên cứu – đào tạo – chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, cần đầu tư hạ tầng nghiên cứu, xây dựng trung tâm nghiên cứu liên ngành, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế phục vụ nghiên cứu chuyên sâu.

Mặt khác, cần phát triển chương trình đào tạo tiến sĩ chất lượng cao, chú trọng kỹ năng nghiên cứu và công bố quốc tế. Cùng với đó, thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu, thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp khoa học để đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường, gia tăng giá trị kinh tế từ tri thức.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuyen-gia-chi-ra-nhung-dieu-kien-can-va-du-de-phat-trien-nhan-luc-nckh-post251045.gd