NSMO ứng dụng AI vận hành hệ thống điện quốc gia
Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác dự báo và điều độ hệ thống.
Sáng kiến công nghệ từ thực tiễn vận hành
Chia sẻ tại tọa đàm "Thanh niên ngành Công Thương: 74 năm phát triển và định hướng tương lai", ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Tổng Giám đốc NSMO - cho biết, việc nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ tại đơn vị là yêu cầu tất yếu xuất phát từ thực tiễn sản xuất. "Mọi sáng kiến, giải pháp của chúng tôi đều xuất phát từ thực tế sản xuất và vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia", ông Trung nói.
Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1962: "Nghiên cứu và phát triển phải xuất phát từ thực tiễn", ông Trung khẳng định quan điểm này cũng là phương châm xuyên suốt trong hoạt động khoa học - công nghệ của NSMO.
"Dữ liệu tại NSMO đang có mang đầy đủ đặc trưng của Big Data theo tiêu chuẩn 5V (Volume, Variety, Velocity, Veracity, Value), với khối lượng dữ liệu ngày càng lớn, đến từ hàng nghìn điểm đo và hàng trăm nhà máy điện phân tán khắp cả nước", ông Trung chia sẻ.
Do đó, quan trọng hơn hết là phải xây dựng cơ sở dữ liệu vận hành tập trung - nơi tập hợp tất cả dữ liệu từ hệ thống SCADA, các nguồn đo đếm, thời tiết, ảnh vệ tinh, thị trường điện…

Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Tổng Giám đốc NSMO. Ảnh: Quốc Việt
Nêu "bài toán" dự báo phụ tải, ông Trung cho biết, các dự báo này bao gồm nhu cầu sử dụng điện theo giờ, theo ngày, theo tuần và theo tháng. Công việc dự báo không chỉ lặp lại thường xuyên mà còn mang tính phức tạp cao do phụ tải điện thay đổi liên tục theo điều kiện thời tiết, thời gian trong tuần và các dịp lễ lớn.
"Đơn cử vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, mức tiêu thụ điện tại nhiều khu vực giảm khoảng 60% so với ngày thường. Nếu không có hệ thống hỗ trợ tự động, việc dự báo thủ công sẽ rất khó chính xác", ông Trung chia sẻ.
Trước yêu cầu cao về độ chính xác và tốc độ, NSMO đã đưa vào vận hành hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ công tác dự báo. Việc ứng dụng AI đã giúp giảm sai số dự báo xuống dưới 3%.
Hay, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, đơn vị cũng sử dụng AI để dự báo sản lượng phát điện tại từng thời điểm trong ngày, đặc biệt là vào giờ cao điểm như giữa trưa. Hiện, NSMO có thể ước lượng và dự báo được công suất phát của điện mặt trời mái nhà tới từng khu vực trạm biến áp 110kV chỉ căn cứ vào vị trí của hàng trăm nghìn hệ thống điện mặt trời mái nhà và ứng dụng các công nghệ hiện đại như xử lý dữ liệu từ ảnh vệ tinh.
Theo Phó Tổng Giám đốc NSMO, việc này giúp đơn vị nâng cao năng lực điều độ hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong hệ thống điện quốc gia.
Về hợp tác quốc tế, ông Trung thông tin, NSMO đã ký kết hợp tác với nhiều tổ chức, đơn vị quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và điều độ vận hành hệ thống điện, trong đó có các đối tác đến từ Đan Mạch, châu Âu, Mỹ…. Các hợp tác này nhằm trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ vận hành theo tiêu chuẩn tiên tiến.
Ngoài ra, NSMO cũng triển khai các chương trình hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội để đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư hệ thống điện chất lượng cao. Theo nội dung hợp tác, những sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực điều độ, hệ thống điện sẽ có cơ hội trở thành kỹ sư trực tiếp tham gia vào vận hành hệ thống điện quốc gia.
Người đứng đầu tạo niềm tin, người trẻ tạo đột phá
Tại tọa đàm, trả lời câu hỏi thảo luận của đoàn viên Báo Công Thương về ứng dụng AI trong công việc, anh Bùi Duy Linh - Phó Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, NSMO (một trong những kỹ sư có chứng chỉ của Google trong lĩnh vực AI) - cho biết: Dưới góc độ của một kỹ sư làm công tác điều độ hệ thống điện, anh hiểu rằng, ứng dụng AI là một xu hướng tất yếu, đặc biệt là trong bối cảnh ngành điện lực đang đẩy mạnh chuyển đổi số.
Riêng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng dụng AI giúp xử lý hiệu quả những bài toán "rất mới, rất khó" như dự báo công suất phát các nhà máy năng lượng tái tạo; giám sát và dự báo công suất các hệ thống nguồn điện phân tán quy mô nhỏ.

Anh Bùi Duy Linh - Phó Trưởng phòng Năng lượng tái tạo (NSMO). Ảnh: Quốc Việt
Theo anh Bùi Duy Linh, các bài toán như dự báo phụ tải hay dự báo công suất năng lượng tái tạo là những vấn đề có tính cấp bách trong vận hành hệ thống điện. Trên thế giới, đã có nhiều mô hình dự báo được giới thiệu và thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, việc vận dụng những mô hình này vào điều kiện thực tế tại Việt Nam - nơi có đặc điểm hệ thống và cơ sở hạ tầng khác biệt đòi hỏi thời gian, sự điều chỉnh và một lộ trình phù hợp.
"Lãnh đạo đơn vị luôn định hướng rõ ràng phải chủ động bắt tay vào làm. Chúng tôi được giao nhiệm vụ, được sử dụng dữ liệu và tài nguyên nội bộ để huấn luyện mô hình và được tạo điều kiện tham khảo, học hỏi từ các mô hình quốc tế. Điều đó tạo nên sự yên tâm lớn, giúp tập trung phát triển các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị", anh Linh nói.
Tuy nhiên, theo anh, thách thức lớn nhất trong việc triển khai công nghệ mới không chỉ nằm ở nghiên cứu mà còn ở việc sản phẩm có được ứng dụng thực tế hay không. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng thuận và ủng hộ từ phía lãnh đạo.
"Tại NSMO, nhờ có chủ trương và tư duy đổi mới, sáng tạo từ lãnh đạo, các sản phẩm công nghệ luôn được khuyến khích thử nghiệm và đưa vào vận hành sớm. Chúng tôi chấp nhận rằng sản phẩm có thể chưa hoàn hảo và cần cải tiến, nhưng luôn nhất quán quan điểm: Ưu tiên ứng dụng sớm, sau đó sẽ liên tục cải tiến nâng cao chất lượng ứng dụng", anh Linh cho biết thêm.
Nhằm thiết thực kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951 - 14/5/2025), Báo Công Thương phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Thanh niên ngành Công Thương: 74 năm phát triển và định hướng tương lai".