Ai dễ chuyển nặng khi mắc bệnh cúm?
Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.
Nhiều ca nặng nhập viện
Ngày 7/2, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian vừa qua đã liên tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh cúm mùa trong tình trạng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Điển hình là trường hợp ông L.V.T. (58 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) bị tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn, có tiền sử hút thuốc hàng chục năm.
Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, ông T. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ho, sốt và khó thở. Ông tự điều trị tại nhà trong một tuần tình trạng không cải thiện. Ông nhập viện tại cơ sở y tế và được xét nghiệm cúm A với kết quả dương tính. Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng khó thở của ông ngày càng trầm trọng, dẫn đến suy hô hấp nặng và phải tiến hành đặt ống nội khí quản.
![Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho bệnh nhân mắc cúm - Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_35_51419540/69dab30e8a40631e3a51.jpg)
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho bệnh nhân mắc cúm - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sau 4 ngày bệnh nhân hết sốt. Nhưng 3 ngày gần đây, sốt cao đã tái phát, xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, khiến bệnh diễn tiến nhanh chóng và sốc nhiễm trùng.
Ông T. được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy. Phổi bệnh nhân tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ hai bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng.
Trường hợp khác là ông V.V.U. (62 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trong 7 năm qua, tuy nhiên việc kiểm soát bệnh lý không được tốt. Bệnh nhân ít đi khám định kỳ, không theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên.
Trước nhập viện 3 ngày, ông U. xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở tăng dần và được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế 2 ngày. Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng hơn, buộc phải đặt ống nội khí quản. Sau khi có kết quả xét nghiệm cúm A dương tính, ông U. được chuyển đến Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tuyệt đối không chủ quan trước bệnh cúm
Thông tin tới Báo Công Thương, ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.
"Với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng", BS Phúc khuyến cáo.
Đối với người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần đi khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để điều chỉnh thuốc phù hợp. Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lý nền cần tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm. Cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
![Những người lớn tuổi, người có bệnh nền khi mắc cúm dễ diễn biến nặng. Do đó, tiêm vaccine cúm là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất - Ảnh: Chí Tâm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_35_51419540/4d1199c5a08b49d5109a.jpg)
Những người lớn tuổi, người có bệnh nền khi mắc cúm dễ diễn biến nặng. Do đó, tiêm vaccine cúm là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất - Ảnh: Chí Tâm
Đồng quan điểm, trao đổi với Báo Công Thương, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mạn tính,… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong.
Cúm có 3 loại khác nhau ảnh hưởng tới người: cúm A, B và C. Trong đó, cúm A (cúm mùa) thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới; được biết đến như là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng lây nhiễm cao.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, tiêm vaccine được khuyến cáo là biện pháp phòng bệnh cúm mùa hữu hiệu, an toàn nhất. Vaccine cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus (trung hòa virus) khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cúm nhằm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu có bị mắc…
"Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, và các chủng virus cúm thay đổi liên tục từ năm này sang năm khác, đó là lý do tại sao công thức vaccine phòng cúm luôn được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus hiện đang lưu hành", vị chuyên gia lý giải và khẳng định việc tiêm nhắc lại vaccine cúm hằng năm là rất cần thiết để duy trì sự bảo vệ cao nhất.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ai-de-chuyen-nang-khi-mac-benh-cum-372728.html