Chuyên gia: Cốt lõi khó khăn của ngành điện vẫn là chuyện điều hành giá
Trước những khó khăn của ngành điện hiện nay, chuyên gia cho rằng cần thiết phải sửa Luật Điện lực và cải cách căn bản về điều hành giá điện.
"Không có điện sạch giá rẻ"
Chia sẻ tại tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" sáng 20/8, PGS.TS Bùi Xuân Hồi - chuyên gia kinh tế năng lượng cho rằng, do biến động của tình hình địa chính trị thế giới và xu hướng dịch chuyển năng lượng nên giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên.
Song, ông Hồi nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành giá cả.
"Phép tính giá điện, kể cả nước tiên tiến và nước không tiên tiến, mỗi nước có cách khác nhau, không có cách tiếp cận chuẩn, đúng cho tất cả hệ thống điện, dù là tiếp cận theo chi phí bình quân hay tiếp cận theo chi phí biên vì ngành điện rất đặc thù", ông Hồi nói.
Về cách tính toán giá điện của các nước, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết, có mấy điểm trong cách tiếp cận. Đầu tiên là tính đúng, tính đủ trong chi phí mà hộ tiêu thụ gây ra cho hệ thống điện. Đây là điểm đầu tiên mà các quốc gia bao giờ cũng cố gắng hướng đến, chắc chắn không thể 100% tính đúng, tính đủ.
Với cách tiếp cận như thế, theo ông Hồi, cơ cấu biểu giá bao giờ cũng phải thể hiện đúng. Việc cung cấp điện cho hộ sản xuất, cho hộ sinh hoạt có khác biệt gì và từ khác biệt đó dẫn tới cơ cấu giá khác biệt thế nào.
"Giá điện của chúng ta đa mục tiêu quá, còn ở trên thế giới tách bạch tương đối rõ. Về cơ bản, cần cố gắng tách bạch giữa hoạt động mang tính chất công ích và những hoạt động mang tính chất thị trường. Khi đó, bản thân ngành điện sẽ hoạt động minh bạch", ông Hồi nói.
Nhìn lại hệ thống giá của Việt Nam, ông Hồi cho hay cách tính đang theo giá bán lẻ điện bình quân. "Điều này có hạn chế, nhưng không phải là cốt lõi của những khó khăn của ngành điện hiện nay. Mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện điều hành giá”, ông Hồi nhấn mạnh.
Dự báo về giá điện, PGS.TS Bùi Xuân Hồi đánh giá trong tình hình hiện nay, cơ cấu nguồn điện dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể bỏ qua nguồn năng lượng cơ sở, bao gồm điện than, điện khí.
Tất cả nguồn tái tạo có vào đến mấy thì điện cơ sở vẫn rất quan trọng. Và nếu điện cơ sở quan trọng như thế thì trong xu hướng giá nhiên liệu đầu vào tăng như hiện nay, ông Hồi cho rằng giá thành cung cấp điện chắc chắn sẽ tăng.
"Vấn đề địa chính trị như thế này không thể kỳ vọng giá đầu vào ngay lập tức xuống được, thậm chí nó sẽ ở mức dao động mới cao hơn. Phải chấp nhận điều đó. Chúng ta kỳ vọng Net Zero vào năm 2050, những nước khác cũng mong muốn điện sạch và tôi khẳng định, không có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời phát được 4 tiếng một ngày là tối đa, điện gió thì phập phù nên không thể nào nói những nguồn điện ấy sẽ có giá rẻ”, ông Hồi khẳng định.
Cần phải cải cách căn bản về giá điện
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nhận xét một trong những điểm nghẽn đầu tiên, kể cả điện đang sử dụng từ các nguồn điện than, điện khí, năng lượng tái tạo… là giá.
"Có 2 điểm là tính giá điện không hợp lý và thứ hai là thiếu điện. Không hợp lý ở đây là chỉ sợ tính những thứ không phải của sản xuất kinh doanh đưa vào. Hợp lý là đồng tình tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý. Cho nên nguyện vọng hiện nay là giá điện hợp lý và có đủ điện.
Phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch. Điều này Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội cũng yêu cầu. Giá điện phải minh bạch, phải tháo gỡ tất cả các rào cản”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Thỏa nhấn mạnh, thị trường phải có sự điều tiết của Nhà nước, vẫn phải có khâu Nhà nước độc quyền, tư nhân không thể 100% tham gia.
Chuyên gia cho rằng người tiêu dùng quan tâm đầu tiên là đủ điện để dùng. Đồng thời, ông cũng đồng ý là sửa Luật Điện lực và phải cải cách căn bản về giá điện.