Chuyên gia, đại biểu Quốc hội nói về đề xuất cho Bộ Công an trích tiền xử phạt giao thông

Nhiều ý kiến cho rằng việc trích tiền xử phạt vi phạm giao thông là không phù hợp và dễ phát sinh tiêu cực.

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), Chính phủ đề xuất bổ sung quy định Bộ Công an được trích một phần khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB sau khi nộp vào ngân sách nhà nước cho lực lượng CSGT.

Khoản tiền được trích này sẽ quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm TTATGTĐB.

Đề xuất giữ lại tiền xử phạt giao thông

Sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng hằng năm, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGTĐB, sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm TTATGTĐB.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGTĐB còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ quy định về nội dung này.

 Chính phủ đề xuất cho Bộ Công an được trích tiền xử phạt vi phạm giao thông cho lực lượng CSGT. Ảnh minh họa: P.HÙNG

Chính phủ đề xuất cho Bộ Công an được trích tiền xử phạt vi phạm giao thông cho lực lượng CSGT. Ảnh minh họa: P.HÙNG

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, tham khảo quy định tương tự tại khoản 3, Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào khoản 1 Điều 5 dự luật về chính sách của Nhà nước về TTATGTĐB.

Cụ thể, dự luật bổ sung quy định: “Trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của UBTVQH để phục vụ công tác bảo đảm TTATGTĐB, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng CSGT”.

Như vậy, quy định Chính phủ đề xuất lần này và được UBTVQH tán thành chỉ quy định “được trích” không quy định mức trích là bao nhiêu.

Theo đại diện Bộ Công an, đề xuất bổ sung quy định trên là tiếp thu ý kiến tham gia dự luật của một số đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp trước.

Cụ thể, tại các phiên thảo luận đại biểu Quốc hội đề nghị: “Bổ sung quy định ưu tiên nguồn lực đầu tư hiện đại hóa các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và lực lượng CSGT nói riêng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này”; “quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và đặc biệt là lực lượng CSGT nói riêng”.

Tạo cơ chế riêng dễ phát sinh tiêu cực

Trao đổi với PLO, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho rằng việc sử dụng ngân sách Nhà nước đòi hỏi phải đúng theo các luật liên quan đã ban hành, như luật phí, lệ phí, luật giá. Tất cả các khoản thu phải đưa về ngân sách và ngân sách tái phân bổ chứ không thể dành riêng cho một đơn vị nào cả.

“Theo tôi, vấn đề này không hợp lý, nếu đã trích tiền cho CSGT đầu tư cơ sở vật chất hay tăng lương cho cán bộ cũng phải trích cho các ngành khác. Vì nhiều ngành nghề khác cũng quan trọng không kém” - ông Tính cho hay.

Đồng tình, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng quy định trên đưa thẳng vào dự luật là “cách làm luật thiếu tinh tế”, bởi người dân sẽ cảm nhận công an xử phạt “để được trích tiền”, vô tình tạo ra điều tiếng không hay. Vì vậy, ông Thủy đề nghị không đưa quy định này vào luật.

Để đầu tư phương tiện hay đảm bảo đời sống tốt cho lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường, vị chuyên gia cho rằng trước mắt CSGT nên làm nghiêm công tác xử phạt các vi phạm giao thông.

Nếu làm tốt, Bộ Công an có thể đề xuất với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ thưởng hoặc bổ sung thêm ngân sách để lực lượng này đầu tư thêm thiết bị đảm bảo tốt hoạt động an toàn giao thông.

Một chuyên gia giao thông khác cũng cho rằng ngành nghề nào cũng có sự vất vả, trong đó lực lượng vũ trang có tính đặc thù hơn nên lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác đã vượt xa các ngành nghề khác.

Trong khi đó, tới đây khi hệ thống camera phủ khắp, lực lượng chức năng cũng không cần xuất hiện nhiều trên đường. “Với công việc chỉ ngồi trong phòng điều hành và ra quyết định xử phạt mà còn được trích tiền sẽ không phù hợp và công bằng với các lĩnh vực khác” - vị chuyên gia nói.

Thêm vào đó, chuyên gia này cho rằng hằng năm ngân sách Nhà nước đều phân bổ đầy đủ cho các ngành để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện… ngành công an cũng vậy. Quy định như trên giúp Nhà nước quản lý chặt thu, chi ngân sách. Nếu dự luật tạo cơ chế riêng cho Bộ Công an dẫn đến khó kiểm soát công tác đầu tư, đặc biệt dễ phát sinh tiêu cực…

“Tôi đề nghị tất cả tiền xử phạt nộp hết về ngân sách, Bộ muốn đầu tư mua sắm hoặc đầu tư gì thì đề xuất như quy định hiện nay là phù hợp, không vướng mắc gì. Các bộ, ngành khác làm được sao chỉ Bộ Công an kêu khó. Và nếu khó các bộ, ngành phải tham mưu đề nghị sửa luật chứ không tạo cơ chế riêng cho mình” - vị chuyên gia giao thông nêu quan điểm.

Còn đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), bày tỏ đồng tình với quy định này nhưng trích bao nhiêu thì phải quy định rõ ràng, không thể nói chung chung.

Ông Hòa cho hay, trước đây dự thảo có đề nghị bổ sung thêm là trích 70 % cho lực lượng CSGT. Sau đó, báo chí phản ánh, dự luật không còn mức cụ thể này nữa, giờ sửa lại là trích một phần để lực lượng CSGT bổ sung trang thiết bị làm nhiệm vụ.

“Tôi đồng tình nhưng phải có mức cụ thể là bao nhiêu phần %, chứ nói một phần, một phần này là bao nhiêu nó không hợp lý” – ĐB Hòa nhấn mạnh.

Còn Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), cho rằng quy định này không phù hợp. Do đó, ông Khánh đề nghị loại nội dung trên ra khỏi dự luật. “Tiền đã đã nộp ngân sách nhà nước thì thực hiện theo việc phân bổ và quản lý theo Luật Ngân sách nhà nước..." - ông Khánh nhấn mạnh.

Quy định từng bị đưa ra khỏi dự luật

Trước đó, dự thảo luật cũng từng có quy định: “Lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật…”.

Tuy nhiên, nội dung trên được bỏ khỏi dự thảo luật do còn nhiều ý kiến khác nhau.

VIẾT LONG - THY NHUNG - TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-dai-bieu-quoc-hoi-noi-ve-de-xuat-cho-bo-cong-an-trich-tien-xu-phat-giao-thong-post792131.html