Chuyên gia đề xuất cấp phép phát hành chứng chỉ vàng

Chuyên gia của VEPR đề xuất Ngân hàng Nhà nước cấp phép phát hành chứng chỉ vàng. Các chứng chỉ này có thể được sử dụng để giao dịch trên sở giao dịch vàng quốc gia, thay vì cách giao dịch vàng vật chất kém hiệu quả.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), giá vàng thế giới tăng mạnh do lo ngại xung đột địa chính trị gia tăng, bất ổn kinh tế vĩ mô và đặc biệt là nợ công mở rộng quá mức tại Mỹ và toàn cầu.

Giá vàng thế giới tăng gần 20% trong năm 2022 và thêm tới hơn 30% trong nửa đầu năm 2024. Trong nước, nhu cầu đầu tư, dự trữ vàng trong dân tăng mạnh.

Giai đoạn đầu tháng 5 khi giá vàng miếng trong nước liên tiếp xô đỉnh, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm chạm mốc 20 triệu đồng/lượng.

Đến ngày 6.6.2024, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn 3,98 triệu đồng/lượng. Đây là những tín hiệu tích cực của chính sách “bình ổn” và thu hẹp dần khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Các chuyên gia của VEPR cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá và thực hiện sửa đổi bổ sung toàn diện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

VEPR kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cấp phép phát hành chứng chỉ vàng

VEPR kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cấp phép phát hành chứng chỉ vàng

Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp đủ điều kiện, và cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, giảm tập trung thị trường vào vàng miếng, tiến tới dần hạn chế lưu thông vàng miếng trên thị trường.

VEPR cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép phát hành chứng chỉ vàng và các chứng chỉ này có thể được sử dụng để giao dịch trên sở giao dịch vàng quốc gia, thay vì giao dịch vàng vật chất kém hiệu quả.

Thêm nữa, NHNN nên thành lập một cơ quan quản lý thị trường vàng, quản lý vàng dự trữ, đúc vàng khối và các giao dịch vàng giữa NHNN và các ngân hàng thương mại, các công ty kinh doanh vàng có uy tín để tiến hành các hoạt động, giám sát chuyên nghiệp đối với thị trường vàng.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng đồng tình phương án xem xét phát hành chứng chỉ vàng.

Theo ông Thịnh, trong thời đại “số hóa” hiện nay, việc mua vàng chứng chỉ rất dễ dàng, không cần thiết phải nắm giữ vàng vật chất quá nhiều. Điều này giúp giảm tải cho thị trường vàng vật chất.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong 10 năm vừa qua, NHNN và Chính phủ thành công trong việc chống vàng hóa ở một mức độ nào đó. Người dân hiện nay không còn dùng vàng như đơn vị để thanh toán. Các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng.

Ông Hiếu dẫn chứng nước Mỹ cũng bán vàng vật chất và vàng trang sức nhưng bên cạnh vàng vật chất và vàng trang sức, thị trường chứng khoán của Mỹ có những sản phẩm để đầu tư vào vàng, chứng khoán trong những công ty.

“Người ta đầu tư vào chứng khoán vàng, người dân ở Mỹ không mua vàng, họ mua là mua mấy đồng coin thôi. Ở Việt Nam rất lạ là những ngày vừa rồi chưa có gia đình nào bị cướp vàng. Ở Mỹ thì sợ mang vàng về nhà bị cướp, nên họ không bao giờ giữ vàng ở nhà, và họ phải mua bảo hiểm vàng”, TS Hiếu nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Bên cạnh đề xuất phát hành chứng chỉ vàng, các chuyên gia cũng đề xuất đánh thuế vàng. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc đánh thuế giao dịch vàng như nhiều lĩnh vực khác, điều này cũng góp phần giảm đầu cơ, hạ nhiệt giá vàng.

Trong cuộc họp của NHNN với các chuyên gia kinh tế về chính sách quản lý thị trường vàng mới đây, nhiều ý kiến cho rằng NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với thị trường vàng.

Theo đó, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những người mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp này có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến người dân chuyển sang các kênh đầu tư khác và giúp kiểm soát giá vàng.

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi cho rằng việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.

Giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

TS Trương Văn Phước (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cũng cho rằng việc hạn chế vàng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng, nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ nhà nước nào, bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác.

“Dĩ nhiên cũng có nhiều quan điểm trong bối cảnh người ta đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, khi đưa thêm quy định mới về thuế hay sắc thuế mới, Bộ Tài chính phải có đánh giá toàn diện về tác động, tính khả thi. Lý do là việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn nhiều mặt khác.

Ông Chi cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đề xuất và báo cáo cơ quan có thẩm quyền thực hiện đánh thuế giao dịch vàng theo hướng phù hợp.

Hoài Lam

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-gia-de-xuat-cap-phep-phat-hanh-chung-chi-vang-218645.html