Chuyên gia đề xuất giải pháp cho điện mặt trời mái nhà
Chuyên gia đề xuất có thể nghiên cứu cơ chế bù trừ, trong đó quy định một tỉ lệ nhất định điện mặt trời phát lên lưới sẽ được giảm bao nhiêu số điện mua từ EVN hoặc cho phép bán điện giữa các hộ gia đình.
Bộ Công thương nêu lý do không cho mua bán điện mặt trời mái nhà
Điện mặt trời mái nhà nếu ồ ạt phát triển quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng cung cầu của hệ thống điện, gây ra những phí tổn không cần thiết... là điểm của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) khi phân tích những yếu tố ảnh hưởng của điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đối với vận hành hệ thống điện.
Cục Điều tiết điện lực cho rằng, ĐMTMN là nguồn điện phụ thuộc vào bức xạ mặt trời, chỉ có tác dụng vào những giờ có ánh nắng. Ban đêm hay ban ngày vào những giờ có mây, mưa, nguồn điện này suy giảm về mức thấp hoặc về 0. Để ổn định nguồn cung cấp điện, sẽ phải đầu tư nguồn lưu trữ phù hợp.
Đối với hộ gia đình, công xưởng đã đầu tư ĐMTMN sẽ thấy tính bất định của nguồn điện này. Cụ thể những ngày âm u, mưa gió, công suất giảm, phải mua điện từ lưới điện; ban đêm, khi nhu cầu sử dụng điện cao thì chắc chắn phải mua điện từ công ty điện lực nếu không có phương pháp dự trữ điện.
Ngược lại, những thời điểm bức xạ mặt trời cao, ĐMTMN phát được công suất cao, có lợi cho các chủ đầu tư. Song nếu thời điểm này, công suất sử dụng của toàn hệ thống thấp sẽ dẫn tới dư thừa, phải cắt giảm công suất phát điện. Khi đó, đơn vị điều độ hệ thống điện có hai lựa chọn: cắt giảm công suất các nhà máy điện truyền thống; cắt giảm công suất các nguồn phát năng lượng tái tạo.
Nhưng lựa chọn phương án cắt giảm công suất các nhà máy điện truyền thống là rất nguy hiểm, vì khi các nguồn điện truyền thống có thể điều khiển được bị cắt giảm thì hệ thống có nguy cơ không đáp ứng được nhu cầu trong trường hợp nguồn ĐMTMN có biến động. Do vậy, lựa chọn phổ biến và tất yếu là phải cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo.
Tính bất định của ĐMTMN còn khiến cho hệ thống điện sẽ phải huy động thường xuyên các nguồn điện truyền thống có khả năng điều khiển (thủy điện, nhiệt điện) hoạt động ở trạng thái không liên tục, lên - xuống theo khả dụng của ĐMTMN. Điều này vừa làm giảm sản lượng các nguồn điện truyền thống, do không được chạy ở mức tải cao liên tục, vừa gây hại cho thiết bị, do liên tục phải điều chỉnh lên - xuống hoặc phải khởi động - dừng nhiều lần.
Cục Điều tiết điện lực cho rằng, nguồn ĐMTMN có tính phân tán ở quy mô nhỏ và rất nhỏ, điều này có lợi vì nguồn điện sẽ ở sát với phụ tải và lý tưởng nhất là được sử dụng ngay tại phụ tải, không truyền ra hệ thống.
Không có hệ thống lưu trữ phù hợp, công trình ĐMTMN không đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu sử dụng của hộ gia đình thông thường, dù có đầu tư với công suất bao nhiêu đi chăng nữa. Một hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện cả ngày và đêm, mà vào ban đêm, khi mặt trời lặn, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt lại càng lớn.
Để có thể cân bằng công suất hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều độ phải có hệ thống thu thập dữ liệu công suất từ tất cả các nguồn điện. Đối với ĐMTMN, điều này chỉ có thể thực hiện được với các nguồn quy mô đủ lớn: khu công nghiệp, công xưởng lớn... Còn đối với nguồn quy mô nhỏ cấp hộ gia đình thì không thể thực hiện được. Cơ quan điều độ chỉ có thể đánh giá, dự báo lượng công suất này. Việc dự báo lại không thể hoàn toàn chính xác, dẫn đến khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện.
Trước đó, ngày 15/4, Bộ Công thương công bố dự thảo Nghị định về ĐMTMN, trong đó quy định, sản lượng điện này nếu phát vào hệ thống điện quốc gia có giá 0 đồng và không được thanh toán; cấm các hành vi lợi dụng để kinh doanh hoặc bán điện này.
Giải pháp nào hài hòa lợi ích?
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng đặc điểm của điện mặt trời là phát điện vào ban ngày và thay đổi bức xạ theo từng thời điểm, điều này dẫn đến việc thừa, thiếu điện trong quá trình sử dụng. Việc không thể bán điện dư thừa, hay theo đề xuất mới là chỉ ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán sẽ dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời.
Với những bất cập đó, TS Ngô Đức Lâm cho rằng nếu mua với giá 0 đồng, khó có thể khuyến khích đầu tư. "Nếu sản lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời được bán lên lưới, sẽ có lợi cho nền kinh tế, có thể giúp giá điện bán lẻ rẻ hơn" - TS Ngô Đức Lâm phân tích.
Theo đó, TS Ngô Đức Lâm cho rằng cần tính toán lại quy định bán điện 0 đồng có hợp lý hay không, nên theo hướng đưa vào lưới và có trả tiền, bởi EVN lấy nguồn điện này đi bán lấy tiền, rõ ràng phải trả theo giá nhất định.
Ông Trần Văn Hoa, giám đốc doanh nghiệp điện mặt trời cho rằng hoàn toàn có thể nghiên cứu cơ chế bù trừ, trong đó quy định một tỉ lệ nhất định điện mặt trời phát lên lưới sẽ được giảm bao nhiêu số điện mua từ EVN.
Ví dụ quy định một hộ gia đình không được lắp nguồn điện mặt trời quá công suất tiêu thụ cực đại, sau đó quy đổi 2-5 kWh điện mặt trời lên lưới thành 1 kWh mua điện từ EVN. Như vậy vừa khuyến khích người dân lắp điện mặt trời nhưng vẫn khống chế công suất lắp đặt. EVN có thể mua lại với một mức giá hợp lý. Ví dụ nếu bán cho người dân 8 cent/kWh, EVN có thể mua điện mặt trời dư thừa với giá 2-3 cent/kWh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, mức giá 0 đồng sẽ không khuyến khích người dân làm điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý thực trạng hệ thống truyền tải điện của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nếu để phát triển ồ ạt. Các chính sách quản lý, khuyến khích phát triển phải bảo đảm đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống truyền tải, giữ an toàn cho hệ thống khi tiếp nhận nguồn điện tái tạo.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, từ cuối năm 2020 đến hết tháng 7/2023 còn khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất khoảng 399,96MWp đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt với mục đích tự sản, tự tiêu, có liên kết với lưới điện nhưng không bán điện cho các đơn vị của EVN.
Giải pháp "cởi trói" cho các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà, tránh tình trạng dư thừa, lãng phí được một số chuyên gia gợi ý là cho mua bán điện giữa các hộ trong khu vực, trong các khu công nghiệp… "Việc thuận mua vừa bán giữa các hộ gia đình, một bên không có khả năng đầu tư lắp pin làm điện mặt trời, một bên có thừa điện thì bán bớt. Chi phí lắp đặt pin điện mặt trời hiện đã giảm nhiều nên giá thành điện cũng sẽ giảm", GS Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam đề xuất.
Theo các chuyên gia, việc xin ngân sách để lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách trong khi thủ tục và quy trình đầu tư thường sẽ kéo dài rất lâu. Do đó, cần có cơ chế cho phép các doanh nghiệp có chuyên môn và kinh nghiệm đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và bán lại cho các cơ quan hành chính với mức giá thấp hơn, khoảng 30 - 50% giá điện bán lẻ.