Chuyên gia đề xuất thu phí vỉa hè để ngăn chặn 'tham nhũng vặt'

TP Hà Nội đang tìm mọi cách lập lại trật tự vỉa hè nhưng thực tế xử lý được ở đường phố này thì lại tái diễn tại khu vực khác…

Chưa khi nào câu chuyện lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội lại "nóng" như hiện nay. TP Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, trông giữ phương tiện vẫn diễn ra ngang nhiên ở nhiều con đường, tuyến phố. Người đi bộ buộc phải xuống lòng đường tham gia giao thông cùng với ô tô, xe máy.

Kế hoạch lập lại trật tự vỉa hè lần này được Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội thực hiện với 3 giai đoạn: Tuyên truyền trước khi tổng kiểm tra; tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng; duy trì, không để tái diễn vi phạm.

Nhìn nhận từ thực tế rất nhiều tuyến phố cứ vắng bóng lực lượng chức năng, chủ các hàng quán lại bày la liệt bàn, ghế trên vỉa hè trở thành "lãnh địa" riêng để buôn bán, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp ra quân, xử lý chỉ là "cắt ngọn". Với tình trạng vỉa hè thành nơi mưu sinh của rất nhiều người dân đô thị hiện nay, cần tính đến bài toán kinh tế vỉa hè để vừa tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hạn chế tiêu cực mà còn giúp vỉa hè ngăn nắp hơn.

Trên tuyến phố Thụy Khuê (Tây Hồ) ngoài các cửa hàng ăn uống thì nhiều hàng kinh doanh tạp hóa cũng đang cố tình bành trướng thêm rất nhiều diện tích kệ hàng của mình.

Trên tuyến phố Thụy Khuê (Tây Hồ) ngoài các cửa hàng ăn uống thì nhiều hàng kinh doanh tạp hóa cũng đang cố tình bành trướng thêm rất nhiều diện tích kệ hàng của mình.

Luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) chia sẻ, đặc thù của Việt Nam từ trước đến nay, vỉa hè là nơi kinh doanh, kiếm tiền mưu sinh của nhiều người dân.

"Trên thế giới, nhà của họ sống theo cụm còn việc kinh doanh buôn bán thì ở nơi khác. Đơn cử như tại Pháp, các quán cà phê và nhà hàng sử dụng vỉa hè để kinh doanh đều phải xin phép và phải trả phí, tùy theo khu vực và địa hình. Càng vị trí trung tâm, thì mức phí càng cao. Nguồn thu từ các loại phí này đã góp phần vào việc chỉnh trang, duy trì hạ tầng và dịch vụ công ích.

Các thành phố lớn gần chúng ta như: Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc đã thu phí sử dụng vỉa hè cách nay hơn 20 năm, và đã trở thành chuyện bình thường, không còn bàn cãi nữa.

Còn tại Việt Nam, nhà ở của người dân ít theo cụm mà ở theo tuyến đường giao thông, chính vì thế vỉa hè mới được tận dụng để làm nơi kinh doanh, buôn bán", luật sư An nói.

Những bãi trông giữ xe mọc lên như nấm trên vỉa hè đường Nguyễn Xiển (thuộc địa phận quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai).

Những bãi trông giữ xe mọc lên như nấm trên vỉa hè đường Nguyễn Xiển (thuộc địa phận quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai).

Tuy nhiên, luật pháp hiện không quy định vỉa hè được sử dụng cho việc kinh doanh, nên việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh hiện nay là lén lút, chiếm dụng.

Mà để tồn tại việc vỉa hè bị chiếm dụng, thì dư luận đương nhiên đặt câu hỏi có sự "chung chi". Vì thế, luật sư cho rằng, phương án cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh theo hình thức thu phí cần được nghiên cứu.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, để cho thuê vỉa hè, cần phải quy định rõ, vỉa hè nào được phép kinh doanh, vỉa hè nào không được phép.

"Phải ưu tiên cho người đi bộ, nếu vỉa hè nào không đủ diện tích thì tuyệt đối không được kinh doanh. Cùng với đó là phải quy định cụ thể diện tích được sử dụng từ nhà ra vỉa hè là bao nhiêu mét, phải đảm bảo vệ sinh môi trường và muốn sử dụng thì người dân phải nộp thuế. Điều này cũng hạn chế được tiêu cực nếu có", luật sư An bày tỏ.

Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng thế nhưng tại phố Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) vẫn tái diễn tình trạng chiếm vỉa hè.

Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng thế nhưng tại phố Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) vẫn tái diễn tình trạng chiếm vỉa hè.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng cần nhìn nhận lại thật kỹ thực trạng sử dụng vỉa hè, từ đó mới có phương án khoa học trong quản lý, sử dụng.

TS. Nguyễn Minh Hòa phân tích: Mục đích quan trọng nhất của vỉa hè là không gian dành cho người đi bộ nhưng thực tế vỉa hè đang là một phần quan trọng của tổ chức không gian đô thị, mà đô thị là cơ thể sống, luôn vận động và phát triển. Do vậy, chức năng của vỉa hè cũng có những thay đổi.

Chức năng nguyên thủy của vỉa hè là không gian chuyển tiếp giữa nhà ở, công trình với đường đi. Nó là phần dành cho người đi bộ và bảo vệ an toàn cho người và công trình trên vỉa hè. Vì thế, vỉa hè bao giờ cũng cao hơn lòng đường từ 25- 30cm. Nhưng theo năm tháng nó bắt đầu "cõng" thêm chức năng khác nữa là chức năng "kinh tế vỉa hè".

Lúc này, vỉa hè sẽ cõng thêm các công trình phục vụ cho dịch vụ - thương mại như bến xe bus, dựng bảng quảng cáo, trạm điện thoại, trạm ATM, trụ điện, trụ nước… Và đặc biệt là kinh doanh buôn bán hàng hóa trên mặt đất và trên không của vỉa hè. Chưa kể vỉa hè còn được sử dụng tạm thời cho đám ma, đám cưới và các sự kiện lễ hội nữa.

Nhiều đoạn vỉa hè ở Hà Nội bị biến thành “lãnh địa” riêng để làm nơi kinh doanh, xưởng chế tác đá, buôn bán hoa - cây cảnh, vật liệu xây dựng...

Nhiều đoạn vỉa hè ở Hà Nội bị biến thành “lãnh địa” riêng để làm nơi kinh doanh, xưởng chế tác đá, buôn bán hoa - cây cảnh, vật liệu xây dựng...

"Do vậy cần đặt lại mục tiêu của quản lý vỉa hè là quản lý sao cho quy củ, trật tự. Điều này nhằm để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể cùng tham gia sử dụng, khai thác vỉa hè, nhưng không làm mất đi không gian cho người bộ hành.

Danh mục những đoạn, tuyến thu phí phải được công khai giống như danh bạ điện thoại để người dân biết và giám sát. Cuối cùng là những nơi nào phải qua đấu thầu (có quy định dưới luật) hay chỉ định", TS. Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh.

Thu phí nhưng phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện cho thuê một phần vỉa hè sẽ giúp ngăn chặn những hành vi "xin - cho" cũng như nạn tham nhũng vặt.

Tuy nhiên, khi đã cho người dân thuê thì phải có những cơ chế rất rõ ràng, cụ thể, minh bạch. Giá cho thuê phải công khai để không xuất hiện tình trạng "xin - cho". Và sẽ cần có những cơ chế tài chính, quy định về thời gian thuê, diện tích sử dụng cụ thể.

Điều quan trọng nhất là thu phí ra sao cũng phải đảm bảo đường thông cho xe, hè thoáng cho người đi bộ. Nếu người đi bộ bị đẩy xuống đường là thất bại.

Nhóm PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-de-xuat-thu-phi-via-he-de-ngan-chan-tham-nhung-vat-169230306100104773.htm