Chuyên gia góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non mới
Chiều 6/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã chủ trì phiên họp góp ý Dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non.
Cuộc họp do Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non chủ trì với sự tham dự của các ủy viên hội đồng, đại diện một số bộ, ngành, sở GD&ĐT địa phương; các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo dục mầm non (GDMN).
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Việc xây dựng Chương trình GDMN mới, sửa đổi toàn diện theo hướng tiếp cận phát triển năng lực cá nhân, liên thông với Chương trình GDPT 2018 phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Chính vì thế phải có cách nhìn nhận xem xét sao cho phù hợp phát triển năng lực, cá thể phù hợp nhất.
Giai đoạn vừa qua, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã thực hiện nhiều công việc trong xây dựng Chương trình mới. Ban biên soạn đã thay đổi cách tiếp cận, theo hướng phẩm chất, năng lực của trẻ để thấy được tầm quan trọng của giai đoạn đầu đời đối với trẻ mầm non. Quá trình thực hiện bài bản, nhiều công sức, Ban biên soạn đã lắng nghe các ý kiến góp ý để Dự thảo Chương trình GDMN mới đảm bảo các yêu cầu đặt ra.
Thứ trưởng lưu ý, Luật Giáo dục 2019 coi trọng vấn đề hòa nhập cho trẻ, nhóm yếu thế. Do đó, Chương trình GDMN mới cũng cần tính đến các đối tượng này để đảm bảo công bằng trong giáo dục.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia phát triển nhân lực đã trình bày báo cáo cho rằng: Đổi mới Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) là một yêu cầu cấp bách, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả (GDMN); bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một; đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.
Chương trình GDMN mới trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình GDMN hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế. Đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực trẻ em theo định hướng tình cảm xã hội phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ em mầm non; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện Chương trình GDMN hiện hành, giảm tải áp lực về thời gian làm việc của giáo viên mầm non.
Ông Vinh nhấn mạnh: "Chương trình sẽ góp phần huy động mạnh mẽ hơn nguồn lực của cộng đồng, cha mẹ trẻ trong chăm sóc, giáo dục, tối đa hóa quyền lợi được nuôi dưỡng và giáo dục, phù hợp với sự phát triển riêng biệt của mỗi trẻ em, tạo ra những thay đổi căn bản, toàn diện; tác động một cách mạnh mẽ giáo viên, trẻ em, phụ huynh, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, góp phần làm thay đổi nhận thức về trách nhiệm của xã hội đối với giáo dục trẻ em trước sáu tuổi; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sự nghiệp giáo dục".