Hà Nội chi hơn 4.000 tỷ đồng để bơm nước sông Hồng 'cứu' sông Nhuệ

Làm sạch các dòng sông ô nhiễm tại Thủ đô đang được dư luận quan tâm khi nhiều năm qua, nhiều dòng sông xuyên đô như Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy... bốc mùi hôi thối.

Xả nước thải sinh hoạt, công nghiệp trực tiếp ra sông

Thông tin tại Tọa đàm Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết, do Báo Tiền Phong tổ chức hôm nay 10/7, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại các dòng sông nội đô đã trở nên nghiêm trọng, kể cả một số hồ chứa cũng đang bị ảnh hưởng rõ rệt.

Tọa đàm Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết, Báo Tiền Phong tổ chức.

Tọa đàm Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết, Báo Tiền Phong tổ chức.

Theo ông Hoa, nguyên nhân không chỉ đến từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, mà còn do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao của người dân, tình trạng lấn chiếm lòng sông, mặt hồ và đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch hệ thống xả thải trước đây.

Không ít khu vực vẫn xả nước thải sinh hoạt, công nghiệp trực tiếp ra sông mà không qua xử lý. Nhiều cụm công nghiệp cũ chưa được thiết kế hệ thống thu gom tách biệt, khiến ô nhiễm lan rộng và dai dẳng. Bên cạnh đó là tình trạng sông thiếu dòng chảy do mực nước tại sông Hồng, sông Thái Bình những năm gần đây thường xuyên xuống thấp hơn thiết kế đê, hệ thống thủy lợi truyền thống phần lớn xây dựng trong giai đoạn 1960-1970 đã không còn phù hợp.

Ông Hoa cho biết, Hà Nội đang từng bước tháo gỡ khó khăn này thông qua hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng thủy lợi. Trong đó đáng chú ý là Dự án xây dựng trạm bơm tại cụm đầu mối Liên Mạc, nhằm đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 900 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sẽ bơm nước vào sông Nhuệ, giai đoạn 2 tiếp tục kè từ đê Liên Mạc đến cầu Trắng.

Bên cạnh đó, một số phương án bổ sung nguồn nước từ lưu vực sông Đáy cũng đang được nghiên cứu triển khai tại khu vực huyện Phúc Thọ (cũ), dự kiến sẽ lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong thời gian tới.

Lắp quan trắc cơ sở xả thải trên 10m³/ngày

Song hành với giải pháp công trình, Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng quản lý hệ thống thủy lợi hiện hữu. Các công ty công trình thủy lợi được giao khảo sát, rà soát hệ thống bơm, kênh mương, hồ chứa với tinh thần xử lý các điểm nghẽn, không để ách tắc gây ô nhiễm lan rộng.

TP Hà Nội cũng lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường nước vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo ông Hoa, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp triển khai cải tạo, nâng cấp nhiều hồ thủy lợi, vừa đảm bảo chức năng dự trữ nước, phục vụ tưới tiêu, vừa tạo không gian cảnh quan, kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Dương Tùng cho biết ở Trung Quốc, lưu vực sông Dương Tử được chia thành các lưu vực và tiểu lưu vực riêng biệt để đánh giá, kiểm soát và xử lý. Ông Tùng cho rằng Việt Nam nên tham khảo cách tiếp cận này, chia nhỏ từng khu vực liên quan đến từng con sông, nắm rõ mức độ ô nhiễm để thiết kế phương án xử lý phù hợp.

Ông Tùng cho rằng xử lý ô nhiễm sông không thể chỉ dựa vào giải pháp tập trung, mà cần phối hợp với các giải pháp phân tán. Ví dụ, Hà Nội có thể lắp các trạm bơm nhỏ dọc sông để bổ cập nước ngay tại chỗ, một cách làm nhanh, tiết kiệm và linh hoạt hơn so với chỉ chờ bơm nước từ cuối nguồn, ứng dụng công nghệ số và quan trắc thông minh.

Ví dụ cụ thể là lắp đặt thiết bị quan trắc thông minh với những cơ sở xả thải trên 10m³/ngày. "Dùng bao nhiêu, thải bao nhiêu, phát ngay trực tiếp lên hệ thống. Như thế mới kiểm soát được nguồn thải, điều tiết kịp thời. Đây là điều mà chúng ta phải học tập", ông Tùng chia sẻ.

Nguyễn Hùng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-noi-chi-hon-4000-ty-dong-de-bom-nuoc-song-hong-cuu-song-nhue-192250710172909767.htm