Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Phải 'an cư' giữ chân công nhân, đảm bảo cho sản xuất
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, công nhân lao động đã bị 'bỏ quên' quá lâu khi họ phải sinh sống trong những căn nhà trọ chỉ có chục mét vuông ẩm thấp, thiếu thốn do người dân xây dựng một cách tự phát. Do đó, phải 'an cư' ngay để giữ chân họ lâu dài, đảm bảo cho sản xuất.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị đến Thủ tướng một nội dung hết sức quan trọng, bức thiết hiện nay là vấn đề nhà ở cho công nhân lao động.
Nhiều người dân ở các tỉnh Tây Nguyên đang bắt đầu quay lại các tỉnh thành Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai để làm việc lại, kiếm tiền chi tiêu và tiền ăn tết. Ảnh: B.A
Bài liên quan
Đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm xây nhà ở cho công nhân
Thủ tướng: "Mỗi người làm việc bằng hai" cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế
Chính phủ nới lỏng điều kiện hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19
Theo Bộ Xây dựng, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) còn hạn chế, trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội).
Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam kiến nghị cho người lao động tại các khu công nghiệp (KCN) hoặc cho doanh nghiệp trong KCN thuê để bố trí cho người lao động của mình ở hoặc thuê lại; ưu tiên cho người lao động tại các KCN hoặc cho doanh nghiệp trong KCN thuê để bố trí cho người lao động của mình ở hoặc thuê lại; ưu tiên đối với các trường hợp người lao động ngoại tỉnh có hợp đồng lao động tại KCN…
Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù cho Tổng Liên đoàn Lao động được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch KCN hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu.
Trước mắt, LĐLĐ kiến nghị cho phép được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có lượng công nhân đông như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí gói cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và công nhân vay vốn để mua, thuê nhà ở.
Có thể nói, sự bức thiết về nhà ở cho công nhân không phải là vấn đề mới được nhắc đến. Theo báo cáo trước đó của Bộ Xây dựng: Cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có 2.580.000 m2, đủ bố trí cho khoảng hơn 330.000 người lao động. Con số này quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, công nhân là lực lượng trực tiếp tham gia vào lao động, sản xuất để tạo ra của cải, vật chất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế đã chứng minh vai trò của công nhân rất lớn, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19; khi những nhà máy duy trì được sản xuất thì công nhân chính là lực lượng duy trì chuỗi sản xuất của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi những chuỗi sản xuất bị đứt gãy, đồng nghĩa với việc công nhân bị mất việc làm, kéo theo sự giảm sút trầm trọng về kinh tế. Hình ảnh những công nhân lao động lũ lượt về quê là thực tại đau lòng bởi họ đã quá sức chịu đựng khi mất việc làm, hết tiền, đời sống không được đảm bảo, doanh nghiệp thì không biết bao giờ mới trở lại hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch. Nhưng khi doanh nghiệp mở cửa trở lại gần đây thì câu chuyện lại là “đứt gãy thị trường lao động”.
“Công nhân lao động đã bị ‘bỏ quên’ quá lâu rồi. Người ta nói an cư mới lạc nghiệp nhưng họ phải sinh sống cùng gia đình trong những căn nhà trọ chỉ có chục mét vuông do người dân xây dựng một cách tự phát, ẩm thấp, thiếu thốn đủ thứ với mỗi thì làm sao có thể đảm bảo lâu dài. Trong khi đó, an ninh trật tự không đảm bảo khiến họ cũng khó lòng an tâm làm việc…”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng chỉ rõ các nguyên nhân, đầu tiên là sự thiếu quan tâm của “ông chủ” các doanh nghiệp. Ông Phú cho rằng, thực tế đời sống công nhân lao động nhiều nơi không đảm bảo, họ phải ra ngoài thuê trọ, tiền nhà trọ “xắn thẳng” vào tiền lương là một gánh nặng. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không có sự quan tâm đúng mức, cần thiết về vấn đề này.
Một nguyên nhân tiếp theo được ông Vũ Vinh Phú chỉ ra đó là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú), nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ đó là ăn, ngủ, làm việc tại khu công nghiệp.
Một khu nhà ở cho công nhân tại Hà Nam.
Theo Chuyên gia Vũ Vinh Phú, thời gian tới, Chính phủ cần có quan tâm chỉ đạo một cách quyết liệt tiếp tục đưa ra các chính sách kịp thời, tạo cơ chế để tháo gỡ, thúc đẩy các dự án nhà ở cho công nhân lao động.
“Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa rồi đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù cho đó là được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch KCN hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu. Theo tôi thì đây là một đề nghị khá hợp lý, bởi đơn vị này đem lại quyền lợi sát sườn cho lực lượng công nhân lao động nhất. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý là tạo cơ chế đặc thù nhưng Chính phủ phải kiểm tra, giám sát một cách khoa học, chặt chẽ, tránh có sai sót không đáng có…”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Trước mắt, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, các doanh nghiệp phải có phương án bố trí các nhà lưu trú, thuê những khu vực đủ điều kiện về ăn ở để đảm bảo công nhân lao động được an cư, yên tâm lao động sản xuất. Có các phương án ứng phó kịp thời nếu dịch bệnh quay trở lại, một mặt để đảm bảo sản xuất an toàn, mặt khác rất quan trọng là giữ chân người lao động.
Điều đặc biệt được chuyên gia Vũ Vinh Phú lưu ý đó là, tổ chức Công đoàn cấp trên phải có giám sát thậm chí là tham gia ý kiến trực tiếp vào các “Hợp đồng lao động” giữa doanh nghiệp với công nhân lao động. Lý giải về việc này, ông Phú cho biết, việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người lao động, trong đó có việc doanh nghiệp hỗ trợ cho họ về nhà ở, lâu dài là bố trí chỗ ở trong các nhà ở tại khu công nghiệp.
Đối với các địa phương, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, người đứng đầu phải quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo về vấn đề này. Cùng với đó, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Các địa phương cũng cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Để khuyến khích và thúc đẩy được việc phát triển nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp (KCN), Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị về lâu dài, Chính phủ cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công theo hướng: Chính phủ xem xét đề xuất sửa Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN ra khỏi đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.