Chuyên gia lo phân bổ tín dụng lệch lạc và rủi ro thanh khoản trung, dài hạn

Tại buổi tọa đạm 'Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn', do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia cảnh báo tín dụng lệch hướng và thanh khoản kỳ hạn là rủi ro đáng lo nhất hiện nay...

Chuyên gia cảnh báo tín dụng lệch hướng và thanh khoản kỳ hạn mới là rủi ro đáng lo nhất

Chuyên gia cảnh báo tín dụng lệch hướng và thanh khoản kỳ hạn mới là rủi ro đáng lo nhất

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thấy tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm đạt khoảng 10%, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nếu cả năm 2025 tăng trưởng tín dụng đạt 20% thì tỷ lệ này chỉ cao gấp hơn hai lần so với mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% mà Chính phủ đề ra

PHÂN BỔ VỐN ĐÚNG ĐỊA CHỈ

Ông Hòe cho rằng, trong quá khứ, những giai đoạn được coi là tăng trưởng tín dụng nóng thường gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. So với tiêu chí đó, con số hiện tại vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát.

Cùng đó, hiện nay Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng công cụ kiểm soát rủi ro về an toàn vốn theo chuẩn Basel II và chính thức ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN thay thế Thông tư 41/2016 đưa ra các yêu cầu riêng biệt đối với vốn lõi cấp 1, cùng với bộ đệm an toàn vốn. Đây là cơ sở giúp ngăn chặn câu chuyện cho vay quá mức trong khi thiếu hụt nguồn vốn huy động.

Ngoài ra, thực tế là 80% nguồn vốn tín dụng chủ yếu đến từ thị trường 1 (tổ chức và dân cư), do đó, nếu không có sự tăng trưởng thực chất về huy động vốn thì các ngân hàng cũng khó có thể đẩy mạnh cho vay quá mức.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và nghiên cứu, VCBF

“Dựa trên tính toán, để đạt tốc độ tăng trưởng từ 9% trở lên, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2030 cần đạt gần 9 triệu tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu về nguồn vốn trung và dài hạn là rất cao sẽ đặt ra một rủi ro lớn với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”.

Nhìn ở góc độ an toàn thanh khoản kỳ hạn, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và nghiên cứu Công ty TNHH Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) đánh giá đầu tư sẽ đóng vai trò là trụ cột quan trọng của nền kinh tế nếu muốn mức tăng trưởng 9–10% trong những năm tới như mục tiêu Chính phủ đã đề ra thì Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, với quy mô vốn đạt khoảng 40% GDP, thay vì 30% như hiện nay.

Theo ông Linh, hầu hết nguồn vốn huy động hiện nay tại các ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi nhu cầu về vốn trung và dài hạn lại rất lớn. Việc các ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay kỳ hạn dài, với thời gian từ 3 đến 5 năm tiềm ẩn rủi ro thanh khoản kỳ hạn rất lớn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cũng khẳng định tăng trưởng tín dụng 16% hay 20% không đáng quan ngại bằng việc dòng tiền ấy thực sự chảy vào đâu và tạo ra giá trị gì cho nền kinh tế. Điều này nghĩa là mối quan tâm thực sự nên được đặt vào câu chuyện tín dụng được phân bổ như thế nào thay vì mức độ tăng trưởng ra sao.

Vị chuyên gia này phân tích, tăng trưởng tín dụng năm ngoái ghi nhận khoảng 14,9%. Tuy nhiên, nếu loại trừ phần tín dụng liên quan đến việc tái cấu trúc nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN thì mức tăng trưởng thực chất chỉ khoảng 8%. Với mức này, phần lớn lãi vay đã được nhập vào gốc nợ, đồng nghĩa với việc không có dòng tiền mới thực sự được đưa ra thị trường. Do đó, lượng tiền thực tế được bơm vào nền kinh tế không đạt tới 2 triệu tỷ đồng.

KHẨN TRƯƠNG TÁI CƠ CẤU THỊ TRƯỜNG VỐN

Về cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã vượt 134%, mức cao trong khu vực, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết để đánh giá một cách công bằng và toàn diện, cần xem xét tỷ lệ này trong bối cảnh đặc thù của từng nền kinh tế.

Trên thực tế, tỷ lệ này ở Việt Nam đã từng lên tới 135% từ năm 2010 và sau đó, do điều chỉnh cách tính GDP, tỷ lệ này hiện vẫn dao động quanh mức 134%. Không chỉ Việt Nam, nhiều nền kinh tế trong khu vực như Trung Quốc cũng có tỷ lệ tín dụng/GDP lớn hơn, vượt 200%.

Hơn thế, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng do các kênh dẫn vốn thay thế như chứng khoán và trái phiếu chưa phát triển đủ mạnh.

Minh chứng là, nếu chưa tính trái phiếu Chính phủ, với khoảng 1,7 triệu tỷ đồng đến từ tổng dư nợ tín dụng ngân hàng, cùng với hơn 1 triệu tỷ vốn hóa thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp là hơn 1 triệu tỷ thì tổng dư nợ trên thị trường tài chính Việt Nam có thể lên đến hơn 3 triệu tỷ đồng, tương đương gần 2 lần GDP, ông Hòe phân tích.

Chính vì vậy, nếu tín dụng được phẩn bổ đúng thì vẫn tạo giá trị thực cho nền kinh tế. Ngược lại, nếu dòng tiền tiếp tục chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản thì có gây ra hiệu ứng bong bóng tài sản và khiến hệ thống ngân hàng phải gánh chịu hậu quả.

Mặt khác, khi hệ thống tài chính dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, sẽ dẫn tới bùng nổ cung tiền M2 (bao gồm tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn và các khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn cùng các tài sản tương đương tiền khác) và gây áp lực lên lạm phát.

Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam

“Tôi cho rằng khuyến nghị của IMF là có cơ sở, nhưng cần được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với đặc điểm kinh tế Việt Nam. Việc giảm dần tỷ trọng tín dụng trong nền kinh tế không thể diễn ra đột ngột. Thay vào đó, cần một lộ trình rõ ràng, song song với việc phát triển thị trường vốn, bao gồm cả thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp”.

Phương Linh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuyen-gia-lo-phan-bo-tin-dung-lech-lac-va-rui-ro-thanh-khoan-trung-dai-han.htm