Nga cho thấy vẫn là một cường quốc hàng không khi đủ khả năng tự chế tạo máy bay cỡ lớn với tất cả các thành phần nội địa - điều rất ít quốc gia trên thế giới làm được.
Mới đây một sự kiện đặc biệt với ngành hàng không Nga đã diễn ra, khi máy bay chở khách tầm xa thân rộng Il-96-400M mang trong mình toàn bộ các linh kiện nội địa đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên.
Với sự kiện trên, Nga đã tạo ra một bước đột phá kỹ thuật và giữ được vị trí trong "câu lạc bộ các nhà sản xuất máy bay ưu tú" của thế giới. Điều này càng đáng ghi nhận hơn khi Moskva đang phải đối diện vô vàn khó khăn.
Trước diễn biến trên, chuyên gia chính trị đồng thời là một nhà báo nổi tiếng người Nga - ông Yuri Podolyaka đã đưa ra một vài ý kiến đánh giá trên trang telegram của mình, thu hút sự quan tâm lớn từ giới truyền thông.
Theo ông Podolyaka, những chiếc máy bay chở khách cỡ lớn với đường kính ngoài của khung trong khoảng 5 đến 7 mét với 3 hàng ghế và 2 lối đi bên trong, hiện chỉ được chế tạo bởi 3 công ty đó là Boeing của Mỹ, Airbus của châu Âu và UAC của Nga.
Có thể 5 - 10 năm nữa, Tập đoàn Comac của Trung Quốc sẽ gia nhập danh sách này với chiếc CR929, nhưng họ khó lòng tự chủ được động cơ với đủ lực đẩy để nâng một "gã khổng lồ" như vậy lên không trung, tức là vẫn phải phụ thuộc bên ngoài.
"Động cơ chính là trái tim của máy bay, đây cũng là thiết bị chứa đựng công nghệ cao nhất mà hiện tại chỉ một vài quốc gia có thể tự chủ. Ví dụ, động cơ phản lực dùng cho máy bay dân dụng hiện chỉ được sản xuất độc lập bởi Mỹ, Anh và Nga".
"Ngay cả Pháp khi họ có công ty sản xuất động cơ SNECMA, nhưng cũng chỉ thực hiện tất cả các hoạt động phát triển máy bay dân dụng với sự hợp tác với Mỹ, hoặc đáng ngạc nhiên là với chính Nga", chuyên gia Podolyaka nhắc nhở.
Ông Podolyaka tiếp tục đánh giá, cho dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các nhà sản xuất động cơ nước ngoài trong thời gian dài.
Giả sử phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc tương tự như cách họ đã làm với Nga thì khả năng cao là Bắc Kinh không đủ khả năng chế tạo được một chiếc máy bay chở khách nào, bất kể kích thước.
"Trên thực tế, hiện tại cũng giống như 40 năm trước, chỉ có Nga là không cho phép phương Tây độc quyền trong lĩnh vực hàng không, đó là lý do tại sao họ luôn cố gắng bóp nghẹt cả cả ngành chế tạo máy bay và động cơ của chúng ta".
"Phương Tây rất nỗ lực trong nhiều năm nhằm phá vỡ mối liên kết sản xuất giữa Nga và Ukraine, hiện tại mặc dù đã thành công, nhưng ngay cả điều này cũng không giúp được gì cho họ".
"Nga đã tìm thấy sức mạnh của chính mình và không chỉ duy trì tất cả các công nghệ cần thiết, mà chúng ta còn tạo ra một bước nhảy vọt lên ngang tầm với tiêu chuẩn thế giới”, chuyên gia Podolyaka nhấn mạnh.
Mặc dù những động cơ phản lực của Nga xét về hiệu suất hay lực đẩy còn khoảng cách nhất định so với sản phẩm phương Tây, nhưng đây vẫn là thành tựu đáng tự hào, không thể phủ nhận.