Chuyên gia ngành Luật chỉ ra tiêu chí khó đạt được nhất của ứng viên xét GS, PGS

Các chuyên gia ngành Luật chỉ ra, tiêu chí khó đạt được nhất với ứng viên xét chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành Luật học là quy định về công bố quốc tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 687/BGDĐT-NGCBQLGD gửi đến các cơ sở giáo dục đại học; các viện hàn lâm và viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo một số chuyên gia ngành Luật học, Quyết định 37 có nhiều ưu điểm so với quy định trước đó, tuy nhiên cũng cần có những rà soát, điều chỉnh đề phù hợp hơn với đặc thù của từng ngành.

Tiêu chí về công bố quốc tế chưa thực sự phù hợp với ngành Luật

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật học năm 2024 cho biết, kể từ khi thực hiện Quyết định 37, số lượng giáo sư, phó giáo sư của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận thêm là rất khiêm tốn.

Nếu không tính việc bổ sung các giáo sư, phó giáo sư được tuyển dụng từ cơ sở đào tạo khác, nhà trường mới thêm được 3 phó giáo sư và 1 giáo sư.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, tiêu chí khó đạt nhất đối với các ứng viên xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành Luật học là số lượng công bố quốc tế được công nhận.

Thầy Đại nói: “Tôi tham gia nhiều Hội đồng Giáo sư cơ sở và là Ủy viên của Hội đồng Giáo sư ngành Luật học cũng như là thành viên của Hội đồng liên ngành tại Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, tôi nhận thấy quy định về công bố kết quả nghiên cứu khoa học trong Quyết định số 37 có tác động mạnh tới động lực nghiên cứu khoa học của ứng viên. Tuy nhiên, quy định này cũng gây khó khăn cho các ứng viên ngành Luật học. Bởi lẽ, ứng viên ngành này rất khó trong việc đăng bài trên tạp chí nước ngoài để đạt chuẩn theo Quyết định số 37.

Cụ thể, một mặt, tiêu chí này khó đạt được vì đối với ứng viên đang giảng dạy ở Việt Nam công bố công trình của mình bằng tiếng nước ngoài trên tạp chí uy tín quốc tế là không hề dễ. Do pháp luật mang tính lãnh thổ cao, không mấy tạp chí uy tín ở nước ngoài quan tâm đến những vấn đề thuần túy diễn ra ở Việt Nam.

Mặt khác, tạp chí uy tín quốc tế được Việt Nam công nhận có xu hướng theo chuẩn của hệ thống Anh-Mỹ (phải thuộc Web of Science/Scopus), trong khi đó có rất nhiều người được đào tạo ở nước ngoài nhưng không được đào tạo trong khối pháp luật Anh-Mỹ.

Cá nhân tôi được đào tạo tại Pháp và biết Tạp chí Revue de l’arbitrage rất có uy tín trong khối Pháp ngữ và đã cố gắng đăng được bài trên tạp chí này. Sau khi bài được đăng trên tạp chí, tôi được một nhóm chuyên gia của châu Âu mời tham gia xây dựng cuốn sách về giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, tạp chí này không được Việt Nam công nhận là tạp chí quốc tế uy tín vì không thuộc danh mục Web of Science/Scopus".

 Ảnh minh họa: Hồng Linh.

Ảnh minh họa: Hồng Linh.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, Viện sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Mỗi lĩnh vực khoa học đều có một bộ tiêu chí đặc thù để đánh giá mức độ uy tín của các chuyên gia. Có chăng là những nét rất chung giữa các ngành khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật còn riêng đối với ngành khoa học xã hội, không nên xây dựng bộ tiêu chí chung để đánh giá năng lực của các nhà khoa học.

Ví dụ như ở Pháp, Đức, Ý, mỗi ngành sẽ tự xây dựng tiêu chí riêng, còn ở Việt Nam, lâu nay, vẫn quy chung về một mối. Từ đó, có những tiêu chí khiên cưỡng gây khó khăn cho các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội trong đó có ngành Luật. Cũng chính vì lý do trên nên số lượng, giáo sư, phó giáo sư các ngành này rất ít.

Đối với ngành Luật, chúng ta đặt ra tiêu chí về công bố khoa học trên những tạp chí uy tín mà những tạp chí này được nhận diện chủ yếu theo thang đo của những nước nói Tiếng Anh. Trong lĩnh vực đào tạo về Luật, những nước này lại đi theo mô hình rất khác so với Việt Nam hay các nước châu Âu.

Ở Mỹ, họ không đào tạo theo hệ thống từ cử nhân Luật đến thạc sĩ, tiến sĩ mà theo mô hình J.D. (Juris Doctor). Người học đã có bằng đại học ở 1 lĩnh vực khác, sau đó học thêm 3 năm để trở thành Tiến sĩ Luật. Với mô hình có sự liên thông nhất định về đào tạo, họ đã xây dựng bộ tiêu chí áp dụng chung cho các lĩnh vực khác cùng với Luật.

Trong khi đó, ở các nước như Pháp, Đức, Ý, các nhà nghiên cứu không dùng Tiếng Anh để công bố khoa học và họ cũng không xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ uy tín của tạp chí giống như các nước nói Tiếng Anh. Bởi vậy, có rất nhiều diễn đàn, mặc dù có uy tín ở châu Âu nhưng lại không được đánh giá là có uy tín theo bộ tiêu chí đánh giá của những tạp chí sử dụng Tiếng Anh.

Sự khác biệt trên đã gây ra rất nhiều thiệt thòi cho những người được đào tạo ở các quốc gia theo mô hình châu Âu, khó để họ phấn đấu được công nhận theo bộ tiêu chí của các diễn đàn khoa học nói Tiếng Anh. Trong khi đó, Hội đồng Giáo sư Nhà nước của nước ta lại sử dụng tiêu chí của những diễn đàn này để đánh giá mức độ uy tín của các nhà khoa học ở Việt Nam.

Điều trên cũng dẫn đến tình trạng, để có thể thỏa mãn những tiêu chí “cứng” của quy định, rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học tìm cách đăng bài “đối phó” trên một số tạp chí, ví dụ như ở các nước châu Phi mà họ đang phấn đấu theo chuẩn của Web of Science hay Scopus".

 Viện sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Viện sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Từ góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Huế), vì ngành Luật có những đặc thù riêng, gắn với yếu tố về mặt chính trị, đặc biệt là trong lĩnh vực Luật công nên khó khăn cho các nhà nghiên cứu Luật ở Việt Nam trong vấn đề công bố quốc tế.

Mặc dù tiêu chí không dễ để đạt được nhưng để đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thì yêu cầu công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín là cần thiết. Điều này đòi hỏi ứng viên phải không ngừng học hỏi, đầu tư, nâng cao chất lượng nghiên cứu. Ngoài ra, cũng cần công bố quốc tế để thế giới biết về mình, hội nhập cùng đời sống nghiên cứu sống động bên ngoài.

Thực tế, kể từ khi Quyết định 37 được ban hành, ở các trường đại học nói chung và trường đào tạo ngành Luật nói riêng, số lượng công trình công bố nhiều hơn so với trước đây. Theo thầy Phương, đây là động lực để thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế trong các cơ sở giáo dục.

Đề cập thêm đến vấn đề điểm công trình khoa học quy đổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương cho biết, điều này phụ thuộc vào chất lượng của sản phẩm. Ví dụ, sách chuyên khảo có thể được tính 3 điểm, giáo trình 2 điểm, bài báo quốc tế được đăng trong các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus có thể tính 1,5 đến 2,5 điểm.

Bởi vậy, thầy Phương cho rằng, tiêu chí này không gây khó khăn cho ứng viên, nếu ứng viên có kế hoạch đầu tư nghiên cứu, trong vòng 5 năm, mỗi năm chỉ cần 1 công trình đã có để đáp ứng tiêu chí về điểm sau khi được công nhận học vị tiến sĩ.

Được biết, kể từ Quyết định số 37 được áp dụng, Trường Đại học Luật (Đại học Huế) có thêm 3 phó giáo sư. Trong năm 2025, dự kiến sẽ có một số ứng viên nộp hồ sơ xét duyệt chức danh.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Huế). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (Đại học Huế). Ảnh: NVCC.

Hiện tượng “chạy” bài báo là có nhưng rất khó chứng minh

Đề cập đến việc có ứng viên giáo sư, phó giáo sư đăng liên tiếp nhiều bài báo trên cùng các tạp chí, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại cho biết: "Hiện tượng “chạy” bài được nói đến nhiều, vì từ khi có Quyết định số 37, nhà khoa học thường xuyên nhận được email của các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus chào đón công bố bài (thường là không miễn phí). Cảm nhận của tôi là hiện tượng “chạy” bài có nhưng rất khó chứng minh.

Việc ứng viên có bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science/Scopus nhưng sau đó tạp chí đó không còn thuộc danh mục này nữa không phải hiếm gặp. Kinh nghiệm cho thấy tạp chí dạng này thường cố gắng thuộc danh mục Web of Science/Scopus, sau đó cho đăng nhiều bài (số bài trong một số tăng đột biến) để thu về lợi nhuận lớn từ tác giả đăng bài. Điều này phần nào cho thấy việc đăng cho đủ số lượng là một thực tế và chất lượng bài, uy tín của tạp chí rất cần được quan tâm.

Số lượng công bố quốc tế trong lĩnh vực pháp luật của tác giả đang hoạt động tại cơ sở đại học Việt Nam tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào khẳng định vị thế khoa học pháp lý của chúng ta được củng cố mạnh mẽ trên thế giới trong khi đó khoản kinh phí mà chúng ta đầu tư vào việc công bố này không hề nhỏ nên đây là vấn đề buộc chúng ta phải suy nghĩ lại".

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, khi xét bài công bố quốc tế trong xét điều kiện xét đạt chuẩn giáo sư/phó giáo sư, việc đánh giá vẫn tập trung nhiều vào xác định bài đó thuộc danh mục Web of Science/Scopus ở thời điểm công bố mà ít quan tâm tới việc tạp chí đó có chuyên về pháp luật hay chất lượng bài viết đó như thế nào?

 Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật học năm 2024. Ảnh: NVCC.

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật học năm 2024. Ảnh: NVCC.

Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy các kênh phản biện về liêm chính học thuật, cần quan tâm hơn về chất lượng như có hướng dẫn là tạp chí cho công bố bài để xét ứng viên thuộc ngành Luật học phải là tạp chí chuyên về pháp luật.

Nếu bài được công bố trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science/Scopus nhưng không thuộc tạp chí chuyên về pháp luật, các chuyên gia về pháp luật trên thế giới ít quan tâm, như vậy, dù tăng số bài được công bố, vị thế khoa học về pháp lý của chúng ta khó được củng cố.

Bàn luận thêm về vấn đề, ứng viên xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư, xuất bản nhiều sách trong 1 năm, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương chia sẻ cần nhìn nhận từ nhiều góc độ.

“Công trình ứng viên xuất bản trong 1 năm không phải họ chỉ nghiên cứu trong năm đó mà là quá trình tích lũy 5 năm, 10 năm. Đến khi hoàn thành, 1 năm ứng viên có thể xuất bản 2, 3 cuốn sách.

Bởi vậy, chúng ta không nên nhìn vào việc ứng viên xuất bản liên tục mà cho rằng không đảm bảo tính liêm chính học thuật. Thay vào đó, phải đánh giá xem đây có phải là sản phẩm do ứng viên sáng tạo ra hay không, hay là kết quả của việc góp nhặt, đạo văn hoặc xem xét mức độ uy tín của nhà xuất bản” - thầy Phương nói.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuyen-gia-nganh-luat-chi-ra-tieu-chi-kho-dat-duoc-nhat-cua-ung-vien-xet-gs-pgs-post250511.gd