Chuyên gia nhận định về nguy cơ bệnh viêm gan bí ẩn xâm nhập Việt Nam

Các bác sĩ tại Việt Nam đang theo dõi sát những trường hợp trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, tiêu chảy, đồng thời, thăm khám nhằm xác định có tổn thương gan hay không.

Thông tin mới mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy ít nhất 228 trường hợp thuộc 20 quốc gia đã được báo cáo mắc căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Ngoài ra, hơn 50 ca bổ sung cũng đang được xác minh.

Đáng chú ý, ít nhất 5 trường hợp được xác nhận đã tử vong do căn bệnh này và 18 ca phải ghép gan. Dẫu vậy, nguyên nhân của bệnh lý trên vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Việt Nam chưa xuất hiện ca mắc

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sự xuất hiện của chùm ca bệnh viêm gan ở trẻ em gần đây đang trở thành một mối lo ngại và nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới chuyên môn.

“May mắn là Việt Nam chưa xuất hiện chùm ca bệnh nào như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi đang theo dõi rất sát tình hình trên thế giới”, ông cho biết.

Dù đang thu hút sự quan tâm lớn từ ngành y tế trên toàn thế giới, căn bệnh viêm gan bí ẩn này vẫn chưa được xác định căn nguyên chính xác.

Theo bác sĩ Cấp, hiện có rất nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra. Giả thiết phổ biến hiện nay cho rằng căn bệnh này được gây ra bởi virus có tên gọi là Adeno. Mặt khác, một số giả thiết lại cho rằng các ca bệnh liên quan virus khác, thậm chí một loại chưa được xác định.

 Virus Adeno là một trong những giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn này. Ảnh: iStock.

Virus Adeno là một trong những giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn này. Ảnh: iStock.

“Đến nay, WHO và các nhà chuyên môn vẫn tiếp tục nỗ lực xác định loại virus nào gây tổn thương gan ở chùm ca bệnh này. Ngay khi thế giới xác định được chủng virus gây bệnh, hệ thống phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ lập tức phối hợp để theo dõi diễn biến ở Việt Nam”, bác sĩ Cấp thông tin.

Nguy cơ và sự lây nhiễm

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay dựa trên những thống kê ở các ca bệnh đã được ghi nhận thời gian qua, triệu chứng khởi phát của trẻ em khi mắc căn bệnh này là tình trạng sốt, nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và sau đó nhanh chóng diễn biến thành suy gan.

“Một số biểu hiện lâm sàng khác của trẻ mắc bệnh viêm gan này là vàng da, vàng mắt, đi tiểu sẫm màu, chán ăn, mệt mỏi. Trường hợp nặng hơn có thể xảy ra tình trạng lơ mơ hoặc hôn mê”, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin.

Về mặt kết quả xét nghiệm, tình trạng tổn thương gan cấp ở trẻ mắc căn bệnh bí ẩn này là sự suy giảm chức năng gan và tăng men gan.

Theo bác sĩ Cấp, những trẻ xuất hiện các triệu chứng trên sẽ cần được theo dõi sát và đưa đến cơ sở y tế sớm để thăm khám cũng như làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan. Từ đó, bệnh nhân phải được chẩn đoán có tình trạng tổn thương gan hay không.

“Tại bệnh viện những ngày qua, chúng tôi đang tổ chức theo dõi sát những trường hợp trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, tiêu chảy, đồng thời thăm khám nhằm xác định có tổn thương gan hay không. Thậm chí, các trường hợp được cho về điều trị ngoại trú, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi những diễn biến khác về tình trạng tổn thương gan”, ông nói.

 Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Từ đây, trong trường hợp không may dịch lan rộng tới Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng chúng ta có thể phát hiện được những ca bệnh ngay từ thời điểm sớm.

Về nguy cơ lây nhiễm, bác sĩ Cấp cho biết trong quá khứ, chúng ta từng ghi nhận các loại virus viêm gan gồm A, B, C, D và E. Một số virus viêm gan lây qua đường máu và sinh hoạt tình dục gồm nhóm B và D. Số khác lây qua đường tiêu hóa như virus viêm gan A và E.

Với chùm ca bệnh viêm gan được phát hiện trong thời gian gần đây, y học thế giới vẫn chưa xác định được chủng virus hoặc mầm bệnh gây ra là gì. Do đó, chúng ta vẫn chưa thể xác định được đường lây.

“Theo giả thuyết phổ biến hiện nay là virus Adeno, chúng có thể lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc niêm mạc như tiêu hóa, tiếp xúc từ việc tắm chung ở các bể nước ô nhiễm,...”, bác sĩ Cấp thông tin.

Vị chuyên gia đánh giá nếu con đường lây nhiễm là tiêu hóa, tốc độ lây sẽ chậm hơn đường hô hấp. Ngược lại, nếu virus này lây qua đường hô hấp, khả năng dịch bùng phát sẽ nhanh và mạnh hơn.

Dù còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng liên quan căn bệnh bí ẩn này, bác sĩ Cấp nhấn mạnh Việt Nam vẫn phải luôn cảnh giác với tình hình dịch cũng như cập nhật các ca bệnh liên quan trên thế giới.

Ông cảnh báo: “Chúng ta không thể loại trừ trường hợp một thời điểm nào đó, virus gây ra căn bệnh viêm gan này sẽ đến Việt Nam”.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-ve-nguy-co-benh-viem-gan-bi-an-xam-nhap-viet-nam-post1314733.html