Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nhắc nhở chúng ta về thúc đẩy bình đẳng giới
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, nhiều người nói rằng Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày tôn vinh những giá trị cao đẹp, sự đóng góp của người phụ nữ. Điều này đúng nhưng chưa đủ.
Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 là sự kiện được nhiều quốc gia trên thế giới tích cực hưởng ứng, trong đó có Việt Nam. Dịp này, nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động chúc mừng chị em với những diễn ngôn tôn vinh vẻ đẹp và những cống hiến của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội.
Nhưng đó có thực sự là ý nghĩa của Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3? Không tặng hoa, quà cho chị em phụ nữ có phải là biểu hiện không đẹp? Tổng thể bức tranh bình đẳng giới tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có dịp lắng nghe chia sẻ của chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn để tìm lời giải cho những câu hỏi trên.
Ngày Quốc tế Phụ nữ không phải để tôn vinh sự hy sinh của người phụ nữ
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Hiện nay, nhiều người quan niệm rằng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là ngày tôn vinh những đóng góp, hy sinh của người phụ nữ. Chuyên gia có suy nghĩ gì về nhận định này?
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Nhiều người nói rằng ngày 8/3 là ngày tôn vinh những giá trị cao đẹp, những đóng góp của người phụ nữ cho gia đình và xã hội. Điều này đúng nhưng chưa đủ.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là những ngày để nhắc nhở chúng ta rằng phụ nữ vẫn còn nhiều thua thiệt, xã hội còn phải làm nhiều điều hơn nữa để phụ nữ cũng đạt được quyền lợi như nam giới và thúc đẩy bình đẳng giới.
Sự hy sinh của người phụ nữ là đáng quý, đáng trân trọng, nhất là trong những hoàn cảnh nhất định.
Trong những năm tháng đất nước chiến tranh, nam giới ra mặt trận, phụ nữ ở nhà, tay cày tay súng, phải ba "đảm đang", rồi phải nuôi con, chờ chồng. Lúc đấy, chúng ta đề cao đức tính hy sinh, chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng vì con, vì đất nước của người phụ nữ.
Nhưng khi đất nước đã hòa bình mấy chục năm nay mà vẫn kêu gọi phụ nữ hy sinh thì đó là một sự bất công.
Hy sinh là một điều bắt buộc vì hoàn cảnh lịch sử, chứ không phải là một đức tính. Không ai sinh ra để hy sinh cả.
Ai trên đời này cũng mưu cầu được sống, được hạnh phúc, được tôn trọng. Nên nếu tôn vinh sự hy sinh là một phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ thì chẳng khác gì kích thích người phụ nữ là hãy hy sinh nữa đi.
Nếu là như vậy, tức là thay vì tôn vinh họ, chúng ta lại dìm họ sâu hơn trong việc chấp nhận cam chịu những thiệt thòi.
Món quà lớn nhất là tình yêu và tinh thần trách nhiệm
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Tại Việt Nam, việc nam giới tặng hoa, quà hay tổ chức những bữa tiệc để chúc mừng phụ nữ là hoạt động thường thấy vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Nhưng cũng có nhiều người không thực hiện điều đó. Đây có phải là biểu hiện xấu không, thưa chuyên gia?
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Chúng ta có nhiều cách để thể hiện tình yêu sự kính trọng, ngưỡng mộ đối với người phụ nữ. Tặng hoa, quà chỉ là một hình thức thôi.
Rất nhiều người đàn ông trong gia đình không mua hoa tặng vợ cũng chẳng biết nói những lời có cánh nhưng hết lòng kính trọng vợ, chịu thương chịu khó đi làm kiếm tiền về để cùng vợ nuôi con, tạo dựng cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc.
Tôi cho rằng không có hoa hay quà thì người phụ nữ ấy cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bởi điều lớn nhất anh ấy trao tặng đó là tình yêu và tinh thần trách nhiệm. Đây là món quà lớn nhất mà người phụ nữ mong muốn.
Còn nếu có hoa hay quà rồi sau đó vẫn là những lời nói không tử tế hoặc thiếu trách nhiệm hoặc thậm chí coi thường người phụ nữ thì hoa để làm gì!
Hoa hôm nay tươi thì mai cũng sẽ héo, quà có ăn được cũng sẽ hết, nhưng tấm lòng là quan trọng.
Tuy nhiên, vẫn khuyến khích người đàn ông, bên cạnh tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương, có thêm quà và hoa thì vẫn tốt.
Nhưng nếu không có, mà người phụ nữ của mình rất hiểu và thông cảm thì cũng chẳng làm sao cả. Tặng quà, hoa là điều cần nhưng không bắt buộc.
"Chúng ta chưa đạt được sự bình đẳng giới tuyệt đối"
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Một số người thắc mắc rằng trong năm có nhiều ngày dành cho phụ nữ, như 8/3, 20/10, ngày lễ tình nhân,... Trong khi những ngày của nam giới thì rất ít và hầu như không được tổ chức lớn tại Việt Nam. Chuyên gia nhìn nhận ý kiến này như thế nào?
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Tôi tin rằng những người thắc mắc rằng người phụ nữ có quá nhiều ngày để tặng hoa, tặng quà còn đàn ông thì không có, chắc là một câu nói vui thôi, chứ không người đàn ông nào quá tệ hay hẹp hòi đến mức độ phải ghen tị với phụ nữ điều này cả.
Bởi lẽ những đóng góp của người phụ nữ cho gia đình và xã hội là quá lớn. Có hai ngày, chứ hai chục ngày thì cũng vẫn là chưa đủ.
Đúng là người đàn ông không có một ngày cụ thể nào và cũng không có ngày quốc tế đàn ông. Nhưng thực ra đàn ông có nhiều ngày khác để chúng ta được gọi là ngày của đàn ông rồi.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Nhìn rộng ra bức tranh về bình đẳng giới tại Việt Nam hiện nay, theo chuyên gia, chúng ta đã đạt được kết quả gì và còn những hạn chế gì cần cải thiện?
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Bình đẳng giới là sự ngang nhau giữa đàn ông và phụ nữ về mặt quyền, vị thế, trách nhiệm, nghĩa vụ trong gia đình và xã hội.
Sau nhiều chục năm dưới chế độ xã hội mới, cùng với những thành tích khả quan của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và sự tiến bộ của người phụ nữ, thì hiện nay khoảng cách về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm,… giữa nam và nữ đã được thu hẹp lại.
Không ít người nghĩ rằng ở Việt Nam đã đạt được sự bình đẳng tuyệt đối rồi. Nhưng thực tế, không phải vậy.
Về mặt quyền, luật pháp hiện nay đã đạt được một sự bình đẳng trên giấy tờ, đàn ông cũng như đàn bà đều có quyền đi học, được lao động, được quyền ứng cử, quyền thụ hưởng những gì mà mình tạo ra,…
Tuy nhiên, trong khía cạnh đời sống, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm,... của phụ nữ và đàn ông vẫn còn có những chênh lệch.
Ví dụ, cùng một lỗi, một người đàn ông có vợ rồi mà còn đi ngoại tình, có nơi, mọi người xung quanh không hề trách người đàn ông đó, thậm chí còn khen ngợi là giỏi.
Nhưng ngược lại, người phụ nữ có chồng rồi mà có bạn trai thì chắc chắn nhiều ý kiến dư luận sẽ chĩa vào tấn công người phụ nữ ấy, cho rằng chị ấy là hư hỏng, thiếu chung thủy.
Tất nhiên, việc ngoại tình này là không tốt, nhưng đưa ra ví dụ để thấy sự chênh lệch trong cách đối xử của xã hội với cùng một lỗi của đàn ông và phụ nữ.
Phụ nữ hiện nay cũng phải thực hiện tiêu chuẩn kép, là giỏi việc nước đảm việc nhà. Trong khi đàn ông chỉ cần làm tốt và hoàn thành công việc ở cơ quan, hàng tháng lĩnh lương, cùng đóng góp xây dựng gia đình thì là tốt lắm rồi.
Người đàn ông không bạo lực với vợ, không bồ bịch là đã được đánh giá cao. Nhưng phụ nữ lại được kỳ vọng là phải khéo chiều chồng, khéo chăm con. Rồi ứng xử tốt, đối nội đối ngoại tốt, biết quản lý tài chính và ti tỉ thứ khác nữa…
Rõ ràng rằng, xã hội đang đòi hỏi ở phụ nữ lớn hơn đàn ông.
Thông qua Tạp chí Công dân và Khuyến học, tôi muốn gửi lời chúc mừng tới toàn thể chị em phụ nữ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Không phải là ngày tôn vinh, mà là ngày chúng ta nhìn nhận lại vấn đề.
Nếu còn điều gì làm chưa tốt thì cùng nhau sửa đổi, điều chỉnh để mang lại thêm nhiều lợi ích cho người phụ nữ và cả nam giới, để hướng đến sự bình đẳng và phát triển.