Chuyên gia từ Harvard chỉ 7 cách nói chuyện hiệu quả

Các chuyên gia của Harvard cho biết chìa khóa cho đa số cuộc trò chuyện ngắn của người thành đạt là hỏi người đối thoại những câu tiếp nối với câu trả lời của họ.

Theo CNBC, trong một loạt các thí nghiệm, các chuyên gia phân tích hơn 300 cuộc hội thoại trực tuyến và phát hiện rằng người được hỏi những câu hỏi tiếp nối thú vị sẽ thấy thiện cảm hơn với người trò chuyện.

Các nhà nghiên cứu nói khi mọi người được dạy cách đặt nhiều câu hỏi hơn, họ được lĩnh hội khả năng phản hồi cao hơn và có sự gắn kết giữa các cá nhân về lắng nghe, thấu hiểu, nhận định và quan tâm.

Làm thế nào để bạn chuyển từ một người ngại nói chuyện trở thành người lôi cuốn và thú vị? Điều này phụ thuộc vào câu hỏi mở đầu và sau đó bạn có thể tập trung vào dòng chảy những câu hỏi tiếp nối nhau. Dưới đây là 7 cách để có một cuộc trò chuyện ấn tượng.

 Nội dung trò chuyện và cách nói góp phần tạo nên ấn tượng của người khác về bạn. Ảnh: Unsplash.

Nội dung trò chuyện và cách nói góp phần tạo nên ấn tượng của người khác về bạn. Ảnh: Unsplash.

Sử dụng mẹo A.C.T để mở đầu cuộc trò chuyện

Lần cuối cùng trong một cuộc họp mà bạn không hề nói chuyện là khi nào? Hội thoại ngắn là cách tự nhiên để mọi người kết nối với nhau. Bắt đầu trò chuyện với một câu hỏi sẽ xây dựng một cuộc đối thoại đạt chuẩn A.C.T.

- A (Authenticity): Có tính xác thực.

- C (Connection): Có sự kết nối.

- T (Taste): Có chủ đề trò chuyện đem lại cho đối phương trải nghiệm về con người bạn.

Một số câu hỏi mở đầu bạn có thể tham khảo:

- Trạng thái tinh thần hiện tại của bạn là gì?

- Bạn mong đợi điều gì trong tuần này?

- Bạn làm tôi nhớ đến một người nổi tiếng, nhưng tôi không thể nhớ ra là người nào, bạn nghĩ bạn giống ai?

Vượt ra khỏi bản cập nhật hàng giờ

Kế hoạch dự phòng khi trò chuyện của rất nhiều người giống bản tin cập nhật hàng giờ như giao thông, thể thao, thời tiết và nhiều thứ khác.

Hãy lặp đi lặp lại nhiều lần trong đầu mình rằng kế hoạch trên là cách “phá băng” tệ trong đối thoại. Một vài ngoại lệ có thể xảy ra như bạn và sếp hoặc đồng nghiệp có cùng mối quan tâm thực sự đến các vấn đề trên. Nhưng bạn hãy cố gắng vượt ra khỏi những chủ đề sáo rỗng và hướng đến những thứ quan trọng, mang tính cá nhân hơn đối với bạn.

Chú trọng hiện tại và quan sát môi trường xung quanh

Trước khi trò chuyện, bạn nên để ý đến xung quanh nhiều hơn. Sau đó, bạn có thể tìm một vài thứ để tập trung trong môi trường xung quanh bạn như một tác phẩm nghệ thuật treo trên tường, một thiết bị lạ nào đó hoặc bức ảnh gia đình trên ghế, một chiếc mũ bảo hiểm, những đồng xu sưu tập từ nhiều quốc gia… Chắc chắn, bạn luôn có một vài thứ để bắt đầu cuộc hội thoại ngắn, giúp bạn dẫn dắt câu chuyện vào những câu hỏi tiếp nối độc đáo.

Giả sử bạn đang nói chuyện với CEO của một công ty lớn, biểu tượng cho những người sắp nghỉ hưu và bạn chú ý đến hàng hộp trống dọc bức tường ở văn phòng người này. Bạn có thể mở đầu trò chuyện bằng câu hỏi: “Sẽ khó khăn như thế nào để bạn từ bỏ công việc này?”.

Câu hỏi này thường dẫn đến cuộc thảo luận sâu sắc và bộc lộ nhiều cảm xúc hơn. Việc này sẽ không bao giờ xảy ra nếu bạn không để tâm đến những chiếc hộp kia.

Chia sẻ một vài tin tức thật sự đã xảy ra

Khi có tin tức gì đó mới, bạn hãy chia sẻ nó, ví dụ: “Tôi vừa nhận nuôi thú cưng hồi cuối tuần” hay “Đứa con 6 tuổi của tôi mới biết chạy xe đạp lần đầu tiên vào hôm qua”.

Dù bạn có tin hay không, mọi người không thật sự muốn biết nhiều hơn về những người khác, đặc biệt là khi cả hai làm chung công ty.

Nếu bạn vừa mới vào một công ty và lãnh đạo một nhóm, ví dụ bạn có thể bắt đầu buổi gặp mặt đầu tiên bằng cách đi vòng quanh phòng và hỏi từng người về những điều thú vị diễn ra gần đây trong cuộc sống của họ. Kết quả của việc chia sẻ kỷ niệm đó là bạn sẽ được mọi người cho phép cảm thấy cá nhân hơn và kết nối thực sự với người khác.

Mục tiêu là trở nên thành thật và không chỉ đơn giản là tạo ra cuộc trò chuyện. Ở khía cạnh khác, bạn có nguy cơ không biết cách trả lời những câu hỏi tiếp nối về những thứ bạn có ít hoặc không có kinh nghiệm.

Mở chuyện trước

Bất kể khi gặp ai trực tiếp hoặc gọi điện thảo luận, bạn hãy mở chuyện trước.

Nếu bạn đợi, hai thứ có thể xảy ra. Một là người khác sẽ đưa ra nhận xét bạn muốn. Hai là các đồng nghiệp nói nhiều hơn sẽ điều khiển những câu hỏi tiếp nối. Sau đó, bạn sẽ lạc trong cuộc trò chuyện chéo và mất cơ hội của mình.

 Khi bạn nỗ lực trò chuyện, những người khác sẽ lắng nghe và kết nối với bạn. Ảnh: Getty Images.

Khi bạn nỗ lực trò chuyện, những người khác sẽ lắng nghe và kết nối với bạn. Ảnh: Getty Images.

Không chỉ là nội dung nói chuyện

Không quan trọng bạn nói nhiều bao nhiêu, tông giọng, ấn tượng trực quan và giao tiếp mắt sẽ truyền đạt nhiều thông tin hơn.

Trong cuộc gặp gỡ trực tiếp, bạn hãy nhìn vào đối phương khi nói chuyện, không nên nhìn vào bàn hay bức tường. Nếu trò chuyện qua điện thoại, bạn nên cười. Cách này sẽ giúp giọng của bạn ấm hơn. Bạn không chỉ chú trọng những gì mình nói mà còn là cách bạn nói như thế nào. Điều này sẽ giúp những người khác cảm thấy kết nối với bạn.

Tạo điểm mấu chốt

Điểm mấu chốt là vị trí mà mẩu hội thoại ngắn chuyển sang mức độ kế tiếp, vì bạn chuyển tiếp từ việc nói về những thứ không quan trọng đến một vấn đề đang diễn ra trong hiện tại.

Khi cuộc trò chuyện đã trôi chảy, bạn dễ dàng nghĩ và hỏi những câu hỏi tiếp nối. Sếp của bạn có thể là người mở đầu với câu: “Hãy kể cho tôi nghe những gì đang diễn ra…?”.

Nhờ có những mẩu hội thoại ngắn, bạn sẽ có cùng ý kiến. Sau đó, bạn có thể tạo điểm mấu chốt với nhiều thảo luận ấn tượng thể hiện được kiến thức, sự đóng góp và tự tin của bạn.

Thanh Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-tu-harvard-chi-7-cach-noi-chuyen-hieu-qua-post1347426.html