Chuyên gia và VFA nói về giá gạo xuất khẩu Lộc Trời

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu mức giá gạo xuất khẩu thấp hay cao, có lợi nhuận hay không phải xét theo thời điểm thị trường.

Trao đổi với PLO về giá gạo đấu thầu xuất khẩu sang Indoneisa của một số doanh nghiệp Việt Nam, giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo, cho biết trước hết cần xem xét về loại gạo mà Indonesia mua rồi mới xem giá có thấp, có rẻ quá hay không.

Giá gạo cao, thấp theo thị trường

Theo thông tin từ phía Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) thì nước này họ mua loại gạo 5% tấm, nếu là loại gạo trắng thông thường thì mức giá mà công ty Lộc Trời đưa ra không phải là quá thấp.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, với giá gạo xuất khẩu loại gạo trắng 5% tấm mà Lộc Trời đưa ra 563 USD/tấn thì vẫn có lợi nhuận, vì hiện nay giá gạo Việt Nam đang ở mức cao so với những năm trước đây.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, nếu là loại gạo thơm mà doanh nghiệp đưa ra mức giá đó thì mới gọi là quá thấp, có dấu hiệu bán phá giá. Còn thực tế, hiện nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới vẫn tăng, giá vẫn có lợi nhuận thì không việc gì doanh nghiệp bán lỗ.

“Một lợi thế của gạo trắng 5% tấm của Việt Nam, hiện nay là một số doanh nghiệp đã nghiên cứu lai tạo giống giữa gạo thơm và gạo trắng thông thường ra được loại gạo trắng - thơm ngắn ngày, năng suất cao cạnh tranh tốt hơn các nước xuất khẩu.
Như Thái Lan họ chỉ có gạo thơm một vụ/năm, chất lượng cao thật nhưng giá cũng cao. Trong khi loại gạo trắng – thơm Việt Nam chất lượng cũng tốt, ngắn ngày nên số lượng chủ động xuất khẩu hơn, giá mềm hơn nên các nước như Philippines, Indonesia sẽ ưa chuộng hơn” – Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.

 Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng rất khó đánh giá về giá gạo xuất khẩu thấp hay không mà còn phụ thuộc vào bối cảnh thị trường, chi phí, giá thành sản xuất của doanh nghiệp đó. Ảnh: QH

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng rất khó đánh giá về giá gạo xuất khẩu thấp hay không mà còn phụ thuộc vào bối cảnh thị trường, chi phí, giá thành sản xuất của doanh nghiệp đó. Ảnh: QH

Từ vụ việc này, ông Xuân kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phân loại rõ các nhóm gạo, loại gạo xuất khẩu để từ đó có thể phát triển thương hiệu gạo quốc gia, và rạch ròi về chất lượng, giá cả.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng nếu xét thời điểm giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao thì nói giá thầu đó thấp, doanh nghiệp có thể lỗ. Nhưng ở thời điểm hiện nay với giá thầu đó thì xuất khẩu vẫn ổn, nhất là đơn hàng số lượng lớn thì doanh nghiệp có lợi nhuận.

“Cho nên giá gạo xuất khẩu thấp hay cao rất khó đưa ra nhận định đúng, mà phải theo chi phí sản xuất của doanh nghiệp, theo thời điểm thị trường, theo đơn hàng”- vị giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ.

Hiệp hội nói gì?

Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trao đổi với PLO, ông Trần Ngọc Trung, Phó chủ tịch VFA cho biết hiệp hội cũng đã nắm thông tin về giá gạo trúng thầu xuất khẩu sang Indonesia của các doanh nghiệp xuất khẩu. Loại gạo Indonesia mua Việt Nam là loại gạo trắng 5% tấm, với giá gạo xuất khẩu mà công ty Lộc Trời đưa ra không cao nhưng cũng không thấp quá.

Trước câu hỏi của chúng tôi về ảnh hưởng của việc chào giá thầu thấp, ông Trần Ngọc Trung cho biết ngày mai (30-5), ban chấp hành hiệp hội sẽ họp bàn về vấn đề này, và có thông tin sau.

 Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang chào bán ở mức khoảng 580 USD/tấn. Ảnh: QH

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang chào bán ở mức khoảng 580 USD/tấn. Ảnh: QH

Theo số liệu về giá gạo xuất khẩu trên trang website của VFA mới nhất ngày 28-5-2024, thì giá gạo 5% tấm của Việt Nam 582USD/tấn, giá gạo xuất khẩu Thái Lan là 621 USD/tấn, Pakistan là 595 USD/tấn.

Trước đó, ngày 22-5, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố kết quả mở thầu tháng 5 cho thấy trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các DN Việt Nam. Trong đó, Công ty Lộc Trời trúng thầu hai lô với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu và giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.

Lý do công ty Lộc Trời đưa ra mức giá trên vì doanh nghiệp có vùng trồng lúa nguyên liệu và hệ thống các nhà máy xay xát lúa gạo nên giảm được nhiều chi phí, có mức giá bán cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác.

“Với giá thầu xuất khẩu trên, Lộc Trời cam kết không ảnh hưởng đến bà con nông dân. Doanh nghiệp vẫn đảm bảo thu mua lúa cho nông dân với giá cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với giá thị trường”- đại diện Lộc Trời thông tin.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-va-vfa-noi-ve-gia-gao-xuat-khau-loc-troi-post793112.html