Chuyên gia y tế: Bệnh bạch hầu nguy hiểm và dễ lây, song không cần quá lo lắng
Thông tin 119 người được xác định có tiếp xúc với bệnh nhân tử vong do bạch cầu ở Nghệ An đang được quan tâm. Theo chuyên gia y tế, dù bệnh bạch cầu dễ lây song cũng không nên quá lo lắng…
Như ANTĐ đã thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An vừa thông tin về một bệnh nhân 18 tuổi ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa tử vong do mắc bạch cầu. Cơ quan chức năng ở địa phương xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Tương tự, CDC tỉnh Bắc Giang cũng xác định có 01 ca dương tính với bạch cầu là cô gái 18 tuổi ở huyện Hiệp Hòa, bị lây do ở cùng ký túc xá với ca tử vong tại Nghệ An kể trên khi đi thi THPT tại Nghệ An. Đến nay, đã xác định được 15 người tiếp xúc với ca mắc bạch hầu ở Bắc Giang
Trả lời báo chí về vụ việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B.
Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng (mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh).
Bệnh cũng có thể lây gián tiếp do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu như quần áo, tay… Như vậy, nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi người bệnh không biết bị lây từ nguồn nào.
Tuy vậy, theo ông Phu, với những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh bạch cầu vừa qua, chúng ta cũng không nên quá lo lắng.
“Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác"- PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin.
Cũng theo ông Phu, điểm nguy hiểm của bệnh bạch cầu là tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, gây các tổn thương viêm cơ tim…
Tại Việt Nam, trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến. Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Mặc dù bệnh hay xảy ra ở khu vực miền núi nhưng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chúng ta cũng không được chủ quan, bởi khi dịch bùng phát thì bất kỳ ở đâu, những ai không có miễn dịch thì đều có khả năng mắc bệnh. Về lâu dài, biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là tiêm vaccine.