Chuyện giảm nghèo ở xã Đại Đức

Để là một trong 4 xã của huyện Kim Thành hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao sớm nhất, Đại Đức đã có những cách làm phù hợp nâng cao đời sống người dân.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, hộ ông Đặng Văn Biểm đã thoát nghèo vươn lên thành hộ giàu trong xã

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, hộ ông Đặng Văn Biểm đã thoát nghèo vươn lên thành hộ giàu trong xã

Đại Đức là một trong 4 xã của huyện Kim Thành đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Để về đích, địa phương luôn nỗ lực để nâng cao thu nhập của người dân, giảm nghèo bền vững.

Trao “cần câu” thay “xâu cá”

Xưởng mộc rộng gần 700 m2 của ông Đặng Văn Biểm ở thôn Đồng Tâm, xã Đại Đức đang tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng. Đây là một trong những điển hình về phát triển kinh tế của địa phương. Nhìn vào cơ ngơi của ông Biểm hiện giờ, ít ai biết ông chủ của xưởng mộc này từng là hộ nghèo, cận nghèo trong xã.

Năm 2018, ông Biểm được vay 70 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Thành. Ông vay thêm cả anh em, bạn bè để mở rộng xưởng mộc phát triển kinh tế gia đình. Những sản phẩm đồ gỗ gia dụng của xưởng được tiêu thụ thuận lợi. Không chỉ thoát nghèo mà ông Biểm còn nhanh chóng trở thành một trong những hộ giàu trong xã. Ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 5 tỷ đồng.

Ông Biểm không phải là trường hợp duy nhất trong thôn thoát nghèo thành công. Bà Vũ Thị Hoàn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đồng Tâm cho biết: “Đồng Tâm là thôn có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của xã, số hộ nghèo nhiều. Nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách đã có 5 hộ thoát nghèo. Hiện thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, trong đó có 2 hộ không còn khả năng lao động”.

Hằng năm, xã Đại Đức đều có các chính sách để khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đầu tư mở rộng sản xuất nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động nông thôn. Xã thực hiện tốt công tác điều tra về cung, cầu lao động để nắm thông tin về lao động, việc làm trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị có uy tín về tư vấn giới thiệu xuất khẩu lao động. Tạo điều kiện thuận lợi cho lao động ở địa phương đi làm việc tại các công ty doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn xã. Nhờ vậy, 98% người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã có việc làm. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 88%, lao động qua đào tạo có chứng chỉ đạt 38%. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực kinh tế chủ lực đạt 77%.

Các hộ nghèo, cận nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được chính quyền địa phương và các đoàn thể quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở. Trong ảnh: Bà Lưu Thị Thai ở thôn Đồng Tâm, xã Đại Đức được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà ở

Các hộ nghèo, cận nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được chính quyền địa phương và các đoàn thể quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở. Trong ảnh: Bà Lưu Thị Thai ở thôn Đồng Tâm, xã Đại Đức được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà ở

Nhiều chính sách giảm nghèo hiệu quả

Cách xa trung tâm huyện nên xã Đại Đức khó khăn hơn nhiều địa phương khác. Năm 2019, Đại Đức mới đạt chuẩn xã nông thôn mới. Dù về đích muộn, nhưng năm 2022, xã tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, qua rà soát, xã đã bảo đảm hoàn thành đủ 19 tiêu chí. Đây là bước phát triển nhanh, mạnh và vững chắc của Đại Đức hôm nay.

Để có bước phát triển nhanh, mạnh như vậy, Đại Đức xác định giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu chính của xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là động lực và là tiền đề để thực hiện các tiêu chí còn lại. Mục tiêu rõ ràng nên những năm qua, Đại Đức đã có nhiều chính sách giảm nghèo, đặc biệt là việc thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề, tạo việc làm mới cho người lao động, thực hiện công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội giai đoạn 2020 - 2025”. Xã đã ưu tiên lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững…

Là xã thuần nông nên Đại Đức đặc biệt quan tâm tới việc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng ớt xuất khẩu với diện tích 11 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng trồng rau ngót diện tích trên 1 ha đã được cấp mã vùng trồng, xây dựng thành công sản phẩm trứng vịt Đại Đức đạt chuẩn OCOP 3 sao. Trước đây, người dân trong xã sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Nay cơ cấu lao động của xã đã chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Các hộ kinh doanh dịch vụ mở rộng đầu tư đa dạng hóa các mặt hàng, phát triển dịch vụ ăn uống đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đức, giảm nghèo là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức nhưng đã được Đảng bộ xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng quyết tâm cao. Kết quả, số hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Trước khi xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn xã ở mức 11,2%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 30 triệu đồng/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại “làn gió mới” cho vùng quê nghèo này. Hiện tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (trừ số hộ nghèo không có khả năng lao động) chỉ còn 0,24%. Tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều là 0,7%. Trên địa bàn xã không có nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 đạt 66,6 triệu đồng/năm. Thu nhập tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm là bước đệm vững chắc để địa phương phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào giai đoạn tới.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/chuyen-giam-ngheo-o-xa-dai-duc-236952