Chuyển hóa di sản, khơi nguồn sáng tạo
Khi kho tàng di sản vô giá gặp gỡ sức sáng tạo không giới hạn, những câu chuyện xưa được kể lại theo một cách hoàn toàn mới, trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo, gần gũi, hấp dẫn hơn với thế hệ hôm nay.
Kể mới chuyện cũ
“Từng có thời kỳ không gian Văn Miếu tràn ngập sản phẩm lưu niệm xa lạ, thiếu vắng sự kết nối với giá trị cốt lõi của di sản và ít sáng tạo. Đó là một trăn trở lớn, không chỉ riêng Văn Miếu mà còn là thách thức chung của nhiều không gian di sản khác. Dù việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, trong một không gian di sản giàu ý nghĩa như vậy, không thể kéo dài tình trạng này” - TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ tại Diễn đàn kết nối "Chuyện cũ kể mới: Từ chất liệu di sản đến sản phẩm văn hóa".

Từ chất liệu di sản đến sản phẩm văn hóa. Ảnh: Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Thay đổi là tất yếu. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã định hướng lại các yếu tố cốt lõi cho sản phẩm lưu niệm: mỗi sản phẩm phải gắn kết sâu sắc với giá trị di tích, lấy cảm hứng từ họa tiết, hoa văn và câu chuyện về các danh nhân; được sản xuất từ làng nghề truyền thống Hà Nội. Các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường và có tính ứng dụng cao, không chỉ đẹp mà còn phải hữu ích trong đời sống hàng ngày, như bút, sổ, áo, mũ… Nhờ sự kết nối với các nhà thiết kế tài năng và làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như Bát Tràng, Vạn Phúc, Hạ Thái, Phú Vinh… hơn 70 sản phẩm lưu niệm Văn Miếu đã được sản xuất và giới thiệu đến du khách.
Trong khi đó, bằng cách nghiên cứu sâu sắc các hoa văn, họa tiết cổ từ di tích và làng nghề, các bạn trẻ của Bối Ân Studio đã khéo léo kể chuyện mới cho những giá trị tinh thần mà cha ông để lại, dẫn lối giới trẻ trở về với truyền thống. Chẳng hạn như tranh “Giảng học đồ” rất giá trị trong bảo tàng nhưng ít người biết đến đã được chuyển thể thành những tác phẩm dễ hiểu, dễ tiếp cận, mang tính thẩm mỹ cao. Hay các sản phẩm như bộ trang sức bạc lấy cảm hứng từ hoa văn của đình Kim Ngân (Hà Nội); gối di sản sáng tạo từ họa tiết hoa văn gốm Chu Đậu, đình làng Bắc Bộ hay mộc bản…
Phát triển sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc cho thấy giá trị di sản không chỉ là quá khứ nằm yên trong bảo tàng và ký ức, mà hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm tiêu dùng hiện đại, góp phần lan tỏa tinh hoa cha ông và thắp sáng giá trị văn hóa.
Thương mại hóa sản phẩm, cân bằng quyền lợi
Du khách đến Hà Nội rất đông và nhu cầu lớn, nếu không phát triển sản phẩm lưu niệm sẽ là khoảng trống, lãng phí tài nguyên. Nhận định như vậy, song TS. Lê Xuân Kiêu cũng thẳng thắn cho rằng, sự kết nối giữa các đơn vị, nhà thiết kế và cộng đồng làng nghề chưa chặt chẽ. Việc sử dụng tài sản công nhưng không có vốn đầu tư ban đầu khiến các đơn vị khó tạo ra sản phẩm mang bản sắc riêng, phải chấp nhận hình thức ký gửi, dẫn đến sản phẩm dễ bị cuốn theo thị trường chung hơn là gắn kết sâu sắc với di tích cụ thể. Thiếu nhà đầu tư, đặc biệt cho các thiết kế đẹp nhưng chưa thấy tiềm năng thị trường; thiếu cơ sở dữ liệu di sản chuẩn xác để nhà thiết kế khai thác… cũng là những rào cản.

Sáng tạo đưa các giá trị di sản chạm đến người trẻ
Là người kế thừa, gìn giữ nghề tò he Xuân La, Hà Nội, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã sáng chế bột làm con giống bền hơn, bảo tồn và phát triển con giống gắn với văn hóa dân gian. Ông mong muốn có cơ chế, chính sách rõ ràng và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp văn hóa; đồng thời có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nhân, nhà thiết kế và nghệ nhân để thúc đẩy sự phát triển bền vững của sản phẩm.
Gắn bó với chất liệu di sản và cộng đồng từ năm 1996 đến nay, bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp xã hội Craft Link, đã hỗ trợ hiệu quả các nhóm sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều tỉnh, thành phố, đưa những sản phẩm thổ cẩm, thủ công truyền thống ra thế giới. Bà nhận thấy điều làm nên sức sống của sản phẩm văn hóa không chỉ là kỹ thuật, mà là câu chuyện, là bản sắc của từng cộng đồng. Vì thế, làm thế nào để người lớn tuổi có thể lưu giữ và truyền đạt kỹ năng, tri thức truyền thống cho thế hệ mai sau vô cùng quan trọng.
"Nghệ nhân và cộng đồng cần có thu nhập ổn định. Do đó, việc đưa sản phẩm ra thị trường là yếu tố sống còn, là động lực để gìn giữ và phát huy giá trị di sản", bà Lan đúc kết.
Theo ông Đoàn Trần Lâm, Câu lạc bộ Đình làng Việt, Việt Nam đã chuyển từ lối bảo tồn truyền thống sang giai đoạn thiết kế sáng tạo và kỷ nguyên số hóa. Lâu nay, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với di sản và sản phẩm sáng tạo vẫn là thách thức toàn cầu. Các mẫu mã dễ bị sao chép và việc bảo hộ còn nhiều rào cản. Do đó, cần cân bằng quyền lợi giữa cộng đồng dân gian (chủ thể tạo ra di sản) và cá nhân sáng tạo (nhà thiết kế), tăng cường bảo vệ bản quyền. Bài toán lớn cho các nhà thiết kế là mỗi sản phẩm văn hóa không chỉ mang đậm hồn cốt dân tộc mà còn chứa đựng giá trị phổ quát của nhân loại, để sản phẩm của chúng ta có thể vươn tầm quốc tế.