Chuyển hướng làm giàu

Xuất phát từ truyền thống nghề chăn nuôi của gia đình, năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, anh Nguyễn Thành Luân (sinh năm 1988) người dân tộc Mường ở khu phố Soi, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn quyết định về quê gây dựng cơ nghiệp với nghề làm thịt chua đặc sản.

Anh Nguyễn Thành Luân kiểm tra sản phẩm thịt chua sau đóng gói.

Xuất phát từ việc chăn nuôi thua lỗ do giá lợn thịt trên thị trường thời điểm đó sụt giảm mạnh, gia đình anh và nhiều hộ chăn nuôi lợn ở địa phương thường xuyên có vài chục đến hàng trăm con thua lỗ. Do đó, năm 2017, anh Luân đã nảy sinh ý tưởng tự giải quyết đầu ra cho trang trại nuôi lợn của mình và các hộ chăn nuôi xung quanh bằng việc thành lập Công ty cổ phần Agrigold Việt Nam chuyên sản xuất thịt chua thương hiệu Thanh Sơn Foods (nay là Phố Vàng Foods). Công ty đi vào hoạt động đã giúp các trang trại tiêu thụ hết số lợn mà không lo bị tư thương ép giá. Anh Luân chia sẻ: “Tôi đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để làm nhà xưởng, mua sắm máy móc, cơ sở vật chất hiện đại sản xuất thịt chua theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, công ty tuyển nhân viên phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đi các tỉnh như: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An để tiếp thị”.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, đến nay sản phẩm thịt chua mang thương hiệu Phố Vàng Foods của Công ty đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng. Hiện mỗi tháng, Công ty sản xuất và cung cấp cho thị trường 20.000-30.000 hộp thịt chua các loại, tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Luân (bên trái) chia sẻ bí quyết, chuyển giao công nghệ nuôi lợn bằng thức ăn hữu cơ, giúp các trang trại chăn nuôi phát triển, cùng vươn lên làm giàu.

Cùng với sản xuất thịt chua, anh Luân đã quyết định tự mày mò, nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng phương pháp ủ chua lên men phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình và cung cấp cho các hộ trong vùng. Nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ đơn giản gồm: Đỗ tương, ngô, sắn,… Cơ chế lên men gần giống với sản xuất thịt chua. Trong quá trình phối trộn khoảng 500kg bột nghiền nguyên liệu sẽ có khoảng 30kg nước và chất lên men. Sau khi nguyên liệu được trộn đều sẽ được đóng kín trong bao tải hoặc thùng phuy để sản phẩm lên men rồi sử dụng trực tiếp cho đàn vật nuôi.

Hơn nửa năm dày công nghiên cứu, đầu tư sản xuất, đến nay, sản phẩm thức ăn chăn nuôi hữu cơ lên men tự nhiên của gia đình anh Nguyễn Thành Luân không chỉ phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình mà còn cung cấp cho nhiều trang trại trên địa bàn huyện. Ngoài địa điểm sản xuất tại xã Thục Luyện, anh Luân còn liên kết với hộ dân ở xã Tinh Nhuệ mở thêm một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Kết quả sau khi xuất bán hai lứa lợn nuôi hoàn toàn bằng thức ăn chăn nuôi ủ chua đã cho trọng lượng đạt và chất lượng thịt thơm ngon hơn so với sử dụng thức ăn công nghiệp.

Với dự định thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trang trại sử dụng thức ăn chăn nuôi hữu cơ, Luân còn hy vọng sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ cho những hộ chăn nuôi quy mô lớn để cùng nhau làm giàu.

Không ngại khó, ngại khổ, mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh tổng hợp đã mang về cho gia đình anh Nguyễn Thành Luân cuộc sống khá giả nơi vùng cao và trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương và là tấm gương thanh niên quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/chuyen-huong-lam-giau/191813.htm