Chuyện nhặt ở Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa

Mang trong mình căn bệnh teo cơ tủy, gần 5 năm qua, chiếc máy thở đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bé Lô Công Doanh. Mỗi ngày trôi qua là một cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ của cháu, gia đình và đội ngũ y, bác sĩ tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Gần 5 năm Doanh bị bệnh là một cuộc chiến của con, gia đình và các y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Gần 5 năm Doanh bị bệnh là một cuộc chiến của con, gia đình và các y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Ước mong giản dị của một gia đình nhỏ

Trong không gian vang tiếng monitor dồn dập tại Khoa Hồi sức cấp cứu, anh Lô Văn Hải, xã Xuân Lẹ (Thường Xuân) vừa xoa bóp chân tay, vừa nhẹ nhàng lấy khăn lau người cho con. Những ngày đầu cùng con nhập viện, anh Hải tự vỗ về bản thân cố thêm một ngày nữa sẽ sớm được về nhà. Ấy vậy mà thấm thoắt đã gần 5 năm, anh vẫn ở đây, trong phòng này, bên cạnh con trai nhỏ.

Trên giường bệnh, bé Lô Công Doanh nằm bất động, mắt lim dim, phần khí quản được mở để đặt ống thở, một ống xông đặt ở mũi giúp truyền chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Cậu bé 5 tuổi, thân hình trắng trẻo, mũm mĩm nhưng hơi thở lại nặng nhọc, một chút sức lực để bật lên tiếng khóc cũng thật sự khó khăn. “Nhìn con mà tôi như đứt từng khúc ruột”, anh Hải mở đầu câu chuyện.

Năm 2020, vợ chồng anh đón đứa con trai đầu lòng. Doanh cũng như bao đứa trẻ khác, ăn ngon, ngủ ngoan. Tuy nhiên, bước sang tháng thứ 5 con vẫn không chịu lật, chân yếu. Tròn 7 tháng tuổi, Doanh bỏ bú, sốt cao liên tục nhiều ngày không hạ... Vợ chồng anh mới cho con đến khám tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Điều trị nội trú tại bệnh viện gần 1 năm, bé cứ sốt lại hạ, hạ lại sốt, thường xuyên co giật. Sau hàng loạt các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ cho biết Lô Công Doanh mắc bệnh teo cơ tủy. Thương con và hy vọng bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời, rồi có ngày con sẽ khỏe lại nhưng cho dù vợ chồng anh chăm con từng ngày thì sức khỏe của bé vẫn ngày một yếu đi. Khi con 2 tuổi, con phải nhập viện điều trị toàn thời gian vì không thể tự hô hấp, phải phụ thuộc vào thở máy hoàn toàn.

Theo bác sĩ CKII La Xuân Trọng, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, teo cơ tủy là bệnh di truyền tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, thần kinh ngoại vi và chức năng vận động cơ của người bệnh. Khi một người bị bệnh teo tủy, tế bào thần kinh nằm bên trong não và tủy sống không hoạt động. Não sẽ ngừng gửi thông tin cử chỉ hành động đến cơ bắp, vì vậy cơ bắp trở nên yếu và co lại dẫn đến người bệnh gặp khó khăn trong việc vận động như di chuyển, đi lại, cầm, nắm... Đây cũng là căn bệnh dẫn tới tử vong sớm cho trẻ sơ sinh.

Là lao động tự do, anh Hải đảm nhận chính việc chăm sóc con trai. Gần như 24/24h, anh túc trực bên giường bệnh, cứ một tiếng lại hút đờm cho con một lần; rồi cho ăn uống đúng cữ qua ống xông; chăm chút vệ sinh cá nhân... Ngày qua ngày như thế, thỉnh thoảng anh mới tranh thủ chợp mắt khi con đã vào giấc ngủ. Vợ anh Hải - chị Lữ Thị Sơn hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Xuân Lẹ, cuối tuần mới tranh thủ xuống trông con cho chồng về tắm giặt, vệ sinh cá nhân... Cứ thế, gần 5 năm qua, gia đình nhỏ chưa một ngày sum họp.

Mang trong mình căn bệnh teo cơ tủy, anh Lô Văn Hải và con trai Lô Công Doanh đã ở bệnh viện suốt gần 5 năm.

Mang trong mình căn bệnh teo cơ tủy, anh Lô Văn Hải và con trai Lô Công Doanh đã ở bệnh viện suốt gần 5 năm.

Một trong các nguyên nhân chính khiến người bệnh gặp vấn đề về teo tủy sống bắt nguồn từ yếu tố di truyền, bác sĩ CKII La Xuân Trọng tư vấn, nếu vợ chồng muốn sinh thêm con nên đi khám Hỗ trợ sinh sản kết hợp với thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán di truyền để có định hướng cụ thể, tránh việc sinh tự nhiên có nguy cơ xác suất sinh con bị bệnh cao. Vợ chồng anh Hải từng nhen nhóm hy vọng tình huống xấu nhất sẽ không đến, tuy nhiên phép màu đã không xảy ra. Vì thế, cuối năm 2024, vợ chồng anh Hải đã quyết định xin con nuôi. “Con gái còn nhỏ, vợ tôi vừa đi làm vừa chăm con nên cũng không thường xuyên xuống viện như trước. Con gái về với gia đình gần nửa năm rồi nhưng hai anh em Doanh vẫn chưa được gặp nhau. Cũng rất lâu rồi, gia đình tôi chưa có một bữa cơm đúng nghĩa, một giấc ngủ vẹn tròn”, anh Hải nghẹn ngào.

Cùng cầu mong những phép màu

Đang trò chuyện bỗng tiếng ồn ào phát ra phía bên kia phòng điều trị, một kíp y, bác sĩ vội vã cấp cứu cho một trẻ bị viêm phổi nặng. Một bác sĩ đè chặt hai tay từng nhịp trên ngực bệnh nhi, miệng lẩm bẩm “Cố lên nào!”... “Cố lên!”. Không khí làm việc nhanh đến mức ngạt thở, tưởng như chỉ chậm một phút thôi, tính mạng của bệnh nhi sẽ không thể giữ được. "Tôi ở lâu trong khoa cũng đã quen với cảnh này. Có bệnh nhi sáng vào còn tươi tỉnh, chiều đã mất. Ở đây, lằn ranh giữa sự sống và cái chết mỏng manh lắm, mỏng manh đến đáng sợ", anh Hải cảm thán.

Khoa Hồi sức cấp cứu tập trung các bệnh nhi nặng nhất của bệnh viện, không cho người nhà vào thăm. Phòng điều trị của con trai anh duy nhất khi có người thân chăm sóc 24/24h. Gần 5 năm ở đó, anh Hải đã chứng kiến rất nhiều điều. Anh thấy, những đêm trắng miệt mài chăm sóc bệnh nhân của các y, bác sĩ; anh thấy, vị trưởng khoa ngày nào đi thăm bệnh cũng động viên bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cố gắng, giữ gìn sức khỏe trong khi chính anh lại lả đi vì đói và mệt... Anh Hải tâm sự, bản thân không nghĩ công việc của các y, bác sĩ cường độ lớn và vất vả như vậy. Và cũng không tưởng tượng nổi, họ lấy đâu ra năng lượng để làm việc, tinh thần để chứng kiến và vượt qua hết bao nhiêu mất mát trong phòng bệnh này.

Căn bệnh teo cơ tủy khiến chân tay của Doanh mềm nhũn, không có khả năng vận động.

Căn bệnh teo cơ tủy khiến chân tay của Doanh mềm nhũn, không có khả năng vận động.

Hôm rồi, điều dưỡng trưởng Trần Thị Huệ, kể cho anh Hải nghe câu chuyện về bệnh nhi bị ngạt khí, rồi rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp nặng, nằm mê man thở máy suốt mấy tháng trời, ngay lúc người nhà chuẩn bị ký vào đơn xin cho về thì bệnh nhân tỉnh lại. Khi ra viện, bố mẹ bệnh nhân đã đến nắm tay, xin nhận bác sĩ điều trị làm bố nuôi. Anh Hải mỉm cười, lại có thêm chút hy vọng.

Mỗi ngày một câu chuyện, các y, bác sĩ cứ rủ rỉ gieo vào lòng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân những niềm hy vọng như thế. Nhỏ thôi! Nhưng đó là thứ ánh sáng chưa bao giờ bị dập tắt, là điều nuôi dưỡng và thúc đẩy cả các y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu và bệnh nhân nặng như con trai anh Hải cùng nhau chiến đấu đến giây phút cuối cùng.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuyen-nhat-o-khoa-hoi-suc-cap-cuu-benh-vien-nhi-thanh-hoa-246601.htm