Chuyện những chiến sĩ tham gia giải phóng miền Nam

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30-4-1975 nhưng ký ức về giây phút trọng đại của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm 2 cựu chiến binh (CCB) ở thị trấn Đak Pơ (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) là ông Phạm Cao Đường (SN 1954, tổ 4) và Đoàn Đồng Khởi (SN 1952, tổ 2).

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), từ ngày 14 đến 16-4, Sở Nội vụ tổ chức cho đoàn CCB trực tiếp tham gia giải phóng miền Nam hiện sinh sống trên địa bàn tỉnh tham quan tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, huyện Đak Pơ có 2 CCB gồm: Phạm Cao Đường và Đoàn Đồng Khởi.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Phạm Cao Đường cho biết: Ông quê ở xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Năm 1972, ông viết đơn tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Ban đầu, ông Đường học lái xe tại Đội huấn luyện lái xe Quân khu Tả Ngạn (tỉnh Hải Dương). Kết thúc khóa học 6 tháng, ông đạt loại giỏi và được giữ lại làm trợ giáo.

Năm 1973, ông Đường nhận lệnh hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn Ô tô vận tải 827 thuộc Phòng Hậu cần, Mặt trận Tây Nguyên. Khi đó, đơn vị đóng quân ở khu vực thung lũng Cheo Reo. Tại đây, ông tiếp tục theo học lái xe đặc chủng của quân đội.

Từ năm 1973 đến 1975, ông Đường cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại Nha Trang, Buôn Ma Thuột và Pleiku. “Những trận đánh quan trọng của Tiểu đoàn Ô tô vận tải 827 cùng các đơn vị quân chủ lực của ta đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành thắng lợi trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở đường cho đại thắng mùa xuân 1975”-ông Đường tự hào kể.

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 4-1975, đơn vị của ông Đường nhận lệnh vận chuyển vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh và tham gia đánh căn cứ Đồng Dù (Củ Chi). Xác định trận đánh này sẽ rất quyết liệt, quân địch không dễ dàng hạ súng đầu hàng mà chống cự đến cùng nên đơn vị cố gắng cao độ cùng các cánh quân, lực lượng tại chỗ tổng tiến công, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở phía Tây Bắc Sài Gòn.

 Ông Phạm Cao Đường (tổ 4, thị trấn Đak Pơ) xem lại những bức ảnh chụp trong thời gian tham gia giải phóng miền Nam. Ảnh: N.M

Ông Phạm Cao Đường (tổ 4, thị trấn Đak Pơ) xem lại những bức ảnh chụp trong thời gian tham gia giải phóng miền Nam. Ảnh: N.M

“Ngày 30-4, Tiểu đoàn Ô tô vận tải 827 hòa cùng với các đơn vị quân chủ lực của ta tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn-Gia Định. Trên đường đi, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng đạn pháo xa xa mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào của Mỹ-ngụy. Nhân dân đổ ra đường hân hoan chào đón đoàn quân giải phóng, không khí vui tươi, phấn khởi ngập tràn. 3 ngày sau, đơn vị chúng tôi được vào tham quan Dinh Độc Lập”-ông Đường bộc bạch.

Nhắc nhớ những ngày tháng ở chiến trường miền Nam, ông Đoàn Đồng Khởi kể: Ông sinh ra và lớn lên ở xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tiếp bước người anh cả, năm 1970, ông viết đơn tình nguyện lên đường đánh giặc. Ông và nhiều chàng trai miền Bắc tuổi đôi mươi hành quân thẳng tiến vào miền Đông Nam Bộ và được biên chế vào Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5.

Sau khi huấn luyện, ông Khởi cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Những ngày tháng Tư lịch sử, đơn vị của ông nhận lệnh cấp trên phối hợp tác chiến với các đơn vị của Sư đoàn 5 tiến công theo hướng Tây Nam Sài Gòn giải phóng thị xã Tân An và đánh chặn quốc lộ 4 không cho địch rút về Cần Thơ, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

 Ông Đoàn Đồng Khởi (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) kể cho người thân nghe về những ngày tham gia giải phóng miền Nam. Ảnh: N.M

Ông Đoàn Đồng Khởi (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) kể cho người thân nghe về những ngày tham gia giải phóng miền Nam. Ảnh: N.M

Tham gia các trận chiến, ông Khởi chứng kiến nhiều đồng đội của mình anh dũng hy sinh dưới đạn bom của kẻ thù, riêng ông nhiều lần đứng giữa lằn ranh sinh tử nhưng đều may mắn vượt qua. Tuy vậy, mỗi khi trái gió trở trời, toàn thân ông đau nhức bởi di chứng của chiến tranh. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, năm 1996, ông Khởi được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất.

Năm 1976, ông Khởi xuất ngũ trở về quê. Do làm ăn khó khăn, năm 1977, ông chuyển vào xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) công tác và học lớp trung cấp thú y. Từ năm 1980, ông làm việc ở Nông trường Hà Tam (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ). Ở cương vị công tác nào, ông Khởi cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1993, Nông trường Hà Tam giải thể, ông Khởi lui về dồn lực trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, gia đình ông có hơn 10 ha mía và bạch đàn.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Khởi luôn tiên phong, gương mẫu trong đóng góp kinh phí cho các hoạt động của địa phương như hỗ trợ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn, lắp đèn đường. Ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho nhiều hội viên CCB.

“Cảm thông với những đồng đội kém may mắn, tôi chủ động đóng góp hơn 40 triệu đồng vào quỹ hỗ trợ CCB của Chi hội CCB tổ 2. Nguồn quỹ này giúp nhiều hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn không tính lãi có thêm nguồn kinh phí đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”-ông Khởi thổ lộ.

 Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động của Hội, ông Phạm Cao Đường (tổ 4, thị trấn Đak Pơ) còn chịu khó lao động, sản xuất giỏi. Ảnh: N.M

Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động của Hội, ông Phạm Cao Đường (tổ 4, thị trấn Đak Pơ) còn chịu khó lao động, sản xuất giỏi. Ảnh: N.M

Cuối năm 1975, ông Đường xuất ngũ trở về quê và làm việc tại Nông trường Cói Thái Bình. Năm 1984, gia đình ông chuyển vào Tây Nguyên lập nghiệp. Trên quê hương thứ 2, vợ chồng ông làm công nhân tại Nông trường Hà Tam. Khi công việc, cuộc sống bắt đầu ổn định thì Nông trường giải thể. Ông Đường chuyển về xã An Thành công tác. Với bản tính cần cù chịu khó, ông bà tập trung tăng gia sản xuất. Tích góp dần dần, vợ chồng ông mua hơn 10 ha đất để sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, ông Đường còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội CCB, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi. Hiện ông Đường là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố 4. Với những đóng góp của mình, ông Đường được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân-huy chương; được tặng giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2012-2014. Hội CCB huyện tặng giấy khen đã có nhiều đóng góp trong hoạt động xây dựng Hội năm 2022.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Thanh Định-Chủ tịch Hội CCB huyện Đak Pơ-nhận xét: “Những năm qua, CCB Phạm Cao Đường và Đoàn Đồng Khởi luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; là tấm gương điển hình trong sản xuất, làm kinh tế giỏi của địa phương. Các ông còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội và địa phương phát động”.

NGỌC MINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-nhung-chien-si-tham-gia-giai-phong-mien-nam-post320905.html