Chuyện ở tiệm giặt ủi không lời

Ở tiệm giặt ủi Sáng (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa), nhân viên không nói chuyện với khách dù chỉ một từ. Tất cả thông tin, từ bảng giá, phương thức thanh toán… đều được niêm yết bằng những bảng thông tin. Đáp lại khách là sự vui tươi, nụ cười tỏa nắng của nhân viên, bởi đây là tiệm giặt ủi của những người điếc.

Chị Nguyễn Đặng Hồng Nhi, nhân viên tiệm giặt ủi Sáng cân số hàng cần vệ sinh ngay tại quầy để khách giám sát. Ảnh: S.THAO

Chị Nguyễn Đặng Hồng Nhi, nhân viên tiệm giặt ủi Sáng cân số hàng cần vệ sinh ngay tại quầy để khách giám sát. Ảnh: S.THAO

Cơ sở này do chị Lương Thị Kiều Thúy sáng lập, hiện là nơi làm việc của 4 người khiếm thính đến từ các địa phương trong tỉnh. Bản thân chị Thúy cũng khiếm thính. Chị thường xuyên đi lại giữa TP.HCM và Đồng Nai để dạy nghề cho nhân viên.

* Không chỉ là việc làm

Nằm trên đường Thân Nhân Trung (P.Hố Nai), tiệm giặt ủi có không gian khá rộng, được bài trí ngăn nắp. Cơ sở hoạt động từ tháng 8-2023. Tất cả lao động đều sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của người điếc trong sinh hoạt nội bộ cũng như giao tiếp với khách hàng.

Môi trường làm việc trước tiên tạo cho mỗi người sự tự tin vì được sống, làm việc với cộng đồng nhỏ sử dụng ngôn ngữ giống mình. Thêm vào đó, khi được tiếp xúc với khách hàng là một lần mỗi cá nhân được hòa nhập với xã hội thay vì hạn chế giao tiếp với xung quanh như trước đây.

Chị LƯƠNG THỊ KIỀU THÚY, người sáng lập và điều hành chuỗi cơ sở giặt ủi cho người điếc chia sẻ: “Dự án việc làm cho người điếc sẽ không dừng lại ở 5 cơ sở. Tôi mong rằng, với nỗ lực của mỗi nhân viên, sự cố gắng của bản thân cùng sự may mắn, sẽ có thêm nhiều cơ sở được mở ra để người điếc có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng”.

Chị Nguyễn Đặng Hồng Nhi (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, chị làm việc vào ca sáng từ 7 giờ 30 đến 15 giờ 30. Riêng ngày làm ca chiều thì giờ làm việc của nhân viên từ 12 giờ 30 đến 20 giờ 30. Thích công việc và trách nhiệm với nơi mình làm, chị Nhi luôn cố gắng làm việc nhà thật sớm rồi đến chỗ làm đúng giờ.

Thông qua người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, chị Nhi cho biết thêm, gia đình chị có hoàn cảnh rất khó khăn. Do vậy, chị muốn tìm công việc để có thu nhập giúp cha mẹ trong cuộc sống. Khi được nhận vào đây làm việc, chị luôn cố gắng học hỏi thật nhanh để bắt kịp với công việc.

Không chỉ tạo việc làm cho những người khiếm thính, chị Kiều Thúy còn bố trí chỗ ở miễn phí cho lao động ở xa. Hiện có 1 nhân viên nhà tại H.Vĩnh Cửu được ở ngay tại nơi làm việc để tập trung vào học nghề và làm việc.

Bảng thông tin ở tiệm giặt ủi Sáng

Bảng thông tin ở tiệm giặt ủi Sáng

Anh Trần Viết Trung Anh (ngụ H.Vĩnh Cửu) cho biết: “Mới đầu, tôi cũng lo lắm vì ngại không biết mình hướng dẫn bằng tay cho khách xem thông tin thì người ta có hiểu không. Phần nữa là sợ mọi người có ánh mắt dò xét. Nhưng sau thời gian làm việc, tôi thấy thật vui khi khách đều tôn trọng và có phần ưu ái nhân viên ở tiệm”.

* Tâm huyết của cô gái trẻ

Ngoài tiệm giặt ủi tại TP.Biên Hòa, chị Lương Thị Kiều Thúy còn sáng lập và điều hành hoạt động của 4 cơ sở tương tự tại TP.Hà Nội và TP.HCM.

Chị Kiều Thúy cho hay, hiện 5 cơ sở chị lập ra là nơi làm việc của 20 người điếc. Thu nhập mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng/người, ngoài ra còn có chế độ thưởng vào các dịp lễ, Tết. Khi bắt tay thực hiện dự án tạo việc làm này vào năm 2019, chị được nhiều tổ chức xã hội, tổ chức người khuyết tật quan tâm và hỗ trợ.

Chị Kiều Thúy luôn tâm niệm “người khuyết tật là người có khả năng đặc biệt khác” cộng thêm sự ủng hộ của cộng đồng khi chị thực hiện dự án việc làm cho người điếc nên tiệm được nhiều người biết đến và lựa chọn trải nghiệm dịch vụ. Qua gần 4 năm, đã có 5 cửa hàng được mở ra.

Nhân viên tiệm giặt ủi Sáng dùng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính trao đổi thông tin trong công việc

Nhân viên tiệm giặt ủi Sáng dùng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính trao đổi thông tin trong công việc

Tuy nhiên, theo chị Kiều Thúy, hoạt động của dự án việc làm này không đánh vào sự cảm thông của khách hàng mà là chất lượng dịch vụ. Đây được xem là hướng đi và yếu tố quyết định trong hoạt động của mỗi cửa hàng. Vậy nên, mỗi khi lao động mới tại Đồng Nai được tuyển sẽ phải trải qua thời gian đào tạo nghề tại TP.HCM. Tiếp đó, họ được nhận vào học việc tại nơi xét tuyển.

Trong quá trình lao động, những nhân viên chính thức giao công việc dần dần cho những người thử việc và nhận trách nhiệm giám sát quá trình làm việc, kiểm tra lại sản phẩm trước khi giao cho khách. Điều này nhằm đảm bảo quần áo, mùng mền, giày dép được làm sạch ở mức cao nhất, góp phần giữ khách đến với tiệm trong lần sau. Hơn nữa, đây cũng là cách để chị Kiều Thúy tập cho nhân viên thói quen kỹ lưỡng, vì đây là nghề cần sự tỉ mỉ, sạch sẽ.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202310/chuyen-o-tiem-giat-ui-khong-loi-5100087/