Chuyển quyết tâm thành hành động

Theo UBND thành phố Hà Nội, 9 tháng năm 2022, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 288 vụ cháy, làm 20 người tử vong, 10 người bị thương. Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm 2021, đã tăng 5 vụ cháy và tăng 9 người tử vong.

Từ thực tế này, cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt để ngăn “giặc lửa”, đặc biệt với lĩnh vực quản lý dịch vụ karaoke. Trong đó, từ đầu tháng 9-2022 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố, Công an thành phố đã kiểm tra 100% cơ sở kinh doanh karaoke, xử phạt 291 trường hợp với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng, thu hồi 19 giấy phép kinh doanh. Đến nay, số cơ sở bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy là 315 (chiếm 21%); 194 cơ sở đóng cửa, dừng hoạt động kinh doanh; 336 cơ sở đã bị đình chỉ, 176 cơ sở bị tạm đình chỉ, 428 cơ sở đã kiến nghị và yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục tồn tại… Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát những cơ sở bị yêu cầu dừng hoạt động cũng thể hiện sự sát sao, quyết liệt khi nhiều địa phương dựng hàng rào barie trước cửa cơ sở kinh doanh karaoke hoặc gắn biển thông báo, đề nghị người dân không sử dụng dịch vụ...

Tuy nhiên, còn không ít yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác phòng cháy, chữa cháy. Ví như, toàn thành phố còn thiếu gần 6.900 trụ nước chữa cháy, 343 bể nước chữa cháy. Một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là cấp xã chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; chưa giám sát quyết định đình chỉ hoạt động và thường thoái thác cho lực lượng công an.

Trước tình hình trên, chiều 28-9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý III-2022 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung về tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ. Trước đó, ngày 27-9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Trước mắt, tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, khu chung cư, tập thể cũ... trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Thông điệp rõ ràng của lãnh đạo thành phố đưa ra là phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy. Công việc này cần làm thực chất, không “đánh trống, bỏ dùi”.

Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp với Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội chủ trì, nghiên cứu đề xuất quản lý, sử dụng điện an toàn sau công tơ (nguyên nhân gây ra khoảng 70% vụ cháy) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình. Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, tính toán quy hoạch phát triển ngành nghề kinh doanh karaoke, bar, vũ trường theo hướng an toàn, bền vững và phải có biện pháp quản lý chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, cần thực hiện tốt chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là lĩnh vực nào, ngành nào, địa phương nào để tồn tại nhiều công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, để xảy ra các vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng phải xem xét, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định.

Chỉ khi những quyết tâm chính trị trở thành hành động cụ thể thì công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mới đạt hiệu quả cao, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thế Đan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1043439/chuyen-quyet-tam-thanh-hanh-dong