Chuyện sinh viên ra trường đúng mùa dịch: Chật vật tìm công việc mới, nan giải đối mặt cảnh cắt lương - giảm nhân sự

Hậu mùa dịch, có một lớp sinh viên chuẩn bị ra trường và phải đối mặt với bài toán nan giải cắt lương - giảm nhân sự. Họ cảm thấy như thế nào trước thị trường công việc đang biến động đầy khó khăn?

Nửa đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới chứng kiến một nền kinh tế ảm đảm khi mọi ngành nghề đều ngưng trệ, công ty cắt giảm lương hay thậm chí sa thải nhân viên. Ngay cả khi nền kinh tế tái khởi động thì thiệt hại mà các doanh nghiệp và thị trường gánh chịu còn kéo dài trong bối cảnh tỷ lệ nợ toàn cầu tăng cao kỷ lục.

Nhiều chuyên gia đánh giá, thế hệ cảm nhận rõ nhất hệ quả của quá trình suy thoái kinh tế chính là gen Z - thế hệ có những sinh viên sắp tốt nghiệp trong năm nay. Chỉ còn vài tháng nữa là các bạn ấy sẽ làm xong khóa luận, cầm bằng đỏ trên tay và tung tăng vẫy vùng trong thị trường lao động đầy thách thức. Vậy mà dịch Covid-19 đã giáng một đòn thật mạnh, mà cũng nhanh hơn cả khi những dự định cá nhân thành hình.

Đứng trước thời điểm hàng loạt ngành nghề tái ổn định lại, cùng lắng nghe chia sẻ từ chính những bạn sinh viên năm cuối để biết họ đang đối diện với tương lai bấp bênh như thế nào nhé!

Sinh viên năm cuối lao đao tìm công ty mới, tìm nơi thực tập

Theo ghi nhận của Business Insider, hàng triệu người thuộc thế hệ đầu tiên của gen Z đã phải bỏ lỡ cuộc phỏng vấn xin việc, bị hủy kỳ thực tập sau khi chính sách "cách ly xã hội" được ban hành. Và nhiều hơn trong số đó, cũng đã chịu cảnh khó xin việc khi hàng loạt công ty ra chính sách cắt nhân sự, giảm tiền lương.

Mai Anh là sinh viên mới tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch. Cô bạn chia sẻ dự định sau Tết sẽ apply một loạt công ty và đi phỏng vấn các bên đã nhận hồ sơ thành công. Ấy vậy mà dịch kéo đến khiến mọi dự định đều dang dở khi các công ty đồng loạt hủy phỏng vấn hoặc chỉ chấp nhận chi trả mức lương thấp hơn dự kiến.

"Mình có appy một số công ty nhưng nơi thì hủy phỏng vấn, nơi lại đưa ra chính sách cắt giảm lương rõ rệt. Một vài người bạn của mình mới tốt nghiệp cũng rơi vào cảnh tương tự. Có bạn đã thực tập ở một công ty được 2 năm với lời hứa lên chính thức nhưng khi dịch đến, công ty họ phá sản nên cũng phải buộc quay đi làm chỗ khác".

Đức Tôn (sinh viên năm cuối ngành Quan hệ Công chúng) đã hoàn thành việc học và đang chờ lấy bằng. Trước đó, cậu bạn làm việc cho một công ty tổ chức sự kiện ở TP.HCM tuy nhiên khi đại dịch ập đến đã khiến bao dự định bị dang dở. Hậu Covid-19, vì sự kiện là một ngành đặc thù nên đến nay dù các lĩnh vực khác đã bắt đầu trở lại thì Đức Tôn vẫn chưa thể tiếp tục thực hiện các dự định đã lên trước đó.

"Trước khi có dịch Covid-19 thì mình có rất nhiều dự định như học thêm Anh Văn để phát triển công việc. Còn trong công việc thì cũng có nhiều chương trình đã lên kế hoạch chuẩn bị triển khai nhưng do ảnh hưởng của mùa dịch nên đã delay vô thời hạn. Sau dịch, mình cảm thấy khá hoang mang trong việc dự định đi tìm công việc mới và thấy tụt mood vì thời gian nghỉ quá lâu".

Đức Tôn (sinh viên năm cuối ngành Quan hệ Công chúng).

Đức Tôn (sinh viên năm cuối ngành Quan hệ Công chúng).

Thực tế, nhóm đối tượng sinh viên khó xin việc thường là lao động nằm trong ngành Bán lẻ hoặc Du lịch - Khách sạn, những ngành nghề chịu ảnh hưởng quá nhiều vì dịch bệnh. Với những ai may mắn kiếm được công việc thì sẽ chứng kiến mọi thứ - công việc, giảng dạy, thực tập... chuyển sang hình thức mới và tất nhiên điều không thể thiếu là cảnh cắt lương, giảm nhân sự.

Không chỉ sinh viên năm cuối đã hoàn thành việc học mà sinh viên chuẩn bị cho kỳ thực tập cũng gặp không ít chuyện điêu đứng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, không có nguồn hàng để sản xuất nên hạn chế nhận sinh viên thực tập. Với doanh nghiệp lớn không bị tác động nhiều vẫn nhận sinh viên thực tập tuy nhiên số lượng ít đi là điều không thể tránh khỏi.

Khương Duy (sinh viên năm cuối chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế) chia sẻ: "Mặc dù đúng là việc tuyển dụng nhân sự đang dần ổn định nhưng chủ yếu các công ty tập trung tuyển nhân viên chính thức hoặc tranine thử việc, còn thực tập sinh bọn mình khá ít ỏi. Mình đã gửi CV tầm 5-6 công ty gì đó nhưng cơ bản vẫn chưa đi thực tập được. Hiện tại sinh viên năm cuối bọn mình đều rơi vào thế bị động".

Không phải mình bạn khó khăn, nên đừng tự ủ dột tinh thần!

Bên cạnh những lo ngại hiện hữu về một mùa tuyển dụng ảm đạm cho sinh viên năm cuối, vẫn còn đó nhiều bạn trẻ giữ thái độ lạc quan khi cho rằng thị trường lao động chỉ đang đi chậm lại những vẫn còn đó nhiều cơ hội, chẳng lẽ lại tốn thời gian ngồi ủ dột một chỗ. Thay vì sốt sắng, họ vẫn vừa rải CV vừa tranh thủ học thêm một số kỹ năng mới.

Cậu bạn Khương Duy cho biết: "Hiện tại bọn mình hầu như rơi vào thế bị động rồi. Thay vì bực tức hay oán trách tại sao mấy công ty không tuyển thực tập sinh thì vẫn nên tự hoàn thiện các vấn đề khác. Năm cuối vẫn còn nhiều môn phải học. Ngoài ra mình nghĩ nhiều bạn vẫn chưa có chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn nên tranh thủ thời gian thất nghiệp này luyện đề thi và chuẩn bị thi thôi".

Khương Duy (sinh viên ngành Kinh doanh Kinh tế Quốc tế) cho biết sẽ tập trung học thêm nhiều kỹ năng bên cạnh việc rải thêm CV.

Khương Duy (sinh viên ngành Kinh doanh Kinh tế Quốc tế) cho biết sẽ tập trung học thêm nhiều kỹ năng bên cạnh việc rải thêm CV.

Bạn Mai Anh (sinh viên năm cuối ngành Tổ chức Sự kiện) hiểu hơn bao giờ hết cơ hội việc làm của ngành ở thời điểm hiện tại gần như chạm ngưỡng con số 0 tròn trĩnh. Dù tìm việc khó nhưng Mai Anh hiểu đây là khó khăn chung bạn trẻ nào cũng phải đối mặt. Thay vì ngồi một chỗ, cô bạn sẽ dành thời gian xem lại các kỹ năng mình còn thiếu và tranh thủ bù đắp thêm.

"Hậu mùa dịch, ngành sự kiện của mình vẫn còn chậm lại do đặc thù ngành nên đòi hỏi bản thân mình phải thực sự chủ động nếu muốn tìm kiếm việc làm. Mình có thể tự quảng cáo bản thân trên các nhóm cộng đồng, nhắn tin hoặc rải CV với HR trên LinkedIn hoặc tìm tòi hướng đi mới. Sẽ chậm đấy nên đòi hỏi bạn phải thật kiên trì, không ngần ngại tìm và đặt câu hỏi".

Nếu thất nghiệp, sinh viên năm cuối cần làm gì?

Thực tế, tốt nghiệp trong mùa dịch là sự thiệt thòi rất lớn đối với thế hệ gen Z. Một nghiên cứu từ ĐH Stanford vào tháng 4/2019 chỉ ra rằng, những sinh viên tốt nghiệp và bắt đầu sự nghiệp sau kỳ suy thoái kinh tế sẽ phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao, mức lương khởi điểm thấp cùng cơ hội thăng tiến bị đình trệ. Tốc độ "làm giàu" của họ cũng sẽ chậm lại, ít nhất từ 10-15 năm.

Với đại dịch Covid-19 lần này, sinh viên năm cuối cũng đang dần cảm nhận được điều đó.

Tuy nhiên khi buộc phải rơi vào cơ chế sinh tồn, tất cả chúng ta đều cần phải trau dồi kỹ năng trong lĩnh vực của mình, biến nó trở nên linh hoạt, dễ thích ứng và có khả năng phục hồi tốt hơn. Dĩ nhiên đây là những thứ không dễ dạy và cũng không dễ học nhưng chắc chắn đó là thứ mà nhà tuyển dụng trong tương lai ưu tiên.

Bên cạnh đó, đừng quên giữ liên lạc với các nhà tuyển dụng từng quen biết và đầu tư cho các mối quan hệ. Trong khi chới với giữa các sự lựa chọn mới thì việc kiếm lấy cơ hội từ những nhà tuyển dụng thân quen sẽ giúp bạn bớt đi phần nào khó khăn. Bạn có thể xem xét các cơ hội công ty họ đưa ra thời hậu Covid-19 hoặc thông quan list bạn bè của họ để được giới thiệu đến những công ty khác.

Điều cuối cùng, hãy "tận hưởng" quãng thời gian này và đừng quên cải thiện CV. Có thể ngành bạn khó xin việc, có thể sau khi ra trường sẽ thất nghiệp vài tháng đầu nhưng hãy bình tĩnh, vì đây là khó khăn chung.

Thay vì gửi đơn tràn lan như trước vào các công ty, giờ bạn có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm và dồn sức chăm chút cho CV bằng cách đầu tư cho chính mình. Đầu tư cho bản thân không bao giờ chịu thua thiệt nên hãy hãy xem kỹ bản thân thiếu gì để có được một bộ hồ sơ hoàn chỉnh nhất.

Vân Trang - Design: Minh Trang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chuyen-sinh-vien-ra-truong-dung-mua-dich-chat-vat-tim-cong-viec-moi-nan-giai-doi-mat-canh-cat-luong-giam-nhan-su-220201650152606.htm