Chuyện vào vùng cấm ở Kenya

Hảo Phạm Fiori lấy chồng người Italy. Cô tới châu Phi khi chồng tham gia tổ chức Bác sĩ không biên giới. Đời sống, văn hóa ở lục địa đen khiến ta ngỡ ngàng qua ngòi bút của Hảo Phạm Fiori. Nairobi (thủ đô của Kenya) có nhiều khu ổ chuột nằm rải rác khắp nơi trong thành phố. Những nơi này thường được đánh dấu đỏ, người đến công tác không nên đặt chân đến.

Khu vực nào được khoanh bằng mực đỏ có nghĩa là tôi cũng như tất cả nhân viên của tổ chức và gia đình họ sẽ không được bén mảng đến. Tôi có thể đến những nơi được khoanh vùng màu đen, với điều kiện đi lúc trời sáng và sử dụng một hãng taxi được chỉ định sẵn.

Nói vậy để người đọc có thể hình dung các quy tắc về an toàn của tổ chức đối với thành viên đang làm việc tại đây. Những nhân viên vi phạm nội quy sẽ nhận các hình thức phạt từ cảnh cáo đến buộc thôi việc.

Bản đồ khoanh vùng đỏ, đen

Trong trường hợp của mình, nếu tôi vi phạm các nội quy này, chồng sẽ phải chịu trách nhiệm và hậu quả có thể nghiêm trọng.

Vì quá tò mò và cũng vì rất thích chợ trời địa phương nên thỉnh thoảng tôi lại… quên mất quy tắc. Thường thì tôi không nói cho chồng biết và hay đi với một hai người bạn cho an toàn, nhưng anh luôn phát hiện ra vì tôi chẳng bao giờ giấu được vẻ mặt hân hoan mỗi khi thu hoạch được cả đống đồ về nhà.

Những thứ mà tôi thích mê là rau quả tươi hoặc quần áo cũ. Chồng tôi luôn cằn nhằn rằng anh có thể sẽ bị khiển trách nếu có người báo cáo lên cấp trên, ấy thế mà căn bệnh tò mò và đôi chân không biết nghe lời lại ít khi buông tha cho tôi.

Một hôm, tôi lại quên quy định khi chị bạn thân rủ đi mua quần áo. Lần này, chúng tôi đến khu chợ lớn tên là Toi market nằm sát khu ổ chuột không quá xa chỗ tôi ở. Chợ này bán đủ thứ: Từ quần áo, giày dép đến rau củ, sách ảnh cả cũ lẫn mới.

Quần áo đã qua sử dụng hoặc hết mốt không tiêu thụ hết ở các nước giàu có như Âu Mỹ được đưa sang châu Phi để làm hàng viện trợ. Song, thay vì được chuyển đến các làng quê nghèo hay những dự án cứu trợ, chúng được các tay buôn mua lại với giá thấp rồi chuyển về chợ bán lẻ, kiểu như mốt bán đồ “sida” ở chợ Kim Liên đôi thập kỷ trước.

Quần áo ở đây chất lượng tốt và giá rất rẻ, nhiều khi tôi kiếm được cả những món đồ mới toanh vẫn còn mác với giá bán chỉ bằng 1/20 giá ghi trên nhãn. Đồ cho trẻ em thì nhiều vô kể, dành cho mùa nào cũng có mà giá chỉ từ 10 đến 20 xu mỗi chiếc với chất lượng rất tốt nên tôi rất thích đến đây.

Sau khi mải mê oanh tạc khắp chợ và sắm được vài chiếc quần jeans ưng ý, chúng tôi vào một cửa hàng may đo để cắt gấu cho những chiếc jeans mới mua.

Gọi cửa hàng nghe có vẻ oai chứ thực ra đó chỉ là cái hốc vừa đủ để đặt một cái bàn may và ba người đứng, xung quanh được che chắn bằng mấy tấm vải nhựa.

Chị thợ may trẻ cỡ 25 tuổi thấy có khách đến thì đặt đứa con xuống tấm nylon cũ mèm đang trải dưới đất. Cậu bé đã 10 tháng tuổi rồi mà bé tí như cái kẹo, nó ngoan ngoãn ngồi lê la chơi mãi mà chẳng thấy kêu ca phản đối gì.

[...] Té ra chỉ có mấy mảnh vải vụn của mẹ mà nó cứ ngắm nghía hết mặt này đến mặt kia và chơi một cách rất say sưa.

Có cái gì loạt xoạt dưới chân bàn máy khâu, tôi ré lên một tiếng kinh hãi: Thì ra là một con chuột nhắt bé bằng ngón tay. Nó cứ chạy qua chạy lại bên chân thằng bé mà chẳng có vẻ sợ hãi gì, có lẽ thằng bé là bạn của nó.

Tôi leo tót lên bàn, chẳng dám thò chân xuống đất vì tôi vốn ghét chuột! Trên đời này, không có thứ gì khiến tôi hãi hùng hơn là chuột.

Quay lại chuyện đang kể: Phải đến 20 phút, chị thợ may vẫn chưa làm xong. Đợi mẹ lâu quá nên thằng bé tỏ ý phản đối, thế là tôi bế nó lên. Trời ơi, đã 10 tháng tuổi rồi mà nó nhẹ quá, dù đang mặc trên người mấy lớp áo dày.

Thằng bé đói nên bắt đầu khóc, mẹ nó buộc phải ngừng việc để cho con bú. Được một lúc, chị đặt thằng bé lên phía sau lưng rồi lấy tấm vải buộc chặt nó vào lưng, thế là cu cậu ngủ luôn.

Sao bé con ăn và ngủ dễ thế nhỉ? Có lẽ thằng bé biết thân biết phận nên rất ngoan để mẹ đỡ vất vả hơn. Tôi nghĩ thầm.

 Sách Chuyện lạ Phi châu. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Sách Chuyện lạ Phi châu. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Chuyện đi vệ sinh công cộng

Vì chị thợ may làm rất chậm nên tôi có thời gian ngồi ngắm quang cảnh xung quanh: Các “gian hàng” quanh đấy đều xập xệ như thế. Quầy băng đĩa ngay sát vách đang mở nhạc disco ầm ĩ, thế mà thằng bé con chị thợ may vẫn ngủ say sưa trong sọt. Mẹ nó phủ lên trên cái “nôi” của con một tấm vải cho khỏi muỗi.

Một người vô gia cư sà đến chỗ gom rau củ hỏng và đồ ăn thừa, anh ta hồn nhiên bốc những thứ gì trông như cám trong đống rác rồi cho vào miệng ăn ngon lành.

Cạnh đó, cái rãnh thoát đang rỏ ra thứ nước thải có màu mà tôi không dám nhìn. Mary, chị giúp việc cho gia đình tôi sống ở Kibera - một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Phi.

Chị bảo khi muốn đi vệ sinh, người ta phải trả tiền để vào toilet công cộng, giá 5 xu. Nhưng vì không ai muốn tốn 5 xu nên người ta thường “giải quyết” vào bao nylon rồi sau đó… quăng lên mái nhà.

Vả lại, với mấy trăm nghìn con người sống ở những khu như vậy, ai cũng… quăng và quăng mãi thì cũng có lúc những bao này bị tuột và rơi xuống, thế là…

Chợt nhớ đến lời Mary đã kể, tôi rùng mình ngắm quanh “cửa hàng” xem có gì không để còn biết đường mà đặt chân. Thật may, hôm đó, trời nắng ráo nên nền đất có vẻ sạch. Tôi đã đề phòng trước bằng việc mang ủng cao su, té ra việc này lại thừa.

Đợi mãi, chị thợ may cũng xong việc, chúng tôi vội vã trả tiền rồi về nhà trước khi chồng phát hiện tôi đã lẻn đi.

Tôi sung sướng với mớ chiến lợi phẩm thu hoạch được sau nửa ngày “mua sắm” đã đời, đó là rất nhiều quần áo mùa đông cho mấy đứa nhỏ để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Giáng sinh tại Italy. Thật đúng là “chở củi về rừng”.

Có điều, toàn bộ số quần jeans mà chị “thợ may” sửa cho tôi đều… hỏng!

Hảo Phạm Fiori / NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-vao-vung-cam-o-kenya-post1133894.html