Chuyện về bức ảnh 'Nữ du kích Gia Hòa'

Bức ảnh 'Nữ du kích Gia Hòa' là tác phẩm của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Lê Minh Trường chụp năm 1972. Nhân vật trong ảnh là nữ du kích Lâm Hồng Đẹp hiện ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) với áo bà ba, khăn rằn quấn quanh trán, súng chắc trong tay... Bức ảnh đã được trưng bày triển lãm ở nhiều nơi. Chúng tôi đã có dịp về vùng đất thép Gia Hòa để hiểu thêm câu chuyện về đất và người nơi đây.

Chuyện phía sau bức ảnh

Đã ngoài 70 tuổi, nhưng cựu nữ du kích Lâm Hồng Đẹp vẫn giữ nguyên nét duyên thầm, giọng nói nhỏ nhẹ. Cầm bức ảnh trên tay, bà bồi hồi nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ, sống trong thời điểm đầy ác liệt trên chiến trường Gia Hòa. Bà Đẹp cho biết: "Bức ảnh này chụp lúc 18 tuổi. Thời điểm này đội nữ du kích có 5, 6 người. Chúng tôi được giao nhiệm vụ hậu cần, cứu thương cho lực lượng xã đội đi đánh đồn Kinh Ngay. Trên đường băng qua một cánh đồng, chúng tôi gặp các anh phóng viên đang tác nghiệp. Bản thân cũng không biết được nhiếp ảnh chụp lại, mãi sau ngày hòa bình thống nhất, chính quyền địa phương trưng bày ảnh ở Đình thần Nguyễn Trung Trực, tôi mới phát hiện ảnh của mình. Đợt chụp ảnh đó còn có những bức ảnh gồm cả đội du kích nữ Gia Hòa đang chuẩn bị hành quân và hội họp bàn kế hoạch công tác".

Cựu du kích Lâm Hồng Đẹp và ông Nguyễn Thanh Vân xem ảnh "Nữ du kích Gia Hòa". Ảnh: PHƯƠNG ANH

Cựu du kích Lâm Hồng Đẹp và ông Nguyễn Thanh Vân xem ảnh "Nữ du kích Gia Hòa". Ảnh: PHƯƠNG ANH

Không chỉ có hình ảnh về "Nữ du kích Gia Hòa" mà tại Đình thần Nguyễn Trung Trực (Gia Hòa 1) vẫn còn lưu giữ hàng trăm bức ảnh khác ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu hào hùng của quân và dân địa phương. Những bức ảnh đen trắng với đường nét ánh sáng và độ đậm nhạt khác nhau cho người xem hiểu thêm cuộc sống và con người trong kháng chiến. Gia Hòa hiện về một thời chiến tranh ác liệt nhưng hào hùng, sinh động qua những tấm ảnh chụp cảnh chống càn, chống phá bình định, ấp chiến lược, dựng làng chiến đấu, bám đất sản xuất, du kích công đồn, gài lựu đạn, hầm chông...

Trong số ấy, có hình ảnh một nam du kích đã tham gia đánh bứt rút bao vây đồn địch trên địa bàn xã Gia Hòa vào năm 1974. Đó là ông Nguyễn Thanh Vân - sau này là chồng bà Đẹp. "Bản thân thật sự xúc động bởi bức ảnh đã lưu giữ lại khoảnh khắc mà mãi mãi tôi không bao giờ quên được, đó là những tháng ngày thanh xuân cùng đồng đội, đồng chí xung phong tuyến lửa trên chính mảnh đất mình sinh ra. Trong nhiều bức ảnh, nhiều đồng đội của tôi năm xưa giờ đã mãi nằm xuống, có người là thương, bệnh binh, nhiều người đã không còn nữa" - ông Nguyễn Thanh Vân chia sẻ.

Trong kháng chiến, ông Vân - bà Đẹp là những du kích tiên phong sẵn sàng hiến dâng máu xương để đổi lấy hòa bình, khi trở về thời bình họ lại là những đảng viên đi đầu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng nhau nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình, tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hiện 3 người con của ông bà đều có việc làm ổn định, kinh tế gia đình cũng khấm khá từ buôn bán tạp hóa và trồng lúa - nuôi tôm. Gia đình bà Đẹp là một trong những hộ điển hình cùng địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới như hiến đất xây đường, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Đất thép nở hoa

Năm 1989, xã Gia Hòa chia tách thành 2 xã là Gia Hòa 1 và Gia Hòa 2. Đến nay, cả 2 xã đều phát triển, đổi thay tích cực. Gia Hòa 1 cũng là 1 trong 6 xã của huyện Mỹ Xuyên thực hiện mô hình luân canh “con tôm ôm cây lúa” hiệu quả. Đến nay, tôm - lúa ngày càng khẳng định đây là mô hình thuận thiên để phát triển kinh tế. Theo ông Nguyễn Thanh Vân, nuôi tôm theo mô hình thuận thiên, tôm lớn tự nhiên, không tốn nhiều chi phí thức ăn và nhẹ công chăm sóc, lại ít bệnh, thịt chắc và ngon ngọt. Sản xuất lúa thì hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc hóa học, bảo đảm sức khỏe cho nhà nông. Do là sản phẩm "sạch" cho nên tôm - lúa sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá ổn định ở mức cao. So với trước đây khi độc canh cây lúa, các hộ chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, cho năng suất tôm nuôi bình quân đạt khoảng 380 - 500kg/ha, giúp người dân tăng lợi nhuận lên gấp 2, 3 lần.

Bên cạnh phát triển về đời sống kinh tế thì diện mạo nông thôn Gia Hòa 1 ngày càng thêm khởi sắc. Năm 2018, địa phương được công nhận xã nông thôn mới cùng với đó hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nhiều tuyến đường láng nhựa được mở rộng, chạy dài để xe ôtô lưu thông về tận căn cứ xưa. Điện, nước, trường, trạm, cầu cống, hệ thống thủy lợi nội đồng đã hoàn chỉnh, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Gia Hòa 1 Lâm Hoàng Sơn cho biết: "Đảng bộ xã Gia Hòa 1 luôn chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ, nhờ đó đã tạo được đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Các mô hình sản xuất như 1 vụ lúa, 1 vụ tôm kết hợp với trồng cỏ trên bờ bao, mô hình nuôi bò lai Sind, nuôi dê, trồng màu dưới chân ruộng, nuôi gà thả vườn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Tính đến cuối năm 2022, hộ nghèo toàn xã chỉ còn 18 hộ, chiếm tỷ lệ 0,94%".

Về xã Gia Hòa 1, gặp lại những nhân chứng sống năm xưa, cùng nhớ lại những tháng ngày gian khó mà hào hùng, để càng tự hào về đất và người nơi đây. Đất thép Gia Hòa giờ đã nở hoa.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/chuyen-ve-buc-anh-nu-du-kich-gia-hoa-65241.html