Chuyến về của tình thương

Má tám mươi tám tuổi. Tóc má bạc trắng như mấy bà tiên trong truyện cổ tích. Gương mặt gầy gò, hai gò má nhô cao nhăn nheo đầy đồi mồi. Hàm răng còn có vài cái, hai dái tai chảy dài đeo lủng lẳng đôi bông mã não. Má gầy đét, khô khan như mấy cây bàng rụng trụi lá đứng giữa đồng. Má cười nụ cười hiền nhưng thiệt buồn. Giọng má khàn khàn chữ được chữ mất.

Tánh má lành như cục đất, lăn lông lốc đụng đâu cũng nằm im. Má biểu áo nâu sồng má mặc giống tính má, màu nào trộn vô cũng thành màu nâu đó con. Má là bà mẹ Việt Nam Anh hùng cuối cùng trong xã.

*

Vy làm điều dưỡng được hai năm, chân ướt chân ráo mới ra trường được điều thẳng về làm dưới xã. Vy xinh xắn, nhỏ người, nói năng nhỏ nhẹ, tay chân thoăn thoắt tháo vát. Tính cô nhẫn nhịn, tận tâm. Đi tới đâu người ta cũng có cảm tình hết trơn. Vy được cử đi làm điều dưỡng cho má. Hằng ngày, Vy lo ăn uống, vệ sinh, thuốc men cho má đúng giờ đúng giấc. Má hiền lắm, nên cô cũng không thấy có gì trở ngại. Chỉ duy nhất có một điều là má hay khóc quá. Mỗi lần má khóc, nhịp tim má lên cao, mặt đỏ gay, năn nỉ hoài không nín.

Dần dà, Vy đoán, cứ tới ngày kỷ niệm nào đó là má khóc. Thường sẽ rớt vô mấy ngày sinh nhật, ngày thương binh liệt sĩ báo đài ra rả tiếc thương, hay ngày đám giỗ của anh. Ngày má nhớ ra anh lần đầu tới trường, má cũng khóc. Ngày anh cầm súng, tòng quân, má nhớ ra má cũng khóc. Ngày anh gởi lá thư đầu tiên về, má cất kĩ trong hộp sữa bò, lấy ra đọc lại, má cũng khóc. Mấy chục năm rồi, sao má buồn hoài vậy má?

Bữa đó, dọn bàn thờ anh, Vy buột miệng hỏi, anh nằm đâu vậy má? Sao con hổng thấy má đi thăm? Vy hỏi đúng cái câu cấm kỵ. Má khóc như con nít, khóc như thể quên cách làm sao ngừng. Khóc tới sắp ngất luôn. Vy ân hận quá thể. Má nín rồi nằm quay mặt vô tường nấc rức rức, mà Vy vẫn còn ân hận. Thôi, để gọi lên xã, hỏi rõ đầu đuôi coi sao, anh nằm ở đâu?

Trên xã trả lời anh Kiệt nằm trên Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh chứ đâu em. Ngay dưới tượng đài, ngay giữa, chỗ trang trọng nhất luôn. Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Kiệt, bốn cái huân chương hạng nhất, bảy lần khen thưởng đặc biệt, lên báo đài tivi không biết bao nhiêu mà kể, em hỏi lạ vậy? Vy thắc mắc, ủa vậy sao mà má không đi thăm anh bao giờ? Anh có chắc chưa? Hỏi vậy nên Vy bị anh Chín la một trận té tát là hỏi dần lân. Làm sao ổng biết được lý do má không ra nghĩa trang. Em gọi qua bên K93 hỏi coi, bên đó người ta quản lý vụ đó đó.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Vy càng tìm càng tò mò, rồi nhìn vô má ngồi chèo queo quạnh hiu trên võng, Vy càng thương. Cô ráng gọi lên K93, hỏi tung tích anh. Tới đây, cô mới vỡ lẽ, ngôi mộ khang trang ở Nghĩa Trang là mộ trống. Xác anh còn bên Campuchia, chưa tìm thấy. Trời ơi!

*

Vài bữa sau thì có chú Đăng bên K93 ghé nhà. K93 là đội chuyên đi tìm mộ liệt sĩ của tỉnh, chú Đăng là cán bộ lão làng, năng nổ dữ lắm. Ngồi nói chuyện với chú, Vy mới biết không phải tìm hổng thấy, mà là bị lạc.

Chú Đăng từ từ kể, liệt sĩ bên mình đi Tây Nam hy sinh bên đó, được chôn chung nghĩa trang tập thể. Hồi đó chiến tranh kinh hoàng lắm, có phải thư thái ngồi ghi tên họ, quê quán, tiểu đội, đại đội gì đâu. Mấy anh chôn thân nơi chiến trận, có anh mất tay có anh mất chân, có anh không nhận diện được mặt mũi. Đồng đội nhiều người còn sống nhanh trí nhét hình ảnh, kỷ vật vô ngực áo mấy anh, còn nhận diện được. Có anh chỉ có trong túi áo tờ giấy nhàu nát mực bay màu, tên với thứ, như anh Hai, anh Ba, tìm muốn chết hổng ra danh tính luôn. Chưa kể trở về, đường sá xa xôi khó đi, có xe dằn xóc, tờ giấy trong áo rớt đâu mất tiêu. Ngày đó anh Kiệt có ăn học, biết chữ, nhét thư gởi cho má trong túi. Tìm một cái ra nhân thân liền luôn. Đơn vị anh mừng gần chết, gói ghém di hài anh với ba mươi mấy liệt sĩ nữa, chở về quê…

Bận đó xe chở anh Kiệt chung với mười mấy anh khác cán trúng mìn còn sót lại ở chiến trường, nổ tung. Mấy anh chết lần thứ hai. Tài xế bị thương nặng may mà không mất. Nguyên chiếc xe chìm trong núi đất cát xà bần tùm lum. Đơn vị chú đào xới cả tuần liền trong mồ hôi nước mắt. Những gì thu về được vụn vỡ tan hoang, biết ai là ai hở con? Đành phải trộn chung, mỗi người một phần, chia đều cho người thân ở nhà. Có người có phần này, có người có phần kia, rồi có cả đất cả cát nước bạn.

Nước mắt Vy chảy dài, nhìn má đong đưa võng kẽo kẹt. Má nhìn ra cửa rào, chắc đang mơ thấy anh về vác cái ba lô với nhánh mai vàng trên vai cười nụ tươi như mùa xuân vừa đến.

- Cho má qua bên đó chuyến cuối, má nhứt quyết biết thằng Kiệt nằm đâu!

Má quay qua nhìn chú Đăng, khẳng định chắc như đinh đóng cột. Chú Đăng trợn tròn mắt, tụi con có chuyên môn còn bó tay, má tuổi già sức yếu, làm sao đi hở má? Vy cướp lời:

- Cho con theo, con lo cho má. Chú Đăng ráng giúp má đi, cho má thỏa lòng, đi chú!

*

K93 họp bàn căng thẳng quá trời luôn vì đề xuất của chú Đăng. Người này nói má già rồi, sao chịu nổi cơ cực của chuyến đi. Người kia nói dù gì thì gì, cũng phải giúp má tìm ra anh chớ. Nguyên xã còn có má à, không đáp ứng được nguyện vọng của má thì mặt mũi đâu ra thắp nhang cho mấy anh. Trên phòng y tế gọi xuống khiển trách Vy còn hơn nữa vì dám mạnh miệng hứa hẹn, có hỏi ý thủ trưởng chưa? Lùm xùm cả tháng trời, cuối cùng, trong những ngày cận kề năm mới, chú Đăng, Vy, má, và bốn anh em nữa ngồi trên xe đi qua biên giới lòng đầy nặng trĩu.

Má bước xuống xe, kéo cái nón cho kín đầu, quấn lại cái khăn rằn ba vòng trên cổ. Bộ đồ bà ba màu nâu má mới may mới tinh. Chiếc áo len màu kem mới xé mác. Đôi dép nhựa trong còn chưa dính đất cát. Bữa nay má ăn mặc đẹp lắm, để má gặp thằng con của má. Chú Đăng thì bận rộn tiếp chuyện người của nước bạn. Thủ tục xong xuôi, má đứng nhìn cả khu đất mênh mông, ngổn ngang mà người ta nói là chiến trường xưa. Anh nằm ở đây.

Đất ở Campuchia nó cũng y chang ở mình hen con? Cũng màu nâu, cũng gầy hao, cũng trộn lẫn xà bần đá cỏ. Kìa mấy cây dừa cũng giống. Kìa mấy con mương cũng giống. Những bụi khoai mì dại xanh lá đung đưa. Kìa dây rau muống bò leo từ trong cát. Đất với người thì ở đâu cũng vậy mà má. Chiến tranh thì ở đâu cũng đau thương mà má!

Chú Đăng nheo mắt nhìn ra bãi đất, nói mông lung:

- Tụi con đào tan nát khu này rồi đó má, có bao nhiêu hài cốt mấy anh cũng gom gần hết rồi đó má. Đang lưu trữ trong nhà bên kia. Đây nè, anh Kiệt hy sinh ngay tại con mương này nè má! Quân đội nước bạn thu gom di hài mấy anh tập kết ngay bãi này nè má. Xong rồi phân loại, định danh, trải qua bao nhiêu công đoạn mới đưa mấy anh về được.

Xong ổng quay qua chỗ ụ đất cao cao, xộc xệch:

- Chiếc xe nổ ngay chỗ này. Phần thân thể anh Kiệt tụi con gởi về nằm ngay nghĩa trang cũng là lấy từ chỗ này.

- Phần đó hổng phải thằng Kiệt!

Má cầm cái bông rau muống, quay qua khẳng định như má biết rõ hết mọi chuyện sinh tử trên đời ngay từ đầu vậy đó!

- Thiệt ra tụi con còn giữ một phần hài cốt lẫn lộn nhiều dữ lắm, cất trong nhà. Cao như núi luôn. Phần này là không xác định được danh tính nhân thân luôn má à. Má có muốn vô coi hông?

Vy dìu má vô trong nhà cho đỡ gió. Căn nhà lớn, nóc cao vợi, chứa một núi hài cốt đủ loại đủ kích cỡ. Có cái còn nguyên, có cái gãy phân nửa. Mấy cái đầu hốc mắt đen thui. Hài cốt ở đây đã được vệ sinh và bảo quản kỹ, nhưng phân chia làm sao vì nhiều quá, như mò kim đáy bể. Vy thắc mắc trận Tây Nam, tổng cộng chết bao nhiêu người? Bộ đội Việt Nam, lính Cam, giặc, người dân vô tội? Bao nhiêu người hết thảy đã nằm xuống vì khát vọng độc lập.

Vy học ngành y, biết cơ thể người có 206 chiếc xương. Ở đây bao nhiêu chục ngàn chiếc? Chiếc xương nào là của anh Kiệt? Làm sao tìm ra anh, chỉ cần một đốt nhỏ thôi, làm sao tìm ra anh? Vy buột miệng:

- Má có nhớ anh có vết thương nào đặc trưng mà in vô xương không má? Kiểu hồi nhỏ có té bể đầu hay gãy tay gì không má?

Mắt má sáng lên. Chú Đăng cũng gật đầu đồng ý, vì ổng biết đây là cách dễ nhận ra hài cốt liệt sĩ nhất, mà chỉ có người thân mới biết. Cách này còn dễ hơn xét nghiệm ADN nữa, vì thiết bị dã chiến chưa đủ tối tân, trong khi quá trời liệt sĩ, quá trời nhiều người thân. Mà người thân đa phần toàn người già, có mấy ai còn đủ minh mẫn mà nhớ rõ chi tiết trên người mấy anh đâu. Má suy nghĩ hồi lâu rồi má kể:

- Má nhớ cái tay phải nó có vết chém sâu lắm. Sâu dữ lắm con.

Rồi chưa đợi má nói hết, chú Đăng với bốn anh em trong đội leo qua vòng dây niêm phong, đeo bao tay bắt đầu tìm đoạn xương cánh tay phải có vết mẻ.

*

Chim vịt kêu chiều, má vừa húp xong chén cháo. Cả đoàn nghỉ tay. Vy thấy có tám cánh tay phải có vết mẻ được tìm thấy, lớn có nhỏ có, sắp ngay ngắn trên miếng nilon. Vy hỏi chú, làm sao biết cánh tay nào của anh? Chú Đăng nói để chú xét nghiệm ADN, sáng mai có kết quả, biểu má về doanh trại nghỉ đi. Việc ở đây để chú lo. Vy với má mừng khấp khởi trong bụng, vậy là sáng mai má được gặp anh rồi má ơi!

Tối má không ngủ được, lấy lá thư cuối cùng anh gởi cho má ra đọc. Má mân mê từng con chữ của anh, khen thằng quỷ viết chữ đẹp quá sao không ráng học lên bác sĩ, thầy giáo, lại bồng súng đi bộ đội vậy con. Xong má ngồi kể chuyện hồi nhỏ anh thế này thế kia, kể lại con nhỏ nọ trong xóm mê anh như điếu đổ. Bây giờ con nhỏ đó con lớn tồng ngồng luôn rồi mà anh còn chưa được về nhà. Phải mà anh về sớm giờ này dám nó là con dâu của má rồi…

Vy ngủ gục hồi nào không hay, tỉnh dậy thấy má đã ăn mặc tinh tươm, chờ ra gặp anh. Ra tới nơi, thấy chú Đăng mặt tối hù như đêm ba mươi, nói lắp bắp:

- Má ơi, không có đoạn tay nào trùng ADN hết á má. Không phải anh Kiệt má à.

Má đứng như trời trồng, mắt trân trân nhìn mấy đoạn xương tay xếp ngay ngắn. Con má đâu? Con má đâu? Thằng Kiệt đâu? Vy nhìn má, lo sợ má sẽ gào khóc lên rồi xỉu mất. Nó sẽ chịu hổng nổi cảnh bà già gần đất xa trời, đứng còn hổng vững nói chi là kích động. Nhưng má không khóc. Má chìa cái tay cho cô đỡ má đi lại gần núi hài cốt. Má nhìn vô đó hồi lâu.

- Nó trong này, má biết chắc nó trong này. Bây tin má đi!

Vy nhìn chú Đăng, chú Đăng nhìn má. Vy lại chợt hỏi:

- Cánh tay phải anh làm sao mà bị chém vậy má?

Má ngước nhìn cô, rồi nói một mạch như cuốn phim chiếu lại. Bình thường má nói đứt quãng, chữ được chữ mất. Không hiểu sao hôm nay má nói rành mạch một hơi dài luôn.

- Polpot nó tràn qua. Bữa đó má nhớ mà, má đang chặt chuối cho heo ăn thì nghe tiếng la thất thanh ngoài xóm. Má hớt hải không biết chuyện gì, thì thấy thằng Kiệt chạy thẳng vô nhà, cõng má chạy trối chết. Nó chạy băng băng, má nhớ mồ hôi nó thấm ướt qua ngực áo bà ba của má. Má hỏi chuyện gì nó không trả lời, nó chỉ cõng má chạy thẳng lên núi. Chạy một lát có hai ba thằng chặn lại, mặt mày hung dữ. Một thằng đưa dao chém thẳng, thằng Kiệt lấy tay đỡ. Nó ủi mấy thằng kia té rồi cõng má chạy băng lên núi trốn luôn trên đó…

- Má là nhân chứng sống của vụ thảm sát đó!

Chú Đăng nói với vô. Chuyện này chú biết, vì chú muốn thuộc làu chuyện đời Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Kiệt rồi. Sống sót sau thảm sát, anh tham gia quân đội và lập công ở chiến dịch Tây Nam.

- Má nhớ rõ lại coi là tay trái hay phải? - Vy hỏi.

- Tay phải!

- Má nhớ kĩ coi? Có khi nào nhớ lộn là tay trái hông?

- Tay phải, má nhớ mà. Lần nào nghỉ phép về thăm má nó cũng ngồi chải tóc cho má trước miếng kiếng ngay đầu giường. Nó chải xong nó búi một cục đẹp lắm. Tay phải nó có cái thẹo dài lắm. Cái thằng khéo tay…

- Miếng kiếng? Tay phải là tay trái đó má ơi!!!

Chú Đăng nghe như điện giật chạy qua sống lưng. Hèn chi! Ổng nhìn qua bốn anh em trong đội, không ai biểu ai nhào vô núi hài cốt, xỏ bao tay tìm lại từ đầu. Từng cái một, cẩn thận nhẹ nhàng. Má nhìn theo há hốc, chưa hiểu là sao, còn Vy thì hồi hộp tim đập bình bịch.

Khi núi hài cốt vơi gần tới đáy, mồ hôi đã ướt mem cả năm người trong đội K93. Người này nhìn người kia, mặt buồn rười rượi. Chú Đăng mặt nặng chì, mắt ổng như sắp khóc. Anh Kiệt ơi là anh Kiệt, má anh qua kiếm anh nè anh Kiệt. Anh có ở đó thì về với má đi anh!

- Xương tay trái kìa chú Đăng!

Vy la lớn chỉ vô một khúc xương mỏng ngay rìa tấm bạt. Chú Đăng nhảy qua, hớt hơ hớt hải. Ổng cầm lên một khúc xương tay trái còn có hai phần ba, sứt sẹo. Trên khúc xương, còn nguyên đường chém hằn sâu mà đứt quãng. Cả đoàn la lên, trời ơi anh Kiệt ơi tìm ra anh rồi!!!

Chú bỏ đoạn xương vô bịch nilon, nói cả đoàn chờ ở đây, chú đi xét nghiệm liền lập tức. Cơ quan đóng cửa chú cũng đập cửa. Bảo mọi người chờ im ở đây nghen!

Mấy tiếng trôi qua, trời sụp tối. Vy ôm má vô lòng, nghe người má run run theo nhịp thở. Vy cũng run. Nhìn ba bốn ông anh cũng đang hồi hộp.

*

Cả đoàn đang đứng ngồi không yên, tự nhiên có một ông sư già nước bạn, mặc áo tu màu cam đi lững thững vô. Ổng nhìn qua má, hỏi câu gọn hơ bằng tiếng Cam:

- Bà đi tìm con hả?

Bao nhiêu năm buôn bán ở biên giới, má nghe nói được mà. Má gật đầu. Ông sư lại chậm rãi đi về phía núi hài cốt, đứng cúi đầu lầm rầm tụng kinh. Má tò mò, buộc miệng hỏi:

- Thầy tụng cho ai?

- Cái chết có phân biệt của ai đâu bà? Người Cam? Người Việt? Polpot? Thường dân?

- Thầy có người thân trong đây sao?

Dường như má hỏi trúng ngay trân trái tim ông sư. Ổng ngưng tụng, quay lưng nhìn má:

- Bà ơi, tìm làm chi nữa. Có quan trọng gì nữa đâu?

- Quan trọng chớ, tui muốn con tui được về nhà.

Ông sư già lặng im hồi lâu rồi thở cái khì, nói với âm điệu rưng rưng:

- Con tui là Polpot. Có khi sinh thời, nó bắn chết con bà không chừng. Hoặc là ngược lại. Tui tìm ở đây bao năm, nhìn lần lượt từng chiến sĩ giải phóng được vinh danh. Còn con tui làm ma làm quỷ, chỉ có người cha như tui cứ phải tìm con mình mà thôi. Tìm mãi miết rồi, được cái gì? Không chừng giờ này, tất cả những người ở đây, có tội, vô tội, hay ai đi nữa, cũng bỏ đi hết rồi. Có người về nhà, có người đầu thai rồi. Bà cứ níu kéo hoài, sao mà con bà đi được?

Ông sư nói xong, bỏ đi khuất dạng, biến mất vào bóng tối tan hoang của chiến trường xưa. Má nhìn theo không nói. Vy sởn da gà thắc mắc không biết người hay ma.

*

Tám giờ tối, chú Đăng về. Ổng không đi mà ổng chạy. Ổng chạy vô tới trước mặt má, quỳ xuống khóc như con nít. Má ơi, hổng phải anh Kiệt má ơi! Hông phải anh má ơi! Cả đoàn nghe như sét đánh. Vy chết trân, nhìn qua má, sợ má không kiềm được cơn xúc động. Nhưng mà không. Má đứng dậy ôm chú Đăng, ôm luôn người liệt sĩ vô danh trong bịch nilon vô lòng má.

Tới giờ má mới khóc. Nhưng không giống mọi khi. Nước mắt má chảy dài từng dòng mỏng tinh, không nghe uất nghẹn nữa. Người đàn bà nhỏ bé còng queo có mét rưỡi, ôm hai đứa con trai to lớn trong lòng. Vy lau nước mắt, chợt thấy dáng má cong cong như chữ S, như hình hài đất nước ôm choàng lấy hai đứa con hổng ruột rà. Má nói nhỏ xíu nhưng chữ nào chữ nấy ngọt ngào ghê lắm: "Má tìm được thằng Kiệt rồi bây ơi, mình đi về nghen mấy con!".

*

Đi chuyến đó về, lãnh đạo địa phương, anh em K93 nhận được thư cảm ơn của má. Nét chữ xiêu vẹo run run, nói cảm ơn mọi người đã giúp má tìm con bao năm nay. Bây giờ tìm được rồi. Má yên lòng nhắm mắt rồi. Má kể bữa đó đi Cam về, tối ngủ thấy thằng Kiệt đi vô nhà khoanh tay thưa má, vui quá trời quá đất.

Truyện ngắn của Vương Đình Khang

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/chuyen-ve-cua-tinh-thuong-i740693/