Chuyện về một 'Bí thư chi bộ giỏi'
Bạch Đích là xã miền núi, ở phía bắc của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, có đường biên giới dài hơn 7 km, đã vươn lên là một trong những xã phát triển khá. Vai trò của các chi bộ thôn, bản, nhất là những bí thư chi bộ giỏi đã đóng góp tích cực vào phong trào của địa phương, được nhân dân ghi nhận.
Bạch Đích là xã miền núi, ở phía bắc của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, có đường biên giới dài hơn 7 km, đã vươn lên là một trong những xã phát triển khá. Vai trò của các chi bộ thôn, bản, nhất là những bí thư chi bộ giỏi đã đóng góp tích cực vào phong trào của địa phương, được nhân dân ghi nhận.
Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích, Phạm Xuân Phương chia sẻ: Đảng bộ xã có 300 đảng viên thuộc 24 chi bộ trực thuộc, trong đó có 19 chi bộ thôn, bản. Năm 2017, Đảng bộ xã đã nhận bằng khen của Tỉnh ủy Hà Giang về thành tích 5 năm liền đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Trong thành tích chung có dấu ấn của Chi bộ thôn Đoàn Kết và cá nhân đồng chí Phàn Tờ Mìn đã luôn đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, giữ vững an ninh-chính trị và trật tự an toàn xã hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Tự học, làm nhiều việc, biết nhiều nghề
Ngôi nhà của Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết, Phàn Tờ Mìn chênh vênh trên sườn đồi. Từ trên cao nhìn xuống có thể bao quát cả thung lũng của mấy thôn, những thửa ruộng bậc thang đã ngả mầu vàng óng của những vạt lúa chín, sương chiều bảng lảng bện quanh khói bếp cất lên sau những mái nhà.
Nhà đồng chí Phàn Tờ Mìn mái bằng có kết cấu trông khá lạ mắt, dường như đã quen với sự tò mò của khách, Phàn Tờ Mìn chia sẻ: "Nhà mình tự xây, lúc đó nhà mái bằng ở đây còn chưa có ai làm. Mình được mấy anh công nhân cầu đường hướng dẫn sơ sơ, cộng với kiến thức tự học, tự hình dung nên hơi lạ nhỉ?”.
Ngôi nhà này dù có phần lạ mắt nhưng rất vững chãi. Trông nhà, khách phần nào cũng đoán được tính cách của chủ nhân. Bí thư Phàn Tờ Mìn là người dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu thực hiện. Anh tự đóng gạch, tự buộc sắt, tự đổ bê-tông để minh chứng cho mọi người biết dù khó khăn đến mấy, có quyết tâm sẽ thực hiện được.
Câu chuyện của đồng chí cũng là bức tranh sinh động về lịch sử xã Bạch Đích những năm qua. Sinh năm 1976, chưa đến 7 tuổi Phàn Tờ Mìn đã phải cùng gia đình sơ tán vì chiến tranh.
Đến khi trở lại quê hương, mọi thứ phải làm lại từ đầu, tuổi 14 Phàn Tờ Mìn mới được cắp sách đến trường. Đó là những năm tháng đói, rét, gian khổ. Nhớ những bữa cơm mùa giáp hạt, lát sắn cõng hạt cơm, áo rét mùa đông không đủ ấm.
Sau buổi học, học trò vội vàng ra ruộng, nương, rừng kiếm cái ăn. Học hết lớp 5, Phàn Tờ Mìn gia nhập đội dân quân tự vệ xã.
Thời điểm này tình hình an ninh trật tự ở xã rất rối ren, đời sống nghèo nàn, phương thức sản xuất lạc hậu, cái nghèo, cái đói bám dai dẳng. Những việc trộm ngựa, tiêu tiền giả, vượt biên trái phép cho tới mâu thuẫn gia đình, hàng xóm đánh nhau, khúc mắc tự tử bằng lá ngón, thuốc trừ sâu… thường xuyên xảy ra đòi hỏi lực lượng dân quân xã tham gia giải quyết.
Trong thời gian này, bằng ý chí vươn lên, tự học, đồng chí Phàn Tờ Mìn đã hoàn thiện chương trình giáo dục bổ túc văn hóa và được cử đi học thêm về nghiệp vụ y tế, để kiêm nhiệm thêm công tác của một cán bộ y tế thôn, bản.
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ đấy, Phàn Tờ Mìn kể: "Mọi kiến thức của tôi có được là nhờ ôn luyện thường xuyên hai cuốn sách tiếng Việt và một cuốn sách toán. Sau này tự đọc thêm nhiều sách chuyên ngành nhờ đó mà trong quá trình công tác cũng đã sơ cứu, cấp cứu được nhiều trường hợp”.
Năm 2014, Phàn Tờ Mìn lại được cử đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ y tế, dài 9 tháng, cho nên bây giờ đồng chí có chuyên môn vững chắc.
Từ năm 2004 đến năm 2016, có nhiều thời điểm đồng chí kiêm nhiệm 4 chức danh: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, công an xã và cán bộ y tế thôn bản.
Công việc nhiều nhưng đồng chí biết sắp xếp thời gian một cách khoa học để luôn "tròn vai”. Không chỉ vậy, Phàn Tờ Mìn tự học thêm được nhiều nghề như thợ nề, thợ sắt, thú y… để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đồng chí đã vận động thành lập một tổ đội xây dựng đi sửa nhà giúp dân, góp phần vào sự thành công của chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh, của huyện đối với địa bàn các xã biên giới, giúp đỡ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Trong đợt phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua, đồng chí tham gia vào lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch trên địa bàn xã, huyện và nhận được nhiều giấy khen của địa phương.
Gần dân, gắn bó với nhân dân
Năm 2001, Phàn Tờ Mìn vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chi bộ năm đó chỉ có 3 đảng viên. Năm 2004, đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ và kiêm nhiệm trưởng thôn, lúc đó gồm 2 thôn là Phe Lái và Già Thèn.
Ở độ tuổi 28 đầy sung sức, đồng chí đã lãnh đạo chi bộ với 3 đảng viên thực hiện nhiều chủ trương lớn của Đảng trong một địa bàn với 72 hộ, 335 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc anh em. Dân cư sống rải rác, đường đi lối lại không có, gọi là cùng thôn nhưng đi từ xóm nọ sang xóm kia, gặp gỡ người dân cũng mất cả ngày. Trình độ dân trí và nhận thức của người dân còn thấp cho nên lúc đầu vận động rất khó khăn.
Bằng nhiệt tình, tâm huyết và phương pháp "mưa dầm thấm lâu”, Bí thư Phàn Tờ Mìn đã thuyết phục, cảm hóa được nhiều quần chúng lúc đầu có thái độ bất cần, chống đối trở thành hợp tác, hỗ trợ tích cực. Có những câu chuyện vẫn được người dân nhắc mãi. Lần đó, có một chị do khúc mắc chuyện gia đình đã uống thuốc trừ sâu tự tử.
Suốt đêm đó, Bí thư Phàn Tờ Mìn đã túc trực bên người bệnh, cứu chữa qua cơn nguy kịch. Lần khác, một sản phụ trẻ bị đuổi ra khỏi nhà do vi phạm điều kiêng kỵ của gia đình, dòng họ.
Sản phụ này tìm đến "ông bí thư, trưởng thôn” nhờ giúp đỡ. Đồng chí Phàn Tờ Mìn vừa khuyên bảo gia đình, vừa tìm nơi tá túc cho sản phụ. Sau này, đồng chí đã vận động người dân trong thôn xây một căn nhà tình thương tặng hai mẹ con.
Tận tình, miệt mài, say mê vì phong trào, Bí thư Phàn Tờ Mìn được nhân dân tin tưởng như người thân ruột thịt do đó công tác vận động, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng thuận lợi.
Mới đây, đồng chí đã cùng các đảng viên trong chi bộ vận động người dân hiến đất mở một con đường dài 4 km lên cụm dân cư xa nhất của thôn. Trong các năm qua, đồng chí được tỉnh tặng các bằng khen về thành tích xóa đói, giảm nghèo bền vững; xóa nhà tạm, nhà dột nát; phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn xã.
22 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, 19 năm là Bí thư Chi bộ thôn, đối với người dân thôn Đoàn Kết và cả xã Bạch Đích, đồng chí Phàn Tờ Mìn là cán bộ gương mẫu, với nhiều ấn tượng đẹp.
Chia sẻ với chúng tôi về việc phát triển đảng viên tại địa phương, đồng chí Phàn Tờ Mìn bộc bạch: Trước hết mình xây dựng và gìn giữ tư cách đảng viên. Có uy tín, nói được, làm được thì người dân mới nghe. Cán bộ luôn gần gũi nhân dân, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân. Đối với đồng chí, đồng nghiệp càng thực lòng giúp đỡ, đừng nề hà, ngại khó, ngại khổ mà nảy sinh so sánh, tị hiềm.
Khi giữ được đoàn kết trong Đảng thì mới đoàn kết trong dân được. Như việc vận động người dân làm đường liên thôn, liên xóm, đảng viên phải đi đầu, làm trước, mà làm tích cực, thực tâm. Người dân miền núi chất phác, thuần hậu nhưng chỉ một chút "khang khác” là có thể nhận ra ngay.
Trong quá trình vận động nhân dân, chi bộ không chỉ giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ mà trực tiếp, phối hợp cùng các chi hội của ban công tác Mặt trận Tổ quốc thôn; rồi kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực.
Việc phát triển đảng của Chi bộ thôn Đoàn Kết dựa trên những nhân tố tích cực này. Năm 2020, chi bộ kết nạp 3 đảng viên là hội viên chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Năm 2022, chi bộ kết nạp một đồng chí là hội viên chi hội nông dân. Năm nay, chi bộ đã cử hai quần chúng đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Như vậy, mọi đảng viên của Chi bộ Đoàn kết đều được bồi dưỡng và phát triển từ trong phong trào, gắn bó với nhân dân, với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Mới đây, trong Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi huyện Yên Minh, đồng chí Phàn Tờ Mình đã đoạt giải khuyến khích và giải xuất sắc trong xử lý tình huống. Điều thú vị là tình huống này cũng là hiện tượng mới nảy sinh ở nhiều chi bộ nông thôn miền núi.
Đó là do sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều người dân và cán bộ, đảng viên thích xem các thông tin từ mạng xã hội, song việc phân tích, gạn lọc chưa thấu đáo dẫn đến những phát ngôn, hành động không phù hợp với chủ trương và quy định của Đảng.
Bí thư Phàn Tờ Mìn đã thuyết phục Ban Giám khảo hội thi bằng chính những câu chuyện ở địa phương mình, qua phân tích, đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái đã giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thêm hiểu biết, nâng cao khả năng phòng vệ trước những thông tin xấu, độc.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/182614/chuyen-ve-mot-bi-thu-chi-bo-gioi.htm