Chuyện về một hội viên đặc cách
Chưa hề qua một trường lớp chuyên về văn nghệ mà được đón nhận vào Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) của một thành phố - đô thị loại 1 danh tiếng. Trường hợp này, chỉ thấy ở cựu chiến binh, Thượng tá Tạ Vĩnh Hải, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 210.
Cơ duyên
Tạ Vĩnh Hải sinh năm Kỷ Dậu (1969), là thứ 2 trong 6 người con ở xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ruộng vườn thừa kế, bố Hải dành một phần cốt đủ sống. Số còn lại, ông bán lấy tiền nuôi đàn con tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp ổn định. Tạ Vĩnh Hải với năng khiếu văn nghệ bẩm sinh ươm mầm ở đấy, rồi “đơm hoa kết trái” trong quân ngũ.
Từ năm lớp 10, Hải vừa học vừa lao động kiếm tiền giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Hết lớp 12, chờ nhập ngũ, trong khi xây nhà thuê, Hải bị ngã dàn giáo, gãy tay. Không ngờ đó lại là cơ duyên… Vào bệnh viện, Hải gặp bệnh nhân Nguyễn Văn Vĩnh, một cựu chiến binh rất vui tính. Anh Vĩnh hay hát những bài truyền thống của quân đội; sáng chủ nhật nào cũng nghe “Câu chuyện truyền thanh” trong chương trình phát thanh QĐND rồi cùng Hải ứng diễn trong đó. Truyện có nhân vật nữ, anh Vĩnh đóng vai nữ, diễn rất khéo! Anh kể với Hải: “Bộ đội, sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát. Hội diễn thì vui như Tết. Trung đội vệ binh của mình toàn con trai. Khi cần, mình lại phải hóa trang trai thành gái. Thế mà các chàng cũng xốn xang!”.
Chuyện anh Vĩnh kể càng kích “máu văn nghệ” trong Hải. Hải muốn nhập ngũ ngay. Thế là xuất viện hôm trước, hôm sau Hải về tận Trường Sĩ quan Phòng hóa ở Sơn Tây gặp anh trai Tạ Vĩnh Cát (giáo viên ở đấy, về sau là Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 799, Quân khu 1) năn nỉ: “Em tuổi gà! Chó liền da. Gà liền xương. Tay em bị gãy nhưng rất nhanh hồi phục. Giờ bình thường rồi. Anh xin cho em đi bộ đội!...”.
Ngày 15-3-1988, Hải nhập ngũ. Qua 3 năm thuyên chuyển từ Trường sửa chữa Tăng thiết giáp về Sư đoàn 346, Quân khu 1, anh được đi đào tạo tại Hệ Cao đẳng Trường Sĩ quan Chính trị (nay là Đại học Chính trị), khóa 1991-1995. Tại đây, năng khiếu văn nghệ hát, múa, viết, vẽ, diễn xuất… trong Hải thăng hoa thực sự. Một lần dã ngoại, quan sát chị nông dân hoan hỉ mời bộ đội ăn sắn luộc, Hải viết nên truyện “Rơm vàng”, nói về tình quân dân và kỷ luật dân vận. Cán bộ lớp cùng bạn bè khen hay. Quan sát nhãn hộp kem đánh răng Dạ Lan, Hải gửi thư góp ý kèm theo một mẫu do anh sáng tác về hãng. Tết năm đó, Dạ Lan gửi quà tặng và cảm ơn anh. Nghe nghệ sĩ Phạm Đông đọc “Chuyện kể ở đại đội”, anh xắn tay viết truyện, gửi nhà đài. Được ban biên tập sử dụng, anh viết tiếp như “gà đẻ trứng”... Những khi tức cảnh sinh tình, anh cất giọng ngân nga rất “ngọt”. “Núi cõng mẹ. Mẹ địu con đi trỉa ngô, đi gieo hạt lúa trên nương. Ơi dáng mẹ hao gầy nghiêng nghiêng chiều, nghiêng nghiêng nắng cho bát cơm đầy…”. Nhiều ca khúc của anh đã bắt đầu như thế. VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam về ghi bài hát "Đứng dậy đi em" anh viết cho chuyên mục "Điều ước thứ 7" cũng nể phục “một người nghiệp dư mà rất chuyên nghiệp".
Như rồng gặp mây
Tháng 8-1995, Thiếu úy Tạ Vĩnh Hải tốt nghiệp, ra trường. Được phân công về Quân khu 1, anh lần lượt qua các chức vụ: Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 243 (1995-2003); Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 243 (2003-2010); Chính trị viên - Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 3, Lữ 210 - tên mới của Lữ 243 (2010-2015); Phó bí thư chi bộ Ban Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị Quân khu 1 (2016-2020). Tiếp, anh là cán bộ Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc - Quân khu 1 cho đến năm 2024 thì nghỉ hưu, đúng dịp nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Suốt quá trình ấy, sở trường văn hóa văn nghệ ở Tạ Vĩnh Hải được phát huy “như cá gặp nước, như rồng gặp mây”! Anh đảm nhiệm “tròn khâu” tuốt tuột từ sáng tác nội dung đến đạo diễn, dàn dựng chương trình tiết mục rồi ẵm hầu hết những giải cao nhất trong các hội thi cấp Quân khu và một số cuộc thi cấp toàn quân. Riêng 8 năm anh làm Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 210, không hội thi, hội diễn nào đơn vị về Nhì; tất cả là cờ giải Nhất và Xuất sắc.
Ví như năm 2008, chỉ với 9 ngày chuẩn bị, đơn vị giành 9 giải Nhất. Chuyện là, đầu tháng 6 năm ấy, trong điều kiện công việc bận rộn, lãnh đạo lữ đoàn giao cho anh xây dựng đội tuyển gồm 15 người để dự thi tuyên truyền bảo vệ môi trường toàn Quân khu 1, với hình thức sân khấu hóa, thời lượng 30 phút, phải xong trước ngày mồng 10-6. Hải giật thột như phải “đội đá vá trời”. “Hữu phẫn sinh hữu phát”! Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, trong đầu anh đã thành câu hát: “Ầm ầm sóng! Ầm ầm gió! Ầm ầm mưa! Ầm ầm thác lũ… Hỡi loài người, sao lại giết muôn loài! Hỡi loài người, sao tự giết chết loài người…” đặt nền móng cho ca khúc "Hãy vì một mái nhà chung" đầy ám ảnh tích cực! Nhạc sĩ Văn Hà khi nghe anh hát bài này để làm nhạc cũng “miễn góp ý” luôn. Rồi các màn “chào hỏi”, tiểu phẩm cứ tuôn ra trong đầu. Còn lời bài hát kết thúc chương trình: “Tự hào thay! Chúng tôi là lính trẻ, là lính phòng không bảo vệ quê hương đất trời. Trên đồi cao chúng tôi cùng vui hát. Đồng đội tôi say cùng nắng gió sương. Chúng tôi hát về người đang canh giữ bầu trời…” hình thành trên giường lúc nửa đêm! Tại cuộc thi ấy, Tạ Vĩnh Hải và đội tuyển đã giành 9 giải Nhất cho các tiểu mục.
Tháng 10 năm ấy, Hội Phụ nữ Lữ đoàn 210 tham dự cuộc thi Cán bộ hội phụ nữ giỏi toàn Quân khu (chủ đề “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”) lại chiếm hết các giải cao nhất; trong đó, bài hùng biện đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả, nhiều người không kiềm chế được, ôm mặt khóc rưng rức. Đặc biệt, trong dịp này anh đã dạy một chị nhân viên nuôi quân vốn “Ưu nhan sắc, nhược hát ca” trở thành người hát chèo, vọng cổ được khán giả yêu thích nhất….
Năm 2011, anh viết kịch bản và đạo diễn các chương trình: Tuyên truyền về môi trường, dự hội thi toàn quân, đội tuyển Lực lượng vũ trang Quân khu 1 đoạt Xuất sắc; thi quân báo toàn quân, đội tuyển Phòng Quân báo Quân khu đoạt giải Nhất toàn đoàn. Năm 2016, anh viết kịch bản và tổng đạo diễn chương trình “An toàn, vệ sinh lao động giỏi”, dự hội thi toàn quân, đội tuyển Công đoàn Quân khu 1 đoạt Xuất sắc. Năm 2018, một lần nữa, anh tổng đạo diễn chương trình tuyên truyền về môi trường, dự thi toàn quân, đội tuyển Quân khu 1 giành tiếp giải Xuất sắc và giải đơn vị có phần phụ họa hay nhất. Gần đây - năm 2023, anh viết kịch bản cho Cục Kỹ thuật tham gia hội diễn Quân khu 1 đoạt Huy chương Vàng, Trung đoàn 567 đoạt giải Nhất… Ngoài ra, anh còn viết kịch bản và trực tiếp dàn dựng chương trình cho nhiều đơn vị bạn ở trong và ngoài quân đội, đều giành giải Nhất và Xuất sắc.
Ở cương vị Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn, anh sát sao cùng Ban chỉ huy chỉ đạo từng bộ phận thuộc đơn vị tham gia thi toàn Quân khu về các nội dung: Bí thư chi bộ giỏi, Cán bộ đoàn giỏi, Tuyên truyền viên trẻ, Thể thao quốc phòng, Tiểu đội trưởng - Khẩu đội trưởng, Trung đội trưởng giỏi toàn năng; Cán bộ huấn luyện điều lệnh giỏi, Lái xe giỏi… đều đoạt Nhất toàn đoàn. Với chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” (Đài Truyền hình Việt Nam), bản thân anh nhiều lần được Quân khu và Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen vì có những đóng góp xuất sắc.
Tạ Vĩnh Hải có hàng trăm tác phẩm báo chí, truyện, ký, thơ, âm nhạc đăng tải trên các báo, đài trung ương. Anh đã từng nhận giải xuất sắc của Chương trình "Quà tặng cuộc sống” (VTV1) và nhiều Huy chương Vàng dành cho các tiểu phẩm, ca khúc… Ngoài ra, anh còn trình độc giả tập truyện ngắn “Bản ngã” (năm 2009) và tập “Chuyện kể ở đại đội” (năm 2017). Trong các tập “Hoa ngàn Việt Bắc” của Quân khu 1 từ năm 2000 đến nay, năm nào cũng có 1-2 kịch ngắn, truyện ngắn, thơ, ca khúc của anh. Mới rồi, anh cho ra đời nhạc phẩm “Hành khúc Quân đoàn 12”, được thính giả yêu thích…
Những kỷ niệm vui
Tạ Vĩnh Hải kể: “Được cấp trên chỉ định “biệt phái” làm chương trình của đơn vị, lại còn giúp các cơ quan, ban ngành nội bộ, rồi cả địa phương nơi đơn vị đóng quân để tham gia các cuộc thi; bản thân thì thích nhưng đồng đội cũng “ngán” vì cứ phải liên miên giải quyết các việc thay người đi vắng. Thôi thì đành nói câu “nhờ vả”. Giữa cuộc hoặc kết thúc từng cuộc, trở về dùng tiền bồi dưỡng của mình làm bữa liên hoan mời anh em chỉ huy và lực lượng giúp việc, đưa “các em văn nghệ” về dự, nói lời cảm ơn. Thành ra lại vui quá! Đồng đội nói như hát: “Anh cứ yên tâm giúp đơn vị. Việc nhà, có chúng em lo!...”. Tuy nhiên, anh vẫn phải kiểm tra, nhắc nhở để mọi việc đều chu toàn…”.
Nhớ lần Lữ đoàn 210 tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (25-4-1959 / 25-4-2009), có một bác cựu chiến binh tất tả tìm Tạ Vĩnh Hải, nhờ anh chỉ đến thôn Hạ để tri ân “người cũ năm xưa”, rằng: “Tôi nhập ngũ năm 1967. Những ngày đầu tiên, đơn vị ở làng Hạ. Tôi được cô Hồng ấy giúp đỡ rất nhiều. Nay tôi chỉ muốn gặp lại Hồng để tỏ lòng tri ân… Xin thề là không làm ảnh hưởng đến “hòa bình thế giới!”. Hóa ra là bác ấy nghe câu chuyện “Duyên làng Hạ” do Tạ Vĩnh Hải viết, trong mục “Chuyện kể ở đại đội”- Chương trình phát thanh Quân đội nhân dân tối thứ 6 trước đó vài tuần! Nào có ai ngờ, nó giống kỷ niệm của bác ấy. Hải phải nói rõ: “Thưa bác! Đây là con hư cấu. Chứ con có biết thôn Hạ và cô Hồng của bác là ở đâu!”. Ông cựu chiến binh cười tiếc nuối: “Đúng là quân dân cá nước. Ở đâu cũng thế nhỉ! Làm tôi cứ tưởng…!”…
Năm 2000, Lữ đoàn 210 dự hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn Quân chủng Phòng quân - Không quân. Tạ Vĩnh Hải viết và đạo diễn vở kịch “Những người đáng yêu” (Tân binh Dũng bắn đạn thật “cả 3 viên trúng vòng 10”, lại là chiến sĩ thi đua, được đơn vị thưởng phép. Dũng rất phấn khởi, nghĩ trò “trêu nũng” bố mẹ. Khi ông Hùng căn vặn: “Có tổ tam tam (tổ 3 người)! Tại sao lại về một mình?”. Dũng làm bộ sợ sệt: “Dạ thưa bố! Con nhớ nhà quá nên trốn về ạ!”. Ông Hùng lập tức bắt Dũng nằm sấp, kéo quần khỏi mông đít để nhận roi mây! Hùng vội kêu: “Giấy đây! Giấy đây bố ơi!”. Ông Hùng gắt: “Giấy để làm gì? Tao không cần giấy! Đào ngũ một giờ cũng phải chịu kỷ luật. Quất vào mông”. Lan - bạn gái của Dũng đã “kiên cường” can ngăn, không để ông Hùng kéo quần Dũng quất roi mây vào mông… Cuối cùng vỡ lẽ. Ông Hùng hủy “bản án”, bắt “phạm nhân” mổ gà ăn mừng!”. Hải đóng vai ông Hùng. Diễn xong, đi chỗ nào cũng được khán giả trìu mến gọi là "bố". Nữ quân nhân Nguyễn Bích Liên sinh 1974 (vai Lan), giờ đây gặp Tạ Vĩnh Hải vẫn “bố bố con con”, rất vui…
Hôm đi dự cỗ cưới ở Khu Gang thép (TP Thái Nguyên), Tạ Vĩnh Hải thấy gạch men phế phẩm nằm thành từng ụ rải rác ở bờ ao. Anh tìm chủ nhà, hỏi xin. Chủ gạch nhận ra anh “hát hay quá trời” trong đám cưới, liền phán luôn: “Với ai thì phải đắn đo/ Còn với anh Hải, vừa cho vừa cười” và bà cười phớ lớ thật! Gạch được đưa ngay về đơn vị. Anh Hải cho chế biến chúng ra những tác phẩm phong cảnh, tranh văn hóa lịch sử… rồi lắp ghép thành con đường gốm sứ nổi tiếng toàn Quân khu… Sau vụ ấy, anh giúp Thành đội Thái Nguyên làm hệ thống tranh phù điêu tham gia hội thi "Đơn vị chính quy xanh, sạch, đẹp" đoạt giải xuất sắc.
…Tạ Vĩnh Hải nghỉ hưu được ít ngày, ông Hoàng Báu (Chủ tịch Hội VHNT TP Thái Nguyên) và các thành viên Ban chấp hành Hội đã nhất trí đón anh gia nhập Hội. Hải ngay thật: “Nộp đơn xong, em ngượng quá! Nghĩ mình vốn làm văn hóa văn nghệ quần chúng, so với tiêu chuẩn hội viên Hội VHNT nói chung, còn thiếu nhiều yếu tố. Chẳng hạn “người hoạt động văn học nghệ thuật tiêu biểu, có công trình tác phẩm được đồng nghiệp và công chúng thừa nhận…”. Thế, liệu có thể ngồi chung chiếu với các nhà chuyên nghiệp?”.
Tuy nhiên, Ban chấp hành Hội tin rằng, anh với năng khiếu bẩm sinh, được quân đội đào tạo, rèn luyện, có bề dày vốn sống và kinh nghiệm tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ; tố chất và sự năng động của anh dễ tiến tới bước ngoặt chuyển đổi về chất, sẽ có những tác phẩm nghệ thuật giá trị, sống với thời gian.
Bước đầu tham gia sáng tác văn nghệ trong Hội, Tạ Vĩnh Hải đã có tác phẩm đạt loại B. Anh đang được đồng nghiệp hỗ trợ và tạo những điều kiện thuận lợi!...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/chuyen-ve-mot-hoi-vien-dac-cach-804697