Chuyện về người cán bộ tâm huyết truyền dạy ngôn ngữ và chữ viết tiếng Thái
Là người con dân tộc Thái, thầy giáo Phạm Bá Thược ở xã Mường Mìn (Quan Sơn) là một trong những người đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, truyền dạy tiếng Thái trên địa bàn nhiều huyện miền núi của tỉnh những năm qua.
Anh Phạm Bá Thược trong một buổi dạy chữ Thái cho các em học sinh Trường Tiểu học Mường Mìn (Quan Sơn).
Sinh ra và lớn lên ở bản Luốc Lầu - bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Mìn, ngay từ khi còn là học sinh cấp 1, anh Phạm Bá Thược (sinh năm 1957) đã có tình yêu sâu sắc với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, trong đó có ngôn ngữ, chữ viết. Để hiện thực hóa ước mơ của mình, anh Thược quyết định theo ngành sư phạm. Sau khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiểu học, thầy giáo Thược trở về quê hương, cống hiến cho đồng bào của mình. Dù vậy, việc truyền dạy tiếng Thái thời điểm anh mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn, bản thân anh cũng chưa được tham gia các lớp tập huấn, giảng dạy tiếng Thái chuẩn do ngành giáo dục tổ chức. Đến năm 1995, anh mới được tham gia lớp dạy tiếng Thái có quy mô tại huyện Quan Hóa (thời điểm chưa tách huyện). Kể từ lớp học đầu tiên này, anh Thược đã thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về giảng dạy tiếng Thái do huyện, tỉnh... tổ chức. Kể từ năm 2007 đến nay, dù trải qua nhiều cương vị công tác tại MTTQ, hội chữ thập đỏ, hội khuyến học nhưng anh Thược vẫn là hạt nhân quan trọng trong công tác giảng dạy tiếng Thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Anh đã giảng dạy tại các huyện: Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Thường Xuân. Mỗi lớp có từ 80 đến 120 học viên đều là cán bộ, giáo viên, nhân dân của các địa phương có đông đồng bào dân tộc Thái. Không chỉ vậy, năm nào anh Thược cũng tổ chức được các lớp dạy tiếng Thái miễn phí cho đồng bào tại địa phương và cho những nơi cần.
Không chỉ thành thạo chữ viết dân tộc Thái, anh còn sưu tầm, phiên âm và lưu giữ được trên 2.000 câu tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ dân tộc Thái, phiên âm và lưu giữ được 300 cuốn sách cổ gồm đủ các thể loại: Ca dao, truyện thơ, sách tâm linh và sách cổ nói về Luật tục, tập tục người Thái. Thu thanh và lưu giữ hàng chục làn điệu Khắp Tày (hình thức diễn xướng các bài dân ca)... Ngoài ra, anh còn vận động các bậc tiền bối, các nghệ nhân dân gian sưu tầm sách cổ bằng chữ Thái, cập nhật ghi chép lại những tác phẩm văn học, những câu thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội sau đó phiên âm bằng chữ Việt phổ biến lại cho nhân dân. Với những đóng góp trong việc bảo tồn, truyền dạy tiếng Thái của mình, thầy giáo Phạm Bá Thược đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương, của tỉnh và của huyện. Đến nay, dù tuổi đã ngoại lục tuần nhưng thầy giáo Thược vẫn miệt mài nghiên cứu, hết mình trong giảng dạy tiếng Thái cho đồng bào trên địa bàn các huyện miền núi xứ Thanh.
Anh Phạm Bá Thược tâm sự: Là người con của dân tộc Thái, tôi yêu văn hóa mẹ đẻ, yêu phong tục tập quán, yêu lời ca tiếng hát, yêu nếp sống văn hóa nhà sàn, yêu cuộc sống văn hóa dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Thái ở Mường Mìn trong cộng đồng dân tộc Việt Nam thân yêu. Dạy chữ Thái cũng chính là để bảo tồn tinh hoa, giữ gìn ngôn ngữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc từ những lời ca tiếng hát, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động sản xuất, văn hóa ứng xử và giao tiếp... qua đó trau dồi văn hóa cao quý của ông cha cho thế hệ sau. Với đam mê, trách nhiệm của mình, lúc nào tôi cũng sẵn sàng lên đường tới bất cứ nơi nào đồng bào cần dạy chữ Thái. Tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có các chương trình giảng dạy tiếng dân tộc nói chung và chữ Thái nói riêng được bảo tồn và dạy trong các nhà trường như một môn tự chọn cho học sinh cấp THCS, THPT.