Chuyện về người chiến sỹ thanh niên xung phong Cò Nòi năm xưa

Ngã ba Cò Nòi là một trọng điểm huyết mạch của con đường lên Điện Biên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi đây đã để lại dấu ấn một thời hào hùng của lớp thanh niên xung phong ngày ấy. Và chúng tôi may mắn có dịp cùng đoàn công tác của Bảo tàng Sơn La được đến thăm và được nghe ông Trần Khắc Lộng, người y tá năm xưa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ kể về thời kỳ ông từng trực tiếp phục vụ tại ngã ba Cò Nòi để thấy rõ hơn những khó khăn, ác liệt của những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Ông Trần Khắc Lộng.

Ông Trần Khắc Lộng.

Tuy đã 87 tuổi, song ông Lộng vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Quê ở tỉnh Ninh Bình, ông tham gia thanh niên xung phong khi mới 16 tuổi; được cử đi học y tá, học xong ông lên phục vụ chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ hành quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể: Ngày ấy, tôi ở C.403, tiểu đội 40. Đoạn đường này có đội 34 và đội 40 của thanh niên xung phong, tôi phục vụ công tác cứu thương, cứu chữa cho thanh niên xung phong, dân công, bộ đội, bị thương. Mỗi C cũng đến 300 người, chưa kể dân công hỏa tuyến và bộ đội. Lúc bấy giờ ác liệt lắm, anh em mình bị thương vong nhiều. Sợ nhất là địch thả bom bươm bướm, bom nổ chậm, những quả bom rơi xuống chỗ nào chưa nổ thì cắm cờ ở đấy để cho đội phá bom lên phá, nhiều anh em hy sinh khi phá bom, có đơn vị, có tổ không còn ai.

Theo lời ông Lộng kể: Tôi không thể quên thời kỳ chiến tranh ác liệt đó, thường thì ban ngày tránh vào rừng, vì máy bay Pháp đánh phá rất ác liệt; ban đêm mới ra mặt đường làm nhiệm vụ. Nhưng vẫn có đơn vị phải ra mặt đường ban ngày để đảm bảo cho xe kéo pháo, tiếp tế lương thực, vũ khí cho chiến trường. Trong điều kiện thiếu thốn thuốc men, băng gạc, chúng tôi phải lấy bẹ chuối rừng tước ra luộc cho mềm và khử khuẩn để băng bó cho những người bị thương. Dù khó khăn, nguy hiểm, nhưng chúng tôi luôn tìm mọi cách khắc phục; cứu thương không có panh, kìm, thì lấy tre vót làm thành panh để gắp xi - lanh mà tiêm... Bất cứ có bom nổ và chỗ nào có người bị thương là chúng tôi có mặt kịp thời để cấp cứu anh em, nếu ai bị thương nặng sẽ chuyển về chuyến sau. Những người bị gãy chân, tay, không đi được thì nhờ lực lượng thanh niên xung phong, dân công cáng. Lo lắng nhất là anh em bị sốt rét ác tính, vì thiếu thuốc đặc trị.

Ông Trần Khắc Lộng đã được tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên; Huy chương Kháng chiến hạng Hai; Kỷ niệm chương Kháng chiến. Người chiến sĩ thanh niên xung phong năm ấy đã phấn đấu rèn luyện, cống hiến hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân, cho ngành y nước nhà. Trong khoảng thời gian từ tháng 8/1992 đến tháng 7/1997, ông được Đảng và Chính phủ giao trọng trách Giám đốc bảo hiểm y tế Việt Nam, người mở đường xây dựng quỹ Bảo hiểm y tế ở Việt Nam thành công. Đó là những cống hiến mang truyền thống tinh thần của thanh niên xung phong “Không có việc gì khó” như Bác Hồ từng dạy. Ông mong muốn viết được một cuốn sách như mạch ngầm kết nối “từ Ngã ba Cò Nòi cho đến Ngã ba Đồng Lộc” để giáo dục truyền thống cho không chỉ đoàn viên thanh niên mà còn cho tất cả mọi người dân Việt Nam về tinh thần vượt khó của thanh niên xung phong trong các cuộc kháng chiến.

Thái Hà (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chuyen-ve-nguoi-chien-sy-thanh-nien-xung-phong-co-noi-nam-xua-49179