Chuyến về nguồn giáo dục truyền thống ý nghĩa cho thế hệ trẻ

Chị Phạm Lê Phương Thảo nhấn mạnh: chuyến hành trình về nguồn đã để lại rất nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp cho tất cả các thành viên của đoàn. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó, tạo động lực hăng say phục vụ công tác tại đơn vị.

Những ngày cuối năm 2023, Đoàn Trường Đại học Trà Vinh tổ chức chuyến về nguồn, giáo dục truyền thống tại tỉnh Lâm Đồng, nhằm nêu cao tinh thần học tập, tìm hiểu, giáo dục truyền thống về di tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua đó, giúp cán bộ Đoàn, Hội có thêm những kiến thức bổ ích về lịch sử của dân tộc. Đồng thời, tạo sân chơi và môi trường thực tiễn cho lực lượng cán bộ làm công tác thanh niên và thủ lĩnh các câu lạc bộ, đội nhóm, nâng cao kỹ năng hoạt động cộng đồng, từng bước mở rộng và phát triển mô hình tập hợp thanh niên.

Tham gia chuyến hành trình có sự tham gia của 70 đại biểu nguyên là cán bộ Đoàn, Hội sinh viên qua các thời kỳ, cán bộ Đoàn - Hội chuyên trách; ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường, cán bộ Đoàn tiêu biểu thuộc các Đoàn cơ sở trực thuộc Đoàn Trường.

Thuyết minh Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt về những chuyện kể sinh động của các cựu tù thiếu nhi.

Thuyết minh Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt về những chuyện kể sinh động của các cựu tù thiếu nhi.

Chị Phạm Lê Phương Thảo, Bí thư Đoàn Thanh niên - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh cho biết: đây là hoạt động thường niên của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường. Hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cho cán bộ Đoàn, ĐVTN về các địa chỉ đỏ tại tỉnh Lâm Đồng. Thông qua chuyến về nguồn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường mong muốn cán bộ Đoàn - Hội, ĐVTN ôn lại truyền thống lịch sử, được tiếp thu giá trị truyền thống của dân tộc, từ đó tự bồi dưỡng cho mình lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Bên cạnh đó, trong chương trình chuyến về nguồn lần này cán bộ Đoàn, ĐVTN Trường Đại học Trà Vinh còn được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động công tác Đoàn, Hội với Đoàn Trường Đại học Đà Lạt.

Bạn Kiều Nguyệt Phương Trúc, Chi hội trưởng Chi hội Sinh viên huyện Cầu Kè chia sẻ: tham gia hành trình lần này, em được đến tham quan Di tích lịch sử Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Thông qua những hình ảnh tái hiện tại Nhà lao em cảm nhận được bản chất của một nhà tù đế quốc. Qua tìm hiểu, Nhà lao đặc biệt này đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 - 17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam.

Nhà lao Thiếu nhi được thiết kế thành một khối chữ nhật khép kín với tường đá bao quanh. Hai dãy nhà dọc hai bên chủ yếu là các phòng giam, xà lim; các dãy nhà ngang tạo hai khoảnh sân ở giữa để phục vụ các hoạt động của tù nhân khi ra ngoài phòng giam. Những khi được cho ra sân tắm nắng, các tù nhân chỉ được phép di chuyển giới hạn trong các ô nhỏ kẻ vạch trên sân tiếp giáp cửa ra vào của mỗi phòng giam.

Theo bạn Nguyễn Văn Trãi, Chi hội trưởng Chi hội Sinh viên huyện Càng Long, Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt nay trở thành một địa điểm tham quan ý nghĩa của tỉnh Lâm Đồng. Đây là “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Được đến đây, được tận mắt nhìn mới cảm nhận được những cơ cực về thể xác mà các cựu tù nhân là thiếu nhi năm xưa đã phải chịu đựng. Em rất khâm phục trước tinh thần đấu tranh bất khuất, quên mình vì Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi năm xưa. Em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa ra sức học tập và hoạt động phong trào góp phần trong công tác Đoàn - Hội của Trường.

Chị Phạm Lê Phương Thảo nhấn mạnh: chuyến hành trình về nguồn đã để lại rất nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp cho tất cả các thành viên của đoàn. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó, tạo động lực hăng say phục vụ công tác tại đơn vị.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/chuyen-ve-nguon-giao-duc-truyen-thong-y-nghia-cho-the-he-tre-34162.html