Chuyện về những cổ phiếu 'thầm lặng'

'Trắng' thanh khoản, giá cổ phiếu gần như không thay đổi và chỉ 'điều chỉnh' ở những ngày chốt quyết nhận cổ tức, nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, nhưng đang 'núp' dưới bóng cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny).

Những con gà đẻ trứng vàng “vắng” thanh khoản

Trung tuần tháng 6/2024, Công ty cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết (mã PTG) đã hoàn tất chuyển cổ tức cho các cổ đông. Với mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông sẽ nhận được 5.000 đồng cổ tức, tương ứng tỷ lệ chi trả 50% - mức cổ tức đáng “ao ước” và vượt xa đa số các doanh nghiệp trên sàn.

Điều đáng nói hơn, thị giá cổ phiếu PTG chỉ là 500 đồng/cổ phiếu. Tỷ suất cổ tức (D/P) được tính bằng số tiền cổ tức so với giá cổ phiếu phản ánh tỷ suất sinh lợi có thể nhận được từ cổ tức nếu mua cổ phiếu ở mức giá hiện tại lên tới 1.000%. Theo quy định, giá cổ phiếu sau ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng với tỷ lệ cổ tức được trả. Tuy vậy, giá cổ phiếu PTG hiện… không thể điều chỉnh thêm.

Thanh toán cổ tức đều đặn với tỷ lệ chi trả cao, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu PTG thời kỳ đầu đã sớm “hoàn vốn” chỉ nhờ khoản thu cổ tức. Trong khi đó, do “trắng” thanh khoản vì không có nhà đầu tư bán hay mua, giá cổ phiếu trượt dần vì điều chỉnh tại các ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức.

Hoạt động kinh doanh hiệu quả cùng quy mô vốn điều lệ nhỏ và không thay đổi qua thời gian giúp vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngành may mặc này đến ngày 31/12/2023 lớn gấp 3,5 lần vốn điều lệ. Nhưng đây không phải trường hợp duy nhất có nghịch lý trên.

Cổ phiếu MEF của Công ty cổ phần Menifa phần lớn đều “trắng” thanh khoản vì cổ đông giữ khư khư “con gà đẻ trứng vàng”. Doanh nghiệp ngành cơ khí có trụ sở tại Thái Nguyên đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức vào ngày 6/5 và nhanh chóng trả cổ tức vào ngày 15/5. Thị giá cổ phiếu MEF khi đó là 3.000 đồng/cổ phiếu, không thể điều chỉnh giá do cổ tức chi trả lên tới 45% (tương ứng phải điều chỉnh giảm 4.500 đồng/cổ phiếu). Liên tục trong một thập kỷ vừa qua, tỷ lệ chi trả cổ tức của Menifa dao động trong khoảng 30-40%.

Cổ phiếu BCB của Công ty cổ phần 397 đang niêm yết trên sàn UPCoM cũng ở tình trạng tương tự khi neo dài ở mức giá 700 đồng/cổ phiếu. Nếu chỉ dựa trên thị giá cổ phiếu, nhà đầu tư dễ dàng nhầm lẫn BCB là cổ phiếu penny do quy mô vốn hóa nhỏ. Tuy vậy, đây đều là các “viên ngọc” ẩn mình với tình hình tài chính lành mạnh.

Đều đặn hàng năm, tỷ lệ cổ tức của doanh nghiệp này trong khoảng 20-40% với ROE cao chót vót (xấp xỉ 30%). Quy mô vốn điều lệ của Công ty cổ phần 397 chỉ khoảng 57 tỷ đồng, nhưng có năm lợi nhuận đạt tới 34 tỷ đồng.

Minh bạch từ nhu cầu tự thân

Các cổ phiếu trên có nhiều điểm chung. Ngoài việc quy mô vốn điều lệ khiêm tốn, cơ cấu cổ đông cô đặc, tình hình tài chính và kết quả kinh doanh quá tốt để “buông tay”, ba doanh nghiệp trên đều chỉ công bố thông tin ở mức tối thiểu. Công ty cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết, Công ty cổ phần 397 và Menifa đều chỉ công bố báo cáo tài chính hàng năm.

Tất nhiên, theo quy định, chỉ tổ chức niêm yết cổ phiếu và công ty đại chúng quy mô lớn mới phải công bố báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính quý đã được soát xét (nếu có). Cả ba doanh nghiệp trên đều đang giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM và có mức vốn điều lệ khiêm tốn. Do đó, việc chỉ công bố thông tin báo cáo tài chính định kỳ hàng năm đều đáp ứng quy định. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, rào cản về khả năng tiếp cận thông tin sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quyết định đầu tư.

Chia sẻ về quan điểm đầu tư đứng ở góc độ một công ty quản lý quỹ, một chuyên gia cũng nhấn mạnh, không phải các quỹ sẽ từ chối tất cả các cổ phiếu đang giao dịch UPCoM. Với các doanh nghiệp có thể tiếp cận đầy đủ thông tin cũng như các thông tin có thêm từ các buổi tham quan, cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp, cổ phiếu cũng có thể nằm trong tầm ngắm của quỹ nếu là một doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, có tiềm năng cải thiện thanh khoản và giá trong tương lai.

Ngay cả trên HoSE, không ít doanh nghiệp từng có thanh khoản cổ phiếu thấp, ban lãnh đạo nhiều năm không tính đến chuyện tăng vốn, nhưng luôn tuân thủ quy định về công bố thông tin. Một số doanh nghiệp cũng tính đến việc phát hành cổ phiếu thưởng hoặc trả cổ phiếu bằng cổ tức, nhằm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, từ đó dần có thể cải thiện thanh khoản trên thị trường.

Trong một chia sẻ hồi cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REECorp nhấn mạnh, thị trường chứng khoán là nơi “tôi luyện” các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch, có trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan như nhà đầu tư, nhà tài trợ, khách hàng, nhân viên và cả nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Trong gần 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, không phải doanh nghiệp nào cũng được biết đến. Thông tin của doanh nghiệp trên thị trường vừa giúp giới đầu tư có thêm “nguyên liệu” trong các quyết định đầu tư, vừa là kênh truyền thông để các đối tác, khách hàng hiểu thên về doanh nghiệp.

Công bố thông tin nhằm minh bạch xuất phát từ chính nhu cầu bên trong mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, xa hơn, không thể loại trừ khả năng tận dụng được cơ hội phát triển hơn nhờ nguồn vốn từ kênh huy động trên thị trường cổ phiếu.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-ve-nhung-co-phieu-tham-lang-d218350.html