Chuyện về những thần đồng văn học không… 'nhỏ tuổi'

Không rơi vào bi kịch của nhiều 'thần đồng' bị thui chột sau một thời gian ngắn, các thần đồng ngày càng phát tiết những khả năng xuất chúng của mình. Đó là Đỗ Nhật Nam và Nguyễn Bình, hai tác giả đã cho ra mắt nhiều tác phẩm khi lên 7 tuổi…

Đỗ Nhật Nam và mẹ.

Đỗ Nhật Nam và mẹ.

Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất Việt Nam

Đỗ Nhật Nam (sinh năm 2001) được biết tới một cậu bé “thần đồng” về tiếng Anh, là dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam với loạt thành tích học tập siêu “khủng”. Cậu từng hai lần được ghi vào Sách kỷ lục Việt Nam: Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất. Năm 2014, Nhật Nam nhận được học bổng của Trường Saint Paul, sau đó học tại Trường Phổ thông Church Farm School (Pennsylvania, Mỹ).

Khi học phổ thông, Nhật Nam đã đạt được rất nhiều thành tích như giải Ba hạng mục Nguyên tắc quản trị kinh doanh trong kỳ thi DECA, điểm tổng kết 2 học kỳ đạt 99/100 điểm… Với những thành tích này, Nhật Nam trúng tuyển vào Trường ĐH Pomona College với suất học bổng trị giá 71.900 USD/năm.

Trở lại cậu bé thần đồng 7 tuổi, Đỗ Nhật Nam đã dịch xong cuốn Sun up, Sun down - The story of day and night (Mặt trời mọc, mặt trời lặn - Câu chuyện của ngày và đêm). Cuốn sách với những câu chuyện về tia tử ngoại, về sự nhỏ bé của mặt trăng và việc bao nhiêu tỉ năm nữa thì mặt trời sẽ biến mất... qua bản dịch của Đỗ Nhật Nam được đánh giá khá cao. Cũng nhờ cuốn sách này, Nam được trao kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam vào tháng 3/2009.

Tiếp đó, Nam cho ra đời cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào”, hoàn thành dự án dịch sách “Tôi tư duy - Tôi thành đạt” và cuốn tự truyện thứ hai “Những con chữ biết hát” khi 10 tuổi. Ngoài học tập, Đỗ Nhật Nam biết cách cân bằng cuộc sống của mình qua dịch sách, làm MC, thậm chí làm trợ giảng ở Trường Phổ thông Quốc tế Newton và được trả lương như một giáo viên của trường.

Ở cuốn "Hẹn hò nước Mỹ" là tâm sự của Nhật Nam từ khi Nam chuẩn bị đi Mỹ du học. Ở đó Nam chia sẻ hành trình của mình từ khi xin học bổng đến khi hòa nhập với cuộc sống một mình ở nước Mỹ năm 14 tuổi. Sách cũng chan chứa nỗi niềm yêu thương của Nam dành cho bố mẹ, cho gia đình. Và ta chợt hiểu, đi hết núi sông, đồng bãi là sẽ gặp nhà mình.

Trong cuốn sách "Bố mẹ đã cưa đổ tớ", chúng ta sẽ hiểu sâu hơn hai chữ “thần đồng” của Đỗ Nhật Nam, thực chất chỉ có 1% tố chất của Nam được thừa hưởng gen trội từ bố mẹ, còn lại 99% đó là nỗ lực, rèn luyện bền bỉ, kiên trì, giữa ba người trong gia đình: Bố, mẹ và Đỗ Nhật Nam. Đỗ Nhật Nam thật may mắn khi có được người bố đáng kính và người mẹ vô cùng tinh tế đã giúp hành trình dậy thì của cậu bé “thần đồng” năm nào thành công. Bằng sự dịu dàng, ân cần, tha thứ, mẹ đã cho Nam cảm giác an toàn. Bằng sự nghiêm túc, chỉn chu, độ lượng, bố đã đem đến sự bình yên, nhẹ nhõm.

Đỗ Nhật Nam và cuốn Bố mẹ đã cưa đổ tớ.

"Hát cùng những vì sao" trước hết là khúc hát của những niềm vui, của nỗi nhớ. Đó là những lời thơ dạt dào tình yêu thương mà Đỗ Nhật Nam dành cho bố, mẹ và những người xung quanh. Nam viết như để sống lại những kỷ niệm ngọt ngào khi ở cạnh bố mẹ và cũng là để xua tan nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong tim. Với bố, Nam viết về bố với tất cả lòng biết ơn, yêu kính, trân trọng, đôi khi là lời trách lẫy nhưng trách chỉ để mà yêu, mà thương quý. Còn với mẹ, tình cảm của Nam dành cho mẹ luôn đặc biệt và vô cùng dịu ngọt. Những hình ảnh Nam chọn lọc để viết về mẹ cũng đẹp và long lanh như tình yêu em dành cho mẹ. Nam ví giọng mẹ như giọt sương tròn lăn, Nam nhìn những giọt nước mắt mẹ tựa ánh sao trên bầu trời New York, Nam nghĩ nơi mẹ ở là thiên đường… Nam ân cần dặn mẹ đừng buồn, Đừng rơi nước mắt/Đừng khóc lúc chiều buông/Đừng quên ngàn câu hát/Cho thềm nhà nở hoa…

Du học Mỹ, xa gia đình nửa vòng Trái Đất, nhớ nhà đến phát khóc là cảm giác thường trực của Nhật Nam những ngày đầu mới đến xứ sở cờ hoa. May mắn thay, nỗi nhớ ấy đã được xoa dịu bởi những người tốt bụng, dù cho họ không cùng huyết thống và khác màu da với cậu.

Một bà lão người Mỹ đã cho cậu những cái nắm tay đầy ấm áp. Một gia đình bình dân đã tặng Nam những lời động viên chân thành. Nhờ có họ, Nam vơi bớt nỗi cô đơn và sự chông chênh khi nghĩ về bố mẹ ở nơi xa. Những con người xa lạ ấy đã dạy cho Nhật Nam một bài học vô cùng quý giá: Tình yêu thương không có biên giới, chỉ cần chúng ta mở cửa trái tim với sự chân thành.

Ở đâu cũng vậy, trưởng thành là một chặng đường đầy chông gai. Hãy dũng cảm đương đầu với khó khăn và thử thách, bạn sẽ dần học được “cách làm người lớn”. Đừng hoảng hốt, sau lưng bạn luôn là gia đình với tình yêu thương vô bờ là thông điệp Đỗ Nhật Nam gửi gắm…

Ngoài tình cảm dành cho gia đình, thơ Nam còn là góc nhìn đa chiều, sâu sắc về cuộc đời. Đó là sự trải lòng, sẻ chia và cảm thông với những gì em bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ vụ khủng bố ở Paris, em bé tị nạn Syria đến cảnh những ông bố, bà mẹ đưa con đi thi đại học trong cái nắng cháy da… Bạn sẽ phải lặng đi trước những câu thơ đầy ám ảnh: Em nằm xuống ôm hận thù, ôm chua xót/Nước Pháp ôm em liệm khúc ru tình/Thôi tim nhé xin ngàn lần tha thứ/Vì em là một phần của nước Pháp hào hoa.

Gây sốc với tiểu thuyết viễn tưởng 1.000 trang khi 10 tuổi

Từ lúc 2 - 3 tuổi, Nguyễn Bình đã đọc thông, viết thạo, 4 tuổi nhờ bố mua Từ điển Hán - Việt, Việt - Anh, tạo hộp thư điện tử riêng, dịch phim trên mạng… Từ năm 6 tuổi đến nay, Bình đã tạo được hơn 100 khái niệm trên từ điển mở Wikipedia, chủ yếu về nền văn minh Ai Cập và các nền văn minh cổ đại khác. Năm 10 tuổi, Bình ra mắt ba tập đầu với gần 1.000 trang của bộ tiểu thuyết dự kiến 8 tập, 12 tuổi làm bộ phim đầu tay…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đó thốt lên: “Vẫn biết Bình là cậu bé đặc biệt, nhưng đến khi cầm cuốn bản thảo tập tiểu thuyết đầu tay của cậu, do chính cậu tự trình bày, mi trang, tôi vẫn thấy kinh ngạc. Nói tóm lại, nó như một cuốn sách dịch. Không ai nghĩ đây là tập tiểu thuyết đầu tay của một cháu bé đang còn học tiểu học.

Bối cảnh và xã hội đó chỉ có trong trí tưởng tượng của người viết nhưng lại rất chân thật và sống động. Các thông tin truyền tải trong cuốn sách lại cực kỳ chân xác. Những câu chuyện liên quan đến đĩa bay, chiến hạm hay âm nhạc cổ điển, rồi các vùng văn hóa trên thế giới... đòi hỏi người viết phải có một kiến thức rất sâu rộng. Nếu không hiểu biết sâu sắc và đầy đủ sẽ không cắt nghĩa nổi các hiện tượng như vốn xảy ra, chưa nói đến việc đưa vào sách để chuyển tải thành suy nghĩ và hành động của các nhân vật một cách nhuần nhuyễn đến vậy”...

Bộ tiểu thuyết “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” của tác giả Nguyễn Bình được viết khi mới 10 tuổi.

Bộ tiểu thuyết “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” của tác giả Nguyễn Bình được viết khi mới 10 tuổi.

Cậu bé năm xưa đã thành chàng thanh niên Nguyễn Bình, đang học cử nhân Khoa học ngành Thiên văn học và Cử nhân Nghệ thuật ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Arizona, Tucson, Hoa Kỳ. Không chỉ tái xuất với những vần thơ lạ kỳ trên tập sách chuyên đề Viết & Đọc, cuối năm 2021, Truyện Kiều song ngữ với bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Bình đã được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Bản dịch này đã giúp Nguyễn Bình giành giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 (năm đầu tiên tổ chức).

Nguyễn Bình sinh ngày 16/12/2001, đang học Cử nhân Khoa học ngành Thiên văn học và Cử nhân Nghệ thuật ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Arizona, Tucson, Hoa Kỳ. Anh sáng tác bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Tác giả của bộ tiểu thuyết giả tưởng 3 tập Cuộc chiến với hành tinh Fantom (NXB Trẻ, 2011) khi mới 10 tuổi. Tác phẩm được Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam tặng Bằng khen, Hội đồng Đội Trung ương và Báo Thiếu niên Tiền phong trao giải Cây bút Tuổi hồng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người đã biết đến Bình từ nhỏ nhận định: Có 2 vấn đề quan trọng ở trường hợp của Nguyễn Bình dịch Truyện Kiều. Trước hết, ở độ tuổi của một người trẻ (chưa đầy 20 tuổi) nhưng Nguyễn Bình đã nghiên cứu Kiều một cách kỹ lưỡng như một chuyên gia, như một nhà Kiều học. Anh nắm rất kỹ về Kiều và những vấn đề liên quan đến Kiều, kể cả điển tích, điển cố và rất nhiều vấn đề khác xung quanh Kiều.

Làm được điều này, Nguyễn Bình có khả năng đọc được bản gốc của các sử thi bằng tiếng cổ của các nền văn hóa khác nhau. Anh thông thạo một số ngôn ngữ cổ điển trên thế giới. Điều này không quá khó hiểu khi ngay từ 6, 7 tuổi, Nguyễn Bình đã đọc Hán tự rất thông thạo. Nguyễn Bình là người rất chịu khó mày mò, cậu nghiên cứu, đọc từ điển Hán - Việt, các văn bản Hán tự thậm chí từ khi chưa cắp sách đến trường.

Trước đây, Nguyễn Bình chủ yếu được biết đến qua bộ sách Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Ở đó thể hiện trí tưởng tượng của một cậu bé. Nhưng trong trí tưởng tượng của cậu là sự logic của vật lý, vũ trụ, toán học và nhiều sự tưởng tượng khác.

Đến khi Nguyễn Bình tiếp tục dịch Truyện Kiều, càng cho thấy trong hệ thống sáng tác chung của Nguyễn Bình từ nhỏ viết tiểu thuyết giả tưởng cho đến làm thơ, dịch Kiều, anh dùng khoa học, triết học, vũ trụ học để chiếu rọi, cộng thêm trí tưởng tượng kỳ diệu và phong phú sẵn có…

Phương Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-ve-nhung-than-dong-van-hoc-khong-nho-tuoi-post443751.html