Chuyện về ông 'Mười cà lăm' ở Cà Mau

Mỗi khi gặp ông, lũ trẻ trong xóm Kinh 40, ấp Kinh 5A, xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau) ba chân bốn cẳng chạy. Tụi nó cũng chẳng biết lý do vì sao phải chạy! Chỉ nghe người lớn truyền tai nhau là ông từng 'bắn' chết rất nhiều giặc Mỹ thời kháng chiến. Tụi con nít chưa hình dung ra được bộ dạng 'giặc Mỹ' tròn méo thế nào nhưng bị hù làm sao không sợ?

Ở xứ Kinh 40, những năm 70 của thế kỷ trước, những người đồng trang lứa hay lớn tuổi hơn đều quý mến ông. Người dân bản xứ trìu mến gọi ông là ông "Mười cà lăm”.

Ông “Mười cà lăm” mà chúng tôi đề cập đến tên thật là Lê Đởm, bí danh thời kháng chiến là Mười Đởm, bạn bè gọi tắt là Mười. Ông người gốc xứ ngọn Rạch Ván, ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau). Thoát ly gia đình từ sớm, tham gia kháng chiến với bề dày thành tích được lãnh đạo huyện Thới Bình tổ chức đưa về hoạt động bí mật ở khu vực xã Tân Quý - Tapasa nay thuộc xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau). Cuộc đời ông gắn bó với mảnh đất xóm Kinh 40 ngót nghét 50 năm.

Những lão điền đồng tuổi với ông Mười kể lại rằng: Từ khi biết làm cách mạng, ông đã cống hiến và luôn trung thành với lý tưởng như buổi ban đầu. Ông từng trải qua 5 lần “thoát ải tử”, nhiều lần bị thương với 17 vết thương khắp cơ thể nhưng vẫn đinh ninh theo Đảng, cùng tập thể phấn đấu vượt qua…

Từ truyền thống gia đình

Truyền thống gia đình là động lực giúp ông Mười hun đúc tinh thần cách mạng vững chắc. Gia đình ông là một trong chi nhánh họ Lê giàu truyền thống cách mạng nhất nhì ở xứ Tân Lộc.

Cha của ông Mười là ông Lê Văn Chương (Hai Bí), từ năm 1956 được Đảng tin tưởng giao giữ trọng trách Bí thư Đảng ủy xã Tân Lộc. Ông Hai Bí là cán bộ tham gia hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ông từng là Phó bí thư Huyện ủy Thới Bình, Phó chánh văn phòng Ủy ban hành chính khu Tây Nam Bộ… Ông Mười có cả thảy 11 anh, chị, em. Ông là người con thứ 10. Trong 11 anh, chị, em có 3 người anh trai tham gia tập kết ra Bắc từ lúc mới lên 12, 13 tuổi. “Người anh hai (Bác sĩ quân y, Đại úy Lê Đại Long) được ba tôi gởi chú bác tham gia cách mạng từ những năm 1947-1950 rồi từng bước trưởng thành. Còn người anh thứ ba (Lê Đại Tảng) hăng say xin theo anh hai vào bộ đội và đánh giặc. Cả hai anh em được tập kết ra Bắc trong chuyến đầu tiên. Đến ngày 10-2-1955, sau Hiệp định Geneve, trên chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc, người anh thứ sáu (Lê Sang) cũng khăn gói lên tàu, năm đó ảnh 12 tuổi”, ông Mười hồi tưởng.

Ông Lê Đởm trong ngày nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Ông Lê Đởm trong ngày nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Sau ngày anh Hai, anh Ba và anh Sáu lần lượt thoát ly theo cách mạng, nhiệt huyết trong lòng chàng thiếu niên Lê Đởm bắt đầu có những định hướng nhất định. Năm 1956, trong lần cùng mẹ đi qua xứ Cạnh Đền thăm người anh thứ tám (Lê Công Đoàn) là cán bộ Tỉnh đoàn Rạch Giá, đi ngang dòng Chắc Băng (nay gần vàm kênh Ranh Hạt) qua lời kể của má: "Đó là nơi anh Sáu xuống tàu tập kết ra Bắc” mà trong lòng mến thương khôn xiết. Nhưng tuổi thơ vừa lên 7 làm sao có thể hình dung được hoàn cảnh người anh trai 12 tuổi phải vật vã dưới tàu, vượt hàng nghìn hải lý ra Hà Nội như thế nào?.

Sau khi trở về vàm Rạch Ván từ lần đi Cạnh Đền, Mười được anh em trong xã ủy dìu dắt tham gia vào Đội Thiếu niên Tiền phong của xã. Ở đó, Mười có người anh thứ tư (Lê Măng) đang là Thư ký Văn phòng xã ủy. Anh Tư, là thanh niên dũng cảm của vùng đất Tân Lộc, từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên kháng Pháp ở Sài Gòn - Gia Định. Đến kháng chiến chống Mỹ, anh Tư được chuyển công tác về cơ sở để làm nòng cốt cách mạng.

Năm 1956, trong một lần đi công tác, anh Tư tranh thủ tạt ngang nhà thăm mẹ nhưng bị toán lính biệt kích từ đồn cầu số ba phát hiện truy kích. Trước lúc hy sinh, anh Tư ghìm chặt khẩu AK, chĩa thẳng vào toán lính bóp cò. Sau đó, những lưỡi lê nhọn hoắt rợn người của tụi lính biệt kích một nhát, hai nhát rồi nhiều nhát xuyên qua tim anh Tư. Người bạn đồng hành cùng anh Tư ngày ấy đau xót, viết nên những vần thơ:

… Măng là một thanh niên tráng kiện

Nơi chôn nhau cắt rốn Mũi Cà Mau

Trải chín năm trong binh lửa gian lao

Chàng trai trẻ quyết quên mình cho kháng chiến…”.

* (Bài thơ: Măng và Lan của tác giả Nghê Trường Sinh viết đăng trên Tạp chí Lúa Vàng - tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Cà Mau).

Trong một lần giỗ con trai, ông Hai Bí ôm ấp niềm hy vọng tìm gặp tác giả Nghê Trường Sinh để cảm tạ nhưng mãi đến khi trút hơi thở cuối cùng, tâm nguyện của người cha vẫn chưa thành!

Nỗi tiếc thương anh Tư chưa nguôi ngoai thì 2 năm sau (lúc đó Mười lên 9 tuổi) cùng mẹ nhận tin anh Tám (Lê Công Đoàn) hy sinh. Hay tin, mẹ dắt Mười xuyên qua bao vòng vây, đồn bót từ Tân Lộc qua xứ Cạnh Đền. Đến khi tìm được đồng đội của anh Tám thì mới tỏ tường: Anh Tám hy sinh trong khi huấn luyện. Sau tiếng nổ thất thần của quả bom tự chế, đồng đội không tìm thấy dù một phần thân thể nào của anh.

Ba người anh đi tập kết, hai người anh ở lại miền Nam hy sinh, ông Mười và năm người anh, chị em còn lại đều tham gia cách mạng, hoạt động chính trị, dân chánh và bộ đội chủ lực ở địa phương. Trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, gia đình ông Mười được Nhà nước vinh danh 2 liệt sĩ, 7 thương binh và mẹ ông, vào năm 2010, Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Riêng, ông Mười được tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhì; thương binh hạng 4/4.

Nghị lực của một thương binh

Nói về gia đình ông Mười, anh Lê Thành Tây, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lộc cho biết: “Toàn xã Tân Lộc có 51 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 375 gia đình có người hưởng chính sách người có công, hưởng trợ cấp thường xuyên. Nhưng chỉ tính riêng gia đình, anh em thuộc họ Lê của ông Mười Đởm ở xứ Tân Lộc có 13 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 47 thương binh”.

Ít ai nghĩ rằng ông Mười sẽ trở thành một nông dân thực thụ. Thế mà, từ một thương binh 4/4, một vị lãnh đạo địa phương trẻ, bản lĩnh trong thời kỳ đổi mới (1986), ông đã vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình khấm khá, các con đều được tôi rèn đầy bản lĩnh như ngày nay.

Tình cờ gặp lại ông Hồ Xuân Việt, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau, nguyên Bí thư Huyện ủy Thới Bình, chúng tôi được ông kể: “Hồi đó, khi ông Mười làm ở Văn phòng Huyện ủy, tôi còn nhỏ nhưng còn nhớ rõ: Ông nói chuyện cà lăm, nhưng đọc diễn văn hay khi đi cơ sở vận động quần chúng ông nói không vấp một chữ. Ông còn có biệt tài viết bài tuyên truyền với nét chữ điêu luyện của nhà giáo thời kháng chiến. Tính khí ôn hòa, ông Mười mà bực tức lên thì không nói, không cự cãi với ai, chỉ im lặng đi chỗ khác. Ấy vậy mà trong tổ chức, anh em, đồng đội đều mến thương”.

 Niềm hạnh phúc của gia đình ông Lê Đởm, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Niềm hạnh phúc của gia đình ông Lê Đởm, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Gặp bà Nguyễn Thị Xem (Tám Xem), nguyên Phó bí thư Huyện ủy Thới Bình, từng có thời gian dài công tác cùng ông Mười, bà nhận xét từ tốn về ông: “Ông Mười là người anh, người đồng chí mẫu mực. Tính tình cương trực, chịu khó. Hồi thời học sư phạm khu T3 ở vùng Ngọc Hiển, thiếu ăn; đến khi đi dạy trong vùng địch chiếm đóng ông thầy giáo “cà lăm” càng thiếu ăn nhưng vẫn bám lớp, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Ngót nghét hơn 30 năm về thực hiện trách nhiệm trụ cột với gia đình, trải qua bao bận gian khó, từ lão nông “không mảnh đất cắm dùi”, ông và vợ bươn trải bằng nghề dệt chiếu - nghề truyền thống nức tiếng xứ Tân Lộc; rồi bà con lại bắt gặp hình ảnh “ông chủ tịch” chèo xuồng đi bán hàng bông, lái ghe buôn hàng sáo (bán gạo), bán vải… Giờ ông hãnh diện với dòng tộc, với chòm xóm, anh em đồng đội khi con cháu cùng tiếp bước đi làm cách mạng.

Bài và ảnh: PHÚ ĐỨC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chuyen-ve-ong-muoi-ca-lam-o-ca-mau-737406