Chuyện về thầy Diệp

Gần một năm nay chị Nguyễn Thị Lụa, trú tại tổ 4, khu phố 3, thị trấn Đức Tài – Đức Linh như được hồi sinh sau khi ghép thận. Từ một người bị bệnh hiểm nghèo – suy thận mãn, trong gần 10 năm trời, chị cùng người thân phải ròng rã chuyển hết bệnh viện tuyến huyện, đến tỉnh, rồi lại vào TP. Hồ Chí Minh để chữa chạy tốn kém không ít về vật chất mà còn hao tổn về mặt tinh thần trong cuộc chiến giành giật mạng sống hết sức cam go.

Chuyện về thầy Diệp

 Thầy giáo Diệp phải trải qua nhiều bệnh viện để làm tất cả những xét nghiệm liên quan đến độ tương thích giữa người “trao” và “nhận” thận.

Thầy giáo Diệp phải trải qua nhiều bệnh viện để làm tất cả những xét nghiệm liên quan đến độ tương thích giữa người “trao” và “nhận” thận.

Nhưng đến nay thì khác. Từ người phải chạy thận đến 3 lần/tuần, sức lực héo tàn, nước da thì sạm đen – biểu hiện đặc trưng của những người bị suy thận rất nặng, đến nay da dẻ chị Lụa hồng hào trở lại, thần sắc tươi tắn. Giờ đây, mọi sinh hoạt của một người phụ nữ bình thường như chợ búa, cơm nước đã giúp chị lấy lại thăng bằng, đưa chị trở lại cuộc sống đời thường mà gần 10 năm qua chị có muốn cũng không thể kham nổi vì sức khỏe không cho phép.

Điều kỳ diệu đến khó tin

Mỗi khi có ai hỏi về câu chuyện vợ anh được cứu sống như thế nào, anh Nguyễn Thanh Bình, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đức Linh, là chồng của chị Lụa vẫn giữ nguyên tâm trạng xúc động đến khó tả, với đôi mắt rưng rưng, anh thuật lại câu chuyện.

Người mang lại hồi sinh cho chị Lụa, vợ anh lại chính là thầy giáo Nguyễn Như Diệp - Bí thư Chi bộ,hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Đức Tín, huyện Đức Linh - hàng xóm của vợ chồng anh.

Là bạn cùng uống cà phê với nhau khi rảnh rỗi ở một quán trong ngõ gần nhà, hàng ngày, thầy Diệp đã thấu hiểu được tình cảnh của gia đình anh Bình. Biết chị Lụa mắc bệnh hiểm nghèo, biết vợ chồng anh Bình thường xuyên phải dắt díu nhau xuốngbệnh viên đa khoa Nam Bình Thuận và sau này vào Bệnh viện 115 TP. Hồ Chí Minh lọc máu, rồi chạy thận liên tục trong nhiều năm liền, tốn kém vô kể, mà mạng sống chỉ có thể là duy trì, mà không ai dám xác định là bao lâu, thầy Diệp đau đáu trong lòng. Sau khi biết chị Lụa thường xuyên phải truyền máu, thay vì liên tục tham gia phong trào hiến máu ở huyện, thầy Diệp sẵn sàng hiến luôn cho người đang cần là chị hàng xóm ốm đau thường xuyên.

 Thầy Nguyễn Như Diệp.

Thầy Nguyễn Như Diệp.

Tuy nhiên, sau nhiều đêm trăn trở, thầy Diệp thổ lộ với người bạn đời của mình là chị Nguyễn Thị Kim Loan. Theo anh, cách cứu chị Lụa duy nhất, khả quan nhất mà anh có thể làm được đó là cho thận. Thầy Diệp động viên vợ: “em yên tâm, anh có sức khỏe tốt, lại rèn luyện thể thao thường xuyên và sinh hoạt điều độ, nên nếu còn một bên thận cũng không sao”. Nghe vậy, chị Loan chỉ im lặng rồi bóp chặt tay chồng. Và thầy Diệp hiểu rằng vợ mình cũng đồng cảm với việc anh sẽ làm.

Khi thầy Diệp bày tỏ nguyện vọng muốn hiến thận cho chị Lụa, vợ chồng anh Bình như không tin vào tai mình, với bao nỗi ngại ngần. Bởi lẽ, họ chẳng phải là máu mủ gì, chỉ là hàng xóm, rồi sợ đến cả những tác động đa chiều từ bên ngoài cũng dễ gây xáo trộn trong tâm lý đôi bên.

Thấy vợ chồng anh Bình có vẻ chần chừ mãi, mà nếu để lâu, cơ hội sống của chị Lụa sẽ càng mất dần. Nhiều lần vợ chồng thầy Diệp phải chủ động thúc giục để mình cùng gia đình chị Lụa vào TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục trao và nhận.

Có lẽ đây là cuộc hành trình gian nan nhất, vì bao nhiêu thủ tục rắc rối và tốn kém về chi phí. Trong suốt 9 tháng ròng rã, thầy Diệp phải thu xếp làm sao cho mọi công việc ở trường vẫn ổn thỏa, để lên xe vào TP. Hồ Chí Minh từ 1 - 2 giờ sáng, rồi lại tất tả quay về Đức Linh làm việc. Cùng với vợ chồng anh Bình, thầy Diệp phải trải qua nhiều bệnh viện để làm tất cả những xét nghiệm liên quan đến độ tương thích giữa “trao” và “nhận”. Trong đó, xác định chỉ số HLA nhằm xác định số lượng các kháng nguyên phù hợp càng cao, sẽ làm tăng cơ hội cho bên nhận một xét nghiệm rất tốn kém và nhiêu khê vì phải làm đi làm lại ở nhiều thời điểm thì mới cho kết quả chính xác nhất.

Và rồi, vào những ngày cuối năm, ca mổ hiến thận giữa thầy Diệp và bên nhận là chị hàng xóm đã thành công mỹ mãn tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Ca mổ ghép thận phức tạp kéo dài 8 giờ. Nhưng ngay sau khi vừa choàng tỉnh, dù đang còn rất đau đớn, ngay câu nói đầu tiên, thầy Diệp đã hỏi thăm về tình trạng của chị Lụa. Sau khi được ghép thận, sức khỏe chị hàng xóm tiến triển từng ngày, không chỉ gia đình chị Lụa vui đến vỡ òa, thậm chí vẫn chưa tin dù đó là sự thật, còn vợ chồng thầy Diệp cũng trong tâm trạng lâng lâng khó tả. Bây giờ, 2 bên gia đình còn khắng khít hơn cả ruột thịt, dù không cùng huyết thống.

Câu chuyện giữa “trao” và “nhận” này làm lay động lòng người, trong đó có tập thể y bác sĩ của các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh khi họ chứng kiến “đôi bên” cùng nhau từ điểm “bắt đầu” đến khi “kết thúc”. Khi câu chuyện “trao – nhận” của thầy Diệp lan tỏa. Nhiều người hỏi thầy Diệp rằng, động cơ nào để thầy đủ can đảm, tặng người khác một phần cơ thể của mình, thầy Diệp có khuôn mặt hiền và nước da rám nắng, thầy cười vui vẻ: “chia sẻ sự sống cho những người kém may mắn là tâm nguyện của tôi từ rất lâu. Chỉ cần sức khỏe của tôi luôn tốt thì tôi sẽ thực hiện...”.

Người thầy mẫu mực, tận tâm và sáng tạo

Khi hỏi thăm về thầyhiệu trưởng Nguyễn Như Diệp, các em học sinh tại Trường THCS Lương Thế Vinh, nhanh nhẩu nói như reo: “Thầy Diệp của tụi con rất ân cần niềm nở, gặp bạn nào sai trái, thầy không la mắng mà kêu lại nhỏ nhẹ phân tích, rồi khuyên bảo tụi con đừng như vậy nữa. Thầy hay quan tâm đến học sinh, nhất là mấy bạn ở thôn dân tộc vì nhà mấy bạn nghèo. Tụi con thích nhất là thầy Diệp có nhiều phương pháp giảng dạy rất hay, nhờ vậy mà tụi con say mê hơn trong các môn học, đặc biệt là môn toán”.

Các phong trào thi đua “học tập và làm theo lời Bác” luôn được thầy hiệu trưởng cùngban giám hiệu cụ thể hóa, gắn với nội dung yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh. Từ đó, tạo động lực để thầy và trò ởtrường THCS Lương Thế Vinh, cải tiến chất lượng dạy và học. Trong đó các tiết dạy lồng ghép vào các chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn tạo nguồn cảm hứng để tập thể thầy – trò trong trường tham gia tích cực và đạt kết quả cao.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, thầy Diệp luôn đặt ra mục tiêu cho mình, cũng như định hướng cho nhà trường bằng những hành động cụ thể như: hiến máu nhân đạo, góp quần áo cũ cho người nghèo; vận động bạn bè, người thân góp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó...

Ngoài những đóng góp theo quy định, gần 10 năm qua, thầy luôn trích từ đồng lương ít ỏi của mình một khoản, để góp và duy trì “nồi cháo từ thiện” tại bệnh viện đa khoa Nam Bình Thuận.

Bà con nơi khu phố thầy Diệp đang sinh sống thì nhận xét: gia đình thầy Diệp thật mẫu mực, lề lối sinh hoạt đến lời ăn tiếng nói từ người trong nhà đến bà con chòm xóm nhẹ nhàng khiến ai cũng mến thương. Đặc biệt gia đình thầy Diệp luôn quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn để tìm mọi cách chia sẻ và giúp đỡ trong khả năng của mình.

Đánh giá về phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở địa phương, đặc biệt với tập thể trường THCS Lương thế Vinh, trong đó cá nhân Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Như Diệp là điển hình, ông Trần Cao Thùy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Linh nhấn mạnh: Trong vai trò là “thủ lĩnh”, thầy Diệp luôn xác định “làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề thì mới thành công được” như tâm niệm của Bác. Đó chính là kim chỉ nam, là khởi nguồn để thầy – trò trường THCS Lương Thế Vinh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bản thân thầy Diệp nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Đảng ủy xã Đức Tín, Huyện ủy Đức Linh và Tỉnh ủy Bình Thuận tuyên dương về thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Vũ Hương Giang

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/chuyen-ve-thay-diep-121175.html