Chuyện về vị Quốc đô Thành Hoàng Đại Vương của kinh thành Thăng Long

Trong lịch sử nước Việt, thân thế của thần Long Đỗ (tên hiệu hoặc xuất xứ nơi hiển Thánh chưa xác định rõ), dân gian gọi là Thần Hoàng của Kinh thành hay Đông Trấn Thần còn chưa rõ ràng.

Đền Bạch Mã -ngôi đền thiêng trấn Đông thành Thăng Long

Đền Bạch Mã -ngôi đền thiêng trấn Đông thành Thăng Long

Chuyện thị uy với Cao Biền

Có nơi nổi tiếng thờ Long Đỗ Thần là đền Bạch Mã xưa thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức - là cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng - hai dòng sông huyết mạch của Hà Nội cổ.

Theo “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên thế kỷ XIV viết: “Vương họ Tô, húy là Lịch sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ...”, còn Lĩnh Nam Chích Quái biên soạn từ thời Trần thì viết một người tên Tô Lịch: “xưa sống ở Long Đỗ, nay là mé ven sông, ba đời nhân nhượng mà sống với nhau. Đời Tấn được cử làm chức Hiếu liêm, cắm cờ ở trước cổng xóm, vì vậy người đời bèn gọi xóm ấy là xóm Tô Lịch”.

“Việt điện u linh tập” chép rằng, năm 866 Cao Biền khi ấy đã đắp xong thành Đại La bèn ra cửa Đông dạo chơi. Bỗng đâu gió nổi, mây mù, một người cao lớn mặc áo gấm cưỡi rồng ẩn hiện. Cao Biền sợ hãi, ngay lập tức nảy sinh ý định lập bùa trấn yểm.

Đêm đó, Cao Biền nằm mộng thấy vị thần cao lớn ấy hiện ra khoan thai nói: “Ta là tinh anh ở Long Đỗ. Nghe tin ông đắp thành nên đến chơi. Việc gì phải trấn yểm?”. Tỉnh dậy, Cao Biền bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống đất để trấn yểm.

Việc vừa làm xong, một trận cuồng phong nổi lên, vàng, đồng và bùa của Cao Biền bị đánh tan thành tro bụi. Cao Biền hoảng hồn, than thở “Ta phải về phương Bắc mất thôi!” rồi lập tức cho người lập đền thờ thần Long Đỗ. Quả nhiên, sau đó ít lâu Cao Biền bị triệu về cố quốc và phải chết tức tưởi.

Trong thời Bắc thuộc, các thứ sử, thái thú khi đắp thành, trị nhậm vùng Long Đỗ đều phải cầu khấn, xin phép ngài. Ngài đã từng hiện lên phá nát đàn trấn yểm của Cao Biền khiến Cao Biền phải thở than và trở về Bắc quốc. Thần hiệu của thần thời Lý phong là Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Nhà Trần gia phong là Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thành hoàng Đại vương.

Tượng thờ trong Đền Bạch Mã

Tượng thờ trong Đền Bạch Mã

Thần phù vua xây thành

Thần Long Đỗ là vị thần được thờ tại đền Bạch Mã (số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), một trong Tứ trấn Thăng Long - vị thần được bao triều đại phong tặng là Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Gắn liền với chuyện Thần hiển linh giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long.

Trong Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần kể: Sau khi dời đô ra Thăng Long, để tiện việc phòng bị giặc giã, Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng triều Lý bắt tay ngay vào việc đắp lũy xây thành. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là thành xây đến đâu, dù gia cố thế nào cũng vẫn bị sụp đổ.

Thấy việc dựng thành gặp khó khăn, Vua Lý Thái Tổ bèn tới đền thờ thần Long Đỗ - được dân gian coi là thần cai quản chốn Đại La - cầu đảo, xin được phù trợ. Đêm đó, Nhà vua nằm mộng thấy thần Long Đỗ nói rằng, cứ theo dấu chân ngựa mà đắp thì thành tất sẽ vững vàng. Thần vừa dứt lời, một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, thủng thẳng bước từ hướng Tây, rẽ qua hướng Đông một vòng rồi lại biến mất vào trong đền.

Hôm sau, Lý Thái Tổ cho đắp thành theo dấu chân bạch mã trong giấc mộng. Quả nhiên, thành Thăng Long không bị lún sụt nữa. Nhà vua cảm kích trước sự phò trợ của thần Long Đỗ bèn ban sắc phong thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương, lại cho tạc một bức tượng ngựa trắng để thờ trong đền và đặt tên cho ngôi đền thờ thần Long Đỗ thành Bạch Mã linh từ (đền thiêng Ngựa Trắng).

“Việt điện u linh tập” có ghi: Hỏi thăm người già, thì nói: “Thần trong lúc xây thành, có công giúp dân giúp nước, hiện rõ ràng là con ngựa trắng, anh linh rực rỡ, chẳng gì hơn được! Rồi đặt tượng Mã Nhiếp ở đó, cho nên nay nhiều cầm thú đi qua đền đều chết ngay tức thì.Vì vậy phong làm Bạch Mã Đại vương là như vậy.” Mà khách phương Bắc đi buôn bán ở phương Nam cho lời nói bậy là thực, vơ đất xây tường, tôn sùng và khen thưởng. Lại ngộ nhận hai chữ Bạch Mã là tướng quân Mã Phục Ba người Đông Hán đi bình đất Giao Châu… Vì vậy, chuyện thần Long Đỗ (Bạch Mã) là cổ thần người Việt chứ không phải thờ Mã Viện như một số ý kiến trước đây đưa ra khi nghiên cứu vấn đề này.

Trong Long Đỗ chính khí thần truyện (truyện về thần Long Đỗ được thờ ở đền Bạch Mã) ghi lại: “Đường - Cao Biền lai trấn ngã quốc, Trúc La thành. Nhất nhật du quan thành - đông môn chi ngoại. Hốt nhiên vân vũ đại tác, kiến ngũ sắc vân tòng địa xuất. Biền thậm dị chi. Thị dạ Biền mộng thần nhâm dị viết: Ngô phi yêu khí. Nãi Long Đỗ chính khí thần dã. Ngô hiện nhi lai quan tân thành nhĩ. Biền lập đàn dĩ thiết yểm chi. Hốt nhiên thiên địa hối phong lôi khởi, thiết hóa nhi vi không. Biền thung hữu quy Bắc chi tâm... hậu Long Đỗ Thần trợ Lý Thái Tổ phong vị Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương - Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần!”. Như vậy, các cứ liệu lịch sử ghi rõ Long Đỗ là Thần trợ Vua Lý xây thành, được phong Thành Hoàng Thăng Long.

Đình Nhân Nội có ban thờ Bạch Mã Đại Vương

Đình Nhân Nội có ban thờ Bạch Mã Đại Vương

Một số tích khác

Trên phố hàng Nón có đình Nhân Nội, thờ Bạch Mã Đại Vương, xưa có tên miếu thờ Bạch Mã. Địa điểm này gần với khu vực đền Bạch Mã (hàng Buồm), phải chăng có sự hiển linh của thần Long Đỗ ở vùng đất này để phù trợ Vua xây kinh thành Thăng Long nên được nhân dân lập miếu thờ, nay vẫn còn Thánh tượng.

Tại vùng Gia Lâm có đền Khoan Tế (dân gọi đền Bạch Mã), dân làng gọi nơi đây thờ thần Bạch Mã hiển linh phù Vua, giúp nước, phù hộ nhân dân bản xứ. Theo truyện kể ở đây thì đền này mới là đền thờ gốc. Đền Bạch Mã ở Thăng Long được lấy chân nhang từ đây về lập đền mà thờ dưới triều Lý.

Một sự tích khác tại chùa Vân La (thôn Vân La, xã Văn Khê, thành phố Hà Đông). Đây là ngôi chùa cổ nằm dưới tán một cây bồ đề cổ thụ, gốc lớn bốn năm người ôm không xuể, kề bên có một giếng cổ hình tròn dân làng Vân La gọi là giếng mắt rồng.

Theo sách Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư ghi chép về nước Việt thuở Hồng hoang, có người họ Đỗ vùng Bách Việt xa xưa nhất được biết đến và được ghi chép đầy đủ về thân thế, công trạng với tên Đỗ Thị Đoan Trang, húy là Ngoan, được tôn kính gọi là Đỗ Quý Thị (Quý bà họ Đỗ). Trong chùa hiện còn tượng thờ Ngài và con trai là Kinh Dương Vương và vài tấm bia đá khắc chữ hán nôm.

Tục truyền cụ là con gái cụ Long Đỗ Hải Vương trấn trị ở cửa sông Tô Lịch vùng Nghi Tàm (cụ Long Đỗ về sau còn được gọi là Thần Bạch Mã, một trong tứ trấn Thăng Long thành, thờ ở đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm, Hà Nội).

Có một điều lạ lùng về sự linh thiêng của đền Bạch Mã và vị Thành Hoàng kinh thành là dù xung quanh đền đã phải hứng chịu tới 3 cuộc hỏa hoạn lớn nhưng đền đều… vô can. Ngoài ra, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bom B52 rải thảm ở miền Bắc, mọi thứ xung quanh đền đều bị tàn phá, riêng ngôi đền Bạch Mã vẫn uy nghi, vững chãi. Thái sư Trần Quang Khải với 2 câu tỏ ý kinh ngạc trước sự linh thiêng của đền Bạch Mã như sau: “Lửa bốc ba lần không cháy đến/Gió lừng một trận chẳng hề nghiêng!”.

Trải qua hàng thế kỷ, những huyền tích về vị Quốc đô Thành Hoàng Đại Vương của kinh thành Thăng Long là những lớp huyền thoại được ghi chép và truyền lại với nhiều dị bản. Nhưng, khí phách linh diệu của thần Long Ðỗ - Bạch Mã che đỡ, phù trợ cho mảnh đất kinh thành vững chãi vượt qua những biến cố - thăng trầm của lịch sử.

Minh Hải

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/chuyen-ve-vi-quoc-do-thanh-hoang-dai-vuong-cua-kinh-thanh-thang-long-473876.html