Chuyện về 'Xứ Đoài thi quán'

Xứ Đoài từ lâu được biết đến là vùng đất sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ, nơi có truyền thống văn hóa - văn nghệ, thế nhưng không nhiều người làm được như Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên cán bộ quân đội về hưu), đó là thành lập Xứ Đoài Books (còn gọi là Xứ Đoài thi quán) ngay tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng). Qua 7 năm tồn tại và phát triển, Xứ Đoài Books là điểm hẹn lý tưởng, thú vị của những người yêu văn chương.

Sách là tri âm, tri kỷ

Tôi quen Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng qua nhiều cuộc đàm đạo văn chương, âm nhạc trên mạng và thấy được ở anh có tình yêu lớn với văn hóa đọc cũng như văn hóa đáng tự hào của người xứ Đoài. Thế rồi, nhận lời mời của anh, tôi đã thăm Xứ Đoài Books trong một ngày đông giá buốt.

Dáng người nhỏ nhắn, hoạt bát, anh Hùng đón tôi như một người lâu ngày chưa gặp. Khi tôi vén tấm mành tre lên thì đã thấy câu đối hiện ra thể hiện sự hiếu khách của “chủ quán”: “Tháo phên trước cửa nghênh tân khách/ Lật vách sau hè tiếp cố nhân”. Đi tiếp khám phá “thi quán”, tôi thấy đâu đâu cũng là sách mà đều là sách quý, những sách có niên đại nhiều năm và cũng rất khó tìm mua trên thị trường.

Bên chén trà đặc, cùng chiếc kẹo lạc ngọt, thơm mùi vừng, anh Hùng “dẫn” tôi trở về với quá khứ nhiều năm trước khi đến với sách. Anh kể, từ hồi mới vào lớp 1, do nhà ở gần hiệu sách tại ngã tư Trạm Trôi nên buổi trưa anh thường ra hiệu sách để “ngắm nhìn” chứ không phải để đọc và tình yêu sách đến với anh từ đó, mỗi ngày lại dày thêm.

Anh tìm thấy trong sách có những điều lý thú, bổ ích được đúc kết mà ngoài cuộc sống anh không được tiếp cận. Xuất phát từ trí tò mò đến đam mê, anh đã yêu, đã say sách vở từ ngày ấy đến khi là một sĩ quan quân đội và cho đến bây giờ khi đã nghỉ hưu.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - chủ nhân của Xứ Đoài thi quán. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - chủ nhân của Xứ Đoài thi quán. Ảnh nhân vật cung cấp

Với anh Hùng, sách như người bạn tri âm, tri kỷ và mỗi cuốn sách đều có ký ức, có kỷ niệm riêng. Với nhiều người, sách cũ không có giá trị thì với anh sách cũ là tài sản vô giá, bởi ngoài giá trị kiến thức nó còn mang giá trị lịch sử, mang giá trị thời đại.

Sở hữu những cuốn sách cũ là sở hữu ký ức của một thời xa xưa mà không có lực lượng siêu nhiên nào giúp ta quay trở lại được. Bởi thế, với những cuốn sách cũ anh thường bảo quản, cất giữ rất cẩn thận, bởi đa phần nó đều có nguy cơ rất cao trong việc rách nát, bong tróc.

“Những sách cũ sưu tầm được, tôi sắp xếp, phân loại, đánh mã số, ghi thẻ, bọc nylon, lót chèn bìa các tông, để trong những vỏ hòm gỗ thông đựng đạn, ngày nắng bê thùng mang phơi, kê cao ráo... nhằm tăng tuổi thọ cho sách”, anh Hùng chia sẻ.

Hiện quán có vài nghìn đầu sách đủ mọi thể loại: Từ điển, kỹ thuật, tin học, lập trình, ngoại ngữ (Anh, Nga, Pháp), sách Đông y, triết học, Phật giáo, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo, sách giáo khoa, luận văn, kỹ năng sống, nữ công gia chánh, gia đình, nấu ăn, nuôi dạy con, văn học nước ngoài, văn học Việt Nam... Trong đó, sách văn học chiếm số lượng nhiều nhất và có mọi thể loại thơ ca, chèo, lý luận phê bình, truyện ngắn, tiểu thuyết...

Luôn tự hào vì xứ Đoài sinh ra nhà thơ Quang Dũng nên anh đã để riêng một tủ sách dành cho tác giả của “Tây Tiến”, của “Xứ Đoài mây trắng”, của “Đôi mắt người Sơn Tây”… Ngoài ra, các cuốn sách, tài liệu quý của các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ đương đại như Tản Đà, Tào Mạt, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Hồ Phương, Khuất Quang Thụy, Đoàn Bổng, Ngọc Khuê… đều được anh lưu giữ cẩn thận.

Một bảo tàng trong tương lai không xa

Là người có sách được trưng bày tại Xứ Đoài thi quán, nhạc sĩ Ngọc Khuê (người Hoài Đức, tác giả ca khúc nổi tiếng “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa”) chia sẻ: “Tôi thật sự choáng ngợp về tình yêu sách của “ông chủ” cũng như số lượng sách quý trong Xứ Đoài thi quán. Trong xã hội hiện nay, khi nhiều người mải làm ăn sinh sống mà bỏ quên quá khứ, bỏ quên giá trị của văn hóa – văn nghệ thì anh Hùng vẫn như một “hiệp sĩ” trên hành trình tìm kiếm, sưu tầm và làm dày dặn hơn kho sách của mình.

Nhắc đến xứ Đoài là nhắc đến một vùng đất nổi tiếng về văn hóa - văn nghệ nhưng sự nổi tiếng này lâu dần sẽ bị dần phai mờ nếu như không có người gìn giữ, quảng bá, tuyên truyền những tác phẩm của họ. Anh Hùng đã mạnh dạn, dũng cảm đi theo con đường này mà trước nay rất ít người đi. Nhưng chắc chắn anh sẽ không đơn độc, bởi khi anh mở Xứ Đoài thi quán đã có rất nhiều văn nghệ sĩ khắp nơi gửi những “đứa con tinh thần” về. Điều đó cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối với tâm huyết cũng như tấm lòng của anh Hùng với giá trị văn hóa".

Nhìn nhận theo một cách khác, nhạc sĩ Đoàn Bổng (người Thường Tín, tác giả ca khúc “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” (thơ Lai Vu) cho biết, Xứ Đoài thi quán không chỉ là điểm hẹn của những người yêu văn chương mà còn là điểm đến thú vị của những em học sinh có tình yêu với sách vở. Tại đây, các em - những mầm non tương lai của đất nước nói chung và của xứ Đoài nói riêng sẽ được thẩm thấu những giá trị của cha ông. Đó chắc chắn sẽ là động lực thôi thúc để các em cố gắng học tập, phấn đấu hơn nữa, nhất là bồi đắp tình yêu với văn chương để xứng đáng là những công dân của xứ Đoài và cũng biết đâu đấy, chúng ta sẽ có một Tản Đà, một Quang Dũng thứ hai.

 Các văn nghệ sĩ ghé thăm Xứ Đoài thi quán. Ảnh nhân vật cung cấp

Các văn nghệ sĩ ghé thăm Xứ Đoài thi quán. Ảnh nhân vật cung cấp

 Các văn nghệ sĩ ghé thăm Xứ Đoài thi quán. Ảnh nhân vật cung cấp

Các văn nghệ sĩ ghé thăm Xứ Đoài thi quán. Ảnh nhân vật cung cấp

Sau 7 năm đi vào hoạt động, Xứ Đoài thi quán đã thu hút nhiều khách chơi thơ, chơi nhạc và các em học sinh đến thăm thú, tìm hiểu, thế nhưng ý định của “ông chủ” Nguyễn Mạnh Hùng chưa dừng lại. Với tiềm lực kinh tế và với tình yêu văn chương dạt dào, anh đã lên ý tưởng thành lập Bảo tàng Văn học nơi xứ Đoài mây trắng. Bởi theo anh, giá trị văn hóa - văn nghệ nơi đây phải xây dựng một Bảo tàng thì mới xứng tầm.

“Bảo tàng sẽ được thiết kế gồm có khu A và khu B. Khu A có diện tích đất gần 400m2, tọa lạc ven sông Hồng (thôn Thượng Trì, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng), tôi dự kiến làm phần bảo tàng “Xứ Đoài thơ” trước (giai đoạn 1). Khu B tọa lạc tại trung tâm thị trấn Phùng, với diện tích gần 100m2 đất và sẽ xây 7 tầng với hơn 700m2 sàn để làm “Xứ Đoài văn” tiếp theo (giai đoạn 2)”, anh Hùng chia sẻ.

Nghe anh chia sẻ về một bảo tàng với biết bao đầu việc, với biết bao toan tính, thế nhưng qua giọng nói và khuôn mặt của anh tôi không hề thấy sự lo lắng nào cả. Bởi có lẽ anh Hùng tin vào giá trị của văn hóa sẽ làm lay động, thức tỉnh lòng người đến với giá trị chân - thiện - mỹ, giúp con người sẽ sống nhân văn, nhân ái hơn. Đó mới là ấp ủ, là dự định, là khát khao mong muốn của con người nhỏ bé nhưng có ước mơ hoài bão lớn Nguyễn Mạnh Hùng.

THẢO NHIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chuyen-ve-xu-doai-thi-quan-714723