Chuyện vui của phóng viên khi tác nghiệp

Nghề báo cũng giống như bất cứ nghề chân chính nào, đều tạo ra giá trị đáp ứng cho nhu cầu của đời sống xã hội. Vì là một nghề nên người làm báo cũng gặp nhiều những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tác nghiệp, tạo nên những câu chuyện buồn vui hết sức đời thường; trở thành động lực, hành trang cho người làm báo trong suốt quá trình hoạt động.

Những câu chuyện hài hước khi tác nghiệp

Không có công thức chung cho một ngày làm việc của nhà báo, vì mỗi người mỗi khác. Tuy vậy, theo cách thông thường nhất là phải viết bài, mà để có bài viết thì phải có nguồn tư liệu, do đó, trước hết nhà báo phải đi tác nghiệp để thu thập đủ tư liệu cho công đoạn viết bài.

Chính trong quá trình thu thập tư liệu là lúc cánh nhà báo hào hứng và thích thú nhất vì được đi nhiều, gặp gỡ nhiều, bổ sung thêm nhiều thông tin và kiến thức từ thực tế, cũng từ đó xảy ra các tình huống có lúc cũng khá éo le.

Và tôi đã không ít lần “đụng độ” những chuyện bất ngờ trên đường đi công tác ở cơ sở. Trong đó, tôi không thể quên những chuyện bị hiểu nhầm rất dễ thương. Cách đây hơn chục năm, thời điểm đó rộ lên phong trào game show trên truyền hình, đa số bạn xem đài rất yêu thích và theo dõi các chương trình game show. Vì vậy, khi thấy một người quảy một chiếc ba lô che hết nửa thân trên, trên cổ quàng ngay chiếc máy ảnh “khủng”, lại được anh cán bộ ở địa phương dẫn đường, nhiều người đã đặt cùng một câu hỏi: “Chúng tôi có được hỗ trợ tiền, vốn hay quà giống như chương trình của diễn viên Q.L trên truyền hình không?”. Tôi phải giải thích cho mọi người mình là phóng viên, chỉ phỏng vấn người dân để viết bài, chứ không phải tổ chức game show. Đến đây, cả khách và chủ đều ngại ngùng và thoáng “thất vọng”.

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Hay như một lần khác, tôi cưỡi chiếc xe gắn máy chạy lòng vòng, tìm vào một khu tái định cư để gặp nhân vật của bài viết. Tôi ghé vào quán để nhấm nháp ly cà phê giải khát, vừa để hỏi thăm đường đến chỗ hẹn. Chưa kịp gọi nước uống, tôi đã được chị chủ quán phán cho một câu: “Chú bán hàng hả? Bữa trước, cũng có một chú vào đây lừa mọi người ở đây hết một mớ, mấy cái máy móc hổng xài gì được hết trơn. Chú cùng chỗ với chú kia hông?”. Tôi phải hết lời giải thích mình là phóng viên chứ không đi bán hàng, rồi lên xe rồ ga phóng nhanh cho lành.

Với tôi, còn nhiều lắm những chuyện hài hước trong quá trình tác nghiệp, đó là những kỷ niệm đẹp, vốn liếng rất quý giá, là hành trang cho công việc của một người làm báo.

Động lực lớn lao từ những chuyến công tác

Phóng viên không chỉ gặp những sự cố bất ngờ, mà còn có những niềm vui, những động lực lớn lao từ những chuyến công tác. Đó là vào thời điểm những năm 2000, tôi cùng Nhà báo Hoàng Liên Phương thực hiện bài viết về một vùng quê thuộc huyện Cù Lao Dung. Lúc ấy, trời mỗi lúc một tối mà cái bụng đói cồn cào làm đôi chân thêm uể oải. Đến lúc nhá nhem tối, tôi dừng chân tại nhà anh Hai Khánh, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của địa phương, cả gia đình chuẩn bị ăn cơm chiều. Hai vợ chồng cùng 3 đứa con nương náu trong căn nhà lá nhỏ xíu nhưng lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Anh cán bộ địa phương đi cùng vỗ vai tôi cho hay: “Vợ chồng anh Hai Khánh chí thú làm ăn nhưng mà không vốn, không đất sản xuất nên còn vất vả. Tuy vậy, anh, chị vẫn cố gắng để các con được đến trường. Địa phương đang có hướng tạo điều kiện để anh, chị được vay vốn phát triển kinh tế gia đình”.

Trong ngôi nhà lá đơn sơ muỗi bay vo ve, vợ chồng anh dọn cơm mời chúng tôi rất nhiệt tình. Mâm cơm được bày biện đơn sơ chỉ có một tô mắm chưng, xung quanh là rổ rau sống để ăn kèm và không quên mang ra chai rượu trắng đãi khách. Bữa cơm đơn sơ mà ấm áp tình nghĩa và cơn đói đã đến đỉnh nên chúng tôi cứ ăn ngon lành từ chén này đến chén khác, khi nhìn lại nồi cơm thì đã sạch cả cơm cháy. Thấy vậy anh Hai Khánh cười khà sảng khoái: “Không sao đâu nhà báo, để chút nữa nấu nồi cơm khác, nghèo tiền nghèo bạc chứ tình nghĩa thì không nghèo đâu”.

Một lần khác, tôi có chuyến công tác ở xứ cồn Phong Nẫm của huyện Kế Sách cùng với anh Thanh Bình. Sau khi xong xuôi công việc ra về, các anh, chị ở địa phương chuẩn bị sẵn một giỏ trái cây xứ cồn để chúng tôi mang về làm quà. Mặc dù rất ngại ngùng và từ chối nhưng trước tấm chân tình của mọi người nên tôi và anh Bình vác cả giỏ trái cây nặng tình nghĩa, giàu cảm xúc mà mọi người dành cho những người làm công tác truyền thông báo chí.

Đặc biệt, trong lần tôi cùng Nhà báo Hoàng Liên Phương về thủ phủ hành tím Vĩnh Châu đã làm tôi không bao giờ quên được sự chân thành của người dân. Khi vào thời điểm thu hoạch hành tím, tác nghiệp xong, ra xe máy đi về thì mới hay, trên xe đã có sẵn nửa bao củ hành tím mà người dân ở đây tặng cho hai nhà báo ăn lấy thảo. Tuy nhiên, đường thì xa, chiếc xe máy thì cũ, xả khói đen mù mịt do không chịu được tất cả sức nặng của người và quà nên rất trầy trật di chuyển trên đường đầy ổ gà ổ voi, bao hành tím cứ rơi xuống đường liên tục. Trời mỗi lúc một tối dần, Nhà báo Hoàng Liên Phương nảy ra một sáng kiến tặng lại quà cho những người trên đường để xe đi nhanh hơn; cũng là để giới thiệu đặc sản củ hành tím đến với nhiều người. Trên đường về, ai nấy trong lòng đều lâng lâng một cảm xúc khó tả. Công việc của người làm báo thật tuyệt vời biết bao.

Làm báo là phải gặp, phải trải qua những chuyện bất ngờ trong quá trình tác nghiệp và không có một khuôn mẫu nào cho việc tác nghiệp, như vậy thì mới có cái mới, cái hay cho những bài viết. Bên cạnh đó, nhà báo còn có những niềm vui, nhất là những chuyến về vùng sâu, vùng xa để phản ánh chân thật hơi thở cuộc sống. Đó như là chất men say làm người ta ngây ngất, thứ rượu chưng cất lâu năm mà chỉ vào sự kiện long trọng mỗi người mới được thưởng thức lấy vị để nhớ hoài, nhớ mãi.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/chuyen-vui-cua-phong-vien-khi-tac-nghiep-73878.html