Chuyện xưa nay lại thời sự
Với cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi, Venezuela khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ rộng bằng gần hai phần ba lãnh thổ của Guyana. Guyana bác bỏ đòi hỏi chủ quyền này. Chuyện tranh chấp chủ quyền giữa hai bên vốn đã tồn tại từ lâu, nhưng về cơ bản khá êm dịu và bây giờ bất ngờ trở nên thời sự.
Trong bối cảnh tình hình chính trị và chính trị an ninh hiện tại trên thế giới và ở khu vực Mỹ Latinh, chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ấy tiềm ẩn không chỉ căng thẳng mà thậm chí còn cả nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước.
Guyana đã đưa chuyện này ra Tòa án công lý của Liên hợp quốc, trong khi phía Venezuela bác bỏ thẩm quyền của tòa án này đối với chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Venezuela và Guyana. Phải đợi thêm vài năm nữa thì Tòa án công lý của Liên hợp quốc mới thụ lý xong việc kiện tụng của Guyana và đưa ra phán xử cuối cùng. Trong chuyện này, Guyana được Cộng đồng các quốc gia Caribe (Caricom) và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) hậu thuẫn.
Venezuela nêu yêu cầu chủ quyền đối với vùng có tên gọi là Vùng Esequibo, theo tên của dòng sông lớn nhất của Guyana. Vùng này chiếm khoảng hai phần ba diện tích hiện tại của Guyana. Điều kiện tự nhiên ở nơi đây chủ yếu là rừng rậm và đầm lầy, gần như chỉ có thổ dân sinh sống. Nơi hoang dã này có được giá trị địa chiến lược quan trọng nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú: Dầu mỏ, đất hiếm, bauxite, mangan, kim cương và vàng.
Nguồn gốc của cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hiện tại giữa Venezuela và Guyana là hai nước chiếm hữu thuộc địa khi xưa là Anh và Tây Ban Nha không phân định biên giới rõ ràng giữa Venezuela và Guyana hồi năm 1899. Guyana bây giờ dựa vào thỏa hiệp phân định ranh giới này giữa Anh và Tây Ban Nha. Venezuela lại lập luận biên giới của Venezuela hiện tại phải là ranh giới được xác định khi Venezuela vẫn còn là thuộc địa của Tây Ban Nha cho đến năm 1777. Venezuela dựa vào Công ước Geneve năm 1966, tức là trước khi Guyana trở thành quốc gia độc lập, hủy bỏ mọi phán quyết pháp lý ở thời thuộc địa.
Venezuela xưa nay chưa từng từ bỏ yêu cầu chủ quyền này như không làm cho cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Guyana thành chuyện thời sự trong chính trị khu vực và quan hệ song phương. Chỉ từ năm 2018, khi dầu mỏ được tìm thấy ở vùng này và Guyana để cho Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ đầu tư khai thác dầu mỏ lâu dài thì cuộc tranh chấp mới trở nên quyết liệt.
Đối với Guyana, từ bỏ chủ quyền lãnh thổ hiện đang quản lý trên thực tế là chuyện không thể chấp nhận được. Vùng này lại rất rộng lớn và giàu tài nguyên thiên nhiên. Để ứng phó với Venezuela, Guyana dựa vào thỏa thuận giữa Anh và Tây Ban Nha năm 1899, dựa vào lợi ích kinh tế của Mỹ ở Guyana và dựa vào chính sách thù địch của Mỹ cùng một số nước Mỹ Latinh đối với chính quyền hiện tại ở Venezuela cũng như kỳ vọng vào phán xử thuận lợi của Tòa án công lý của Liên hợp quốc.
Venezuela hiện tại bị Mỹ và đồng minh trên châu lục bao vây cấm vận và trừng phạt về chính trị, kinh tế và thương mại. Việc thời sự hóa cuộc tranh chấp chủ quyền này giúp chính quyền Venezuela đề cao tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước, đồng thời có được tác dụng của một con chủ bài đối ngoại để đối phó Mỹ cũng như chơi cuộc chơi về chính trị và chính trị an ninh ở khu vực Mỹ Latinh. Kể cả sau khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án công lý của Liên hợp quốc, bất hòa này giữa Venezuela và Guyana vẫn sẽ không chấm dứt vì phán quyết sẽ không được bên bị bất lợi chấp nhận. Nó sẽ còn dai dẳng và thời sự.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuyen-xua-nay-lai-thoi-su-650007.html