CIA bắt tay tỷ phủ dầu mỏ 'đánh cắp' tàu ngầm Liên Xô dưới đáy đại dương
Đây có thể được xem là một trong những chiến dịch tình báo có quy mô lớn nhất của CIA, giúp Mỹ có được các công nghệ quân sự tối mật từ Liên Xô.
Thật vậy, ngày 9/8/1974, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã thực hiện chiến dịch tình báo chưa từng có tiền lệ trong lịch sử khi tiến hành trục vớt tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo K-129 của Liên Xô vốn chìm ở phía bắc Thái Bình Dương trước đó 6 năm.
Ở thời điểm đó, dư luận ở Mỹ hầu như chỉ xoay quanh sự kiện Tổng thống Richard Nixon từ chức sau vụ bê bối Watergate, điều này vô tình giúp chiến dịch của CIA tránh khỏi sự chú ý từ bên ngoài.
Trước đó, vào giữa tháng 3/1968, tàu ngầm K-129 đang tiến hành hoạt động tuần tra ở Bắc Thái Bình Dương thì mất liên lạc với đất liền. Hải quân Liên Xô tổ chức một chiến dịch tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn trong nhiều tháng nhưng vẫn không thể xác định được vị trí K-129 gặp nạn. Sau đó, Moskva quyết định từ bỏ kế hoạch thu hồi K-129.
Về phía Mỹ, họ vô tình xác định được vị trí của tàu ngầm Liên Xô nhờ vào các hệ thống cảnh giới ở Thái Bình Dương.
Tìm kiếm tàu ngầm Liên Xô thất lạc
K-129 là một trong các tàu ngầm diesel-điện mang tên lửa đạn đạo thuộc Đề án 629A của hải quân Liên Xô (định danh NATO Golf-II). Con tàu này được đưa vào trang bị từ năm 1959 và tiếp tục được nâng cấp vào những năm 1960.
Golf-II được đánh giá là một trong những tàu ngầm tấn công mạnh của Liên Xô vào đầu những năm 1960 khi nó được tích hợp nhiều công nghệ và vũ khí mới. Nổi bật nhất vẫn là ba tên lửa đạn đạo R-21 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Vào ngày 24/2/1968. K-129 và thủy thủ đoàn 98 người rời căn cứ ở Kamchatka lên đường làm nhiệm vụ tuần tra như thường lệ. Con tàu này nhận được lệnh hoạt động độc lập và ngưng việc liên lạc vô tuyến với đất liền trong hai tuần đầu tiên của nhiệm vụ.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3, K-129 vẫn không mở lại liên lạc với đất liền dù đã đến hẹn, qua ngày 9/3 vẫn không có thông tin nào từ con tàu. Nhận định K-129 có thể đã gặp nạn, hải quân Liên Xô lập mở một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn.
Liên Xô đã điều động hơn 30 tàu và khoảng 50 máy bay thực hiện việc rà soát một vùng biển lớn nhằm tìm kiếm tung tích của K-129, thậm chí Moskva còn không ngại sử dụng tàu ngầm cho chiến dịch này. Nhưng sau nhiều tháng, thời tiết ở Thái Bình Dương trở nên xấu hơn, hoạt động cứu hộ cũng không đạt được bất cứ tiến triển nào, Liên Xô quyết định ngừng tìm kiếm K-129.
Dĩ nhiên ở phía bên kia, hải quân Mỹ theo dõi mọi động tĩnh từ chiến dịch tìm kiếm K-129 của Liên Xô và có nhiều bằng chứng cho thấy Moskva đã để mất một thứ gì đó quan trọng trên con tàu ngầm mất tích. Chính vì lý do này, Washington quyết định phải có được sau khi Liên Xô từ bỏ.
Trong chiến dịch tìm kiếm K-129, hải quân Mỹ có lợi thế hơn phía Liên Xô khi họ được trang bị hệ thống giám sát âm thanh dưới đáy biển (SOSUS), một mạng lưới các thiết bị định vị sóng âm dưới nước được xây dựng để phát hiện từ tàu ngầm Liên Xô. Và SOSUS đã thu được một tiếng nổ dưới đáy biển ở thời điểm K-129 mất tích.
Nhờ đó, hải quân Mỹ đã thu hẹp được phạm vi tìm kiếm K-129 và sớm xác định được vị trí con tàu gặp nạn chỉ sau một tháng. Theo đó, tàu ngầm Liên Xô gặp nạn cách Hawaii 2.424km về phía tây bắc và nằm ở độ sâu hơn 5.000m dưới đáy biển.
Dựa trên dữ liệu trinh sát của hải quân Mỹ khi đó, cấu trúc thân K-129 đã hư hỏng nặng, kể cả hầm chứa tên lửa, tuy nhiên bên trong vẫn còn từ một đến hai tên lửa vẫn còn nguyên vẹn.
Nhận thấy giá trị của một tàu ngầm Liên Xô còn nguyên vẹn với tên lửa có thể mang theo hạt nhân trên tàu, CIA ngay lập tức đi đầu trong nỗ lực trục vớt K-129 trong một Dự án có mật danh là "Azorian".
Những ý tưởng ban đầu bao gồm việc sử dụng tên lửa hoặc bóng bay dưới nước để nâng xác tàu lên đều không thành công khi K-129 quá nặng và nó cũng chìm quá sâu. Một phương án khả thi hơn được đưa ra là sử dụng một "móng vuốt" đặc biệt để kéo con tàu lên trên mặt nước.
Vỏ bọc hoàn hảo
Vào thời điểm đó, Mỹ chưa từng trục vớt được bất cứ cái gì từ độ sâu hơn 5.000m chứ chưa nói đến một con tàu nặng khoảng 2.000 tấn. Bản thân ngành công nghiệp khai khoáng dưới đáy biển khi đó cũng chưa phát triển. Dù khó khăn, CIA vẫn tìm được một công ty khai khoáng có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh này đó là Global Marine.
Sau đó CIA đã mất tới 6 năm để chuẩn bị cho chiến dịch này và quá trình trục vớt K-129 bắt đầu được thực hiện vào tháng 7/1974, dưới vỏ bọc một dự án thăm dò địa chất khai khoáng ngoài khơi cách bờ biển Hawaii 2.890 km bằng tàu thăm dò "Hughes Glomar Explorer" được thiết kế dành riêng cho sứ mệnh này.
Để tạo ra một lý do hợp lý cho việc Hughes Glomar Explorer lưu lại lâu tại một điểm trên Thái Bình Dương cũng như đánh lạc hướng Liên Xô, CIA đã tìm đến tỷ phú lập dị và là nhà thám hiểm Howard Hughes - người nổi tiếng không chỉ vì hành vi kỳ quặc trong cuộc sống, mà còn trong các chủ trương kỹ thuật đôi khi mang tính cách mạng.
Tại các cơ sở nghiên cứu của Hughes, những tia laser đầu tiên, sau đó là những vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Mỹ, hệ thống dẫn đường tên lửa, radar 3D …, đã được tạo ra.
Hughes đồng ý đề xuất của CIA và trở thành bình phong cho Dự án Azorian. Quyền lực và danh tiếng của Hughes lớn đến mức sau khi giới thiệu dự án, nhiều công ty cạnh tranh đã quan tâm nghiêm túc đến việc thăm dò tương tự.
Công ty Công cụ Hughes sẽ là gương mặt đại diện cho Hughes Glomar Explorer, con tàu khổng lồ dài 189m được thiết kế đặc biệt cho một mục đích: Nâng K-129 lên khỏi đáy biển và đưa nó vào hầm thông qua một "hồ bơi trên mặt trăng" trong vỏ tàu.
Trục vớt tàu ngầm Liên Xô
Do K-129 nằm ở độ sâu rất lớn, nên tàu Hughes Glomar Explorer được thiết kế và chế tạo đặc biệt cho hoạt động này. Hành trình của Hughes Glomar Explorer tới khu vực tàu ngầm Liên Xô gặp nạn mất gần một năm. Đến ngày 4/7/1974 nó mới tới được vị trí và mất thêm 1 tháng để triển khai hệ thống "móng vuốt" dùng để nâng K-129 xuống đáy biển.
Người Mỹ đã phải lắp ráp gần 300 đoạn ống sắt có tổng chiều dài 5.000m để tạo thành hệ thống "móng vuốt" cố định tàu ngầm K-129 khi trục vớt nó lên từ đáy biển và đưa con tàu này vào bên trong thân Hughes Glomar Explorer.
Liên Xô tất nhiên cũng không thể không chú ý đến những sự kiện kỳ lạ diễn ra xung quanh khu vực phía bắc Thái Bình Dương dù họ từng đưa tàu do thám và máy bay trinh sát tới gần Hughes Glomar Explorer.
Theo báo cáo của phía Mỹ, phần thân tàu K-129 bị hư hỏng nặng nên trong quá trình trục vớt các bộ phận của "móng vuốt" không thể đỡ được toàn bộ con tàu, thậm chí một số phần của hệ thống nâng đã bị hư hỏng khi các kỹ sư cố gắng kéo tàu ngầm Liên Xô lên. Kết quả thân tàu K-129 gãy làm hai phần, 2/3 chìm xuống lại đáy biển.
Các báo cáo sau đó chỉ ra rằng, 2/3 thân tàu nói trên là phần thân đuôi tàu nơi đặt hầm chứa tên lửa và hệ thống mã liên lạc, vì vậy ở một mức độ nào đó Mỹ đã không đạt được các mục tiêu chính trong Dự án Azorian. Tuy nhiên, phần thân tàu còn lại vẫn mang đến một số ít thông tin có giá trị với các ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân và các thiết bị khác trên K-129.
Dù vậy, CIA sau đó vẫn cố gắng tái khởi động lại Dự án Azorian với một cái tên mới là "Matador" nhưng điều này lại vô tình thu hút sự chú ý từ giới truyền thông và kế hoạch trục vớt tàu ngầm K-129 dần bị đưa ra ánh sáng.
Khi vỏ bọc của CIA cho Dự án Azorian đã bị "thổi bay", Nhà Trắng cũng quyết định dừng kế hoạch trục vớt tàu ngầm K-129 lần thứ 2. Phía Liên Xô khi biết tin cũng tăng cường tàu chiến đến khu vực tàu ngầm của họ gặp nạn.
Về phía CIA họ chưa từng cho công bố những gì họ có được sau khi trục vớt K-129 nhưng người Mỹ ít nhất cũng đã có trong tay hai ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân và các tài liệu thuộc dạng mật có trong tàu ngầm Liên Xô khi đó.